Afghanistan: Dân không biết đến Covid-19, khủng hoảng đang lên đến mức chưa từng thấy

Đăng Nguyễn - Daily Mail Thứ bảy, ngày 09/10/2021 14:55 PM (GMT+7)
Hệ thống y tế ở Afghanistan được dự báo sẽ sụp đổ trong vài tháng tới, do gián đoạn vì xung đột và thiếu sự hỗ trợ từ nước ngoài, cơ quan của Liên Hợp Quốc và các tổ chức phi lợi nhuận cho biết, theo CNN.
Bình luận 0

img

Hệ thống y tế Afghanistan trên bờ vực sụp đổ vì khủng hoảng.

Hàng ngàn nhân viên y tế đã không được trả lương trong 6 tháng qua và các trung tâm y tế không có trang thiết bị hoặc thuốc men.

Đây là cuộc khủng hoảng mới nhất ở Afghanistan kể từ khi Taliban nắm quyền kiểm soát đất nước từ giữa tháng 8.

Dịch Covid-19 được cho là vẫn đang lây lan ở Afghanistan. Đại đa số người dân chưa được tiêm chủng đầy đủ. Rất khó để đánh giá quy mô dịch bệnh ở Afghanistan vì không có trang thiết bị xét nghiệm cần thiết.

Theo Liên Hợp Quốc, trước tháng 8 năm nay, mới chỉ có 2,2 triệu người Afghanistan được tiêm ngừa Covid-19.

Văn phòng Điều phối các Vấn đề Nhân đạo của Liên Hợp Quốc (OCHA) nói các cơ quan cứu trợ ở Afghanistan "đang chạy đua với thời gian để cung cấp viện trợ cho những người bị ảnh hưởng bởi khủng hoảng và bổ sung các nguồn cung cấp cần thiết trước mùa đông”.

Mary-Ellen McGroarty, giám đốc Chương trình Lương thực Thế giới, nói trên CNN rằng, bà "chưa bao giờ thấy một cuộc khủng hoảng nào diễn ra với tốc độ và quy mô như hiện nay ở Afghanistan".

img

Người phụ nữ phát bánh mỳ cho trẻ em ở Afghanistan.

“Cuộc khủng hoảng ở Afghanistan đang đạt đến mức độ chưa từng thấy, với hạn hán, kinh tế đình trệ khiến giá lương thực và xăng dầu leo thang”, bà nói.

Bahman Shahi, chuyên gia làm việc cho công ty tư vấn sức khỏe và giáo dục ACASUS ở Afghanistan, vừa mới kết thúc hai tuần khảo sát các trung tâm y tế tại miền nam đất nước, chứng kiến cảnh tượng đáng buồn.

Shahi nói ông đã tới tỉnh Helmand, Kandahar và Kabul, chứng kiến cảnh các bệnh viện hoạt động cầm chừng và số lượng nhân viên y tế hết sức hạn chế. Tình trạng thiếu thiết bị và vật tư y tế, thuốc men khá phổ biến. “Những thứ cơ bản không có ở đây”, Shahi nói.

Theo Shahi, nhiều người Afghanistan còn không biết dịch bệnh Covid-19 tồn tại và đang lây lan trong cộng đồng. Taliban cũng chưa có động thái đối phó với dịch bệnh, khi tổ chức này đang ổn định tình hình nội bộ, cũng như đối phó với thách thức đến từ khủng bố IS.

Trong số 40 triệu người ở Afghanistan, Shahi ước tính 11 triệu người đang đối mặt với viễn cảnh tồi tệ nhất. Một số trở về vùng quê nghèo vì không có việc làm ở thành phố.

Kể từ khi Taliban nắm quyền vào giữa tháng 8, Ngân hàng Thế giới (WB), Mỹ và Liên minh châu Âu (EU) đã hoãn giải ngân các khoản viện trợ.

Chuyên gia Devon Cone, người soạn thảo báo cáo về tình hình nhân đạo ở Afghanistan, nói trên CNN: “Với hệ thống y tế đang trên bờ vực sụp đổ, cùng với những hạn chế do Taliban áp đặt, phụ nữ và trẻ em gần như không thể tiếp cận với bất cứ dịch vụ y tế thiết yếu nào”.

“Nếu tình hình không thay đổi, hệ quả sẽ là thảm họa đối với phụ nữ Afghanistan”, Cone nói.

Từ khóa:
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem