94% số vụ tai nạn đường sắt do... người tham gia đường bộ

Vinh Hải Thứ bảy, ngày 09/01/2016 09:54 AM (GMT+7)
Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam (ĐSVN) cho biết, 94% số vụ tai nạn giao thông (TNGT) đường sắt do người tham gia đường bộ vi phạm pháp luật về trật tự an toàn giao thông.
Bình luận 0

90% đường ngang hợp pháp vi phạm tiêu chuẩn

Tổng Công ty ĐSVN cho biết, năm 2015 TNGT đường sắt đã tăng đột biến. Trước đó, từ năm 2011 - 2014, số vụ, số người chết vì TNGT đường sắt liên tục giảm. Cụ thể, năm 2011 có 518 vụ làm chết 263 người đến năm 2014 chỉ còn 388 vụ làm chết 161 người. Nhưng năm 2015, số vụ tai nạn đường sắt lại tăng vọt lên 487 vụ, làm chết 213 người.

img

Một đoạn tuyến đường sắt Bắc - Nam chạy song song liền kề với Quốc lộ 1A nhưng không có rào chắn. Ảnh: I.T

Ông Đoàn Duy Hoạch - Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty ĐSVN cho biết: "Trên 94% số vụ TNGT đường sắt xuất phát từ nguyên nhân người tham gia đường bộ vi phạm pháp luật về an toàn giao thông đường bộ, đường sắt gây tai nạn trên đường sắt. Trong 487 vụ TNGT đường sắt xảy ra năm 2015, có 40% số vụ tai nạn xảy ra tại đường ngang bất hợp pháp và 57% số vụ xảy ra dọc tuyến đường sắt".

Ông Hoạch cho biết, nhiều đoạn tuyến đường sắt chạy xuyên qua khu đô thị, khu dân cư có tốc độ đô thị hóa nhanh. Rất nhiều đoạn đường sắt chạy song song, liền kề với đường bộ và nhà dân hai ven đường. Đây là nguyên nhân chính làm phát sinh tình trạng vi phạm và lấn chiếm hành lang an toàn giao thông đường sắt, mở lối đi hay thậm chí là lấy đường sắt làm mặt tiền sinh hoạt hàng ngày.

Đáng lưu ý, trong số các đường ngang hợp pháp, có đến gần 90% vi phạm tiêu chuẩn do Bộ GTVT ban hành: Đường sắt và đường bộ song song liền kề, đường ngang có độ dốc lớn, giao cắt chéo, bị che khuất tầm nhìn...

Ông Hoạch lý giải, điều này do quy định pháp luật về an toàn giao thông đường sắt được ban hành chậm, thiếu thống nhất, đồng bộ. Theo Nghị định 109/2006, hành lang đường sắt là 7,5m nhưng Luật Đường sắt lại quy định là 15m nên các địa phương không biết xử lý thế nào. Như đường Lê Duẩn và đường sắt ở Hà Nội chạy song song liền kề, vừa chênh lệch cao thấp nhưng không thể xử lý được.

Có lời giải, vẫn chưa ra đáp án

 Theo thống kê của Tổng Công ty ĐSVN, tính đến năm 2015, trên các tuyến đường sắt hiện có 1.498 đường ngang hợp pháp và 4305 đường ngang bất hợp pháp. Nghiêm trọng hơn, hiện tồn tại gần 6.000 lối đi qua đường sắt. 

Thượng tá Nguyễn Hồng Đô - Phó Trưởng phòng hướng dẫn và tổ chức công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông đường sắt (Cục CSGT) cho rằng để giảm dần các lối đi dân sinh, cần xây dựng đường gom và hàng rào bảo vệ. Thượng tá Đô cho hay: "Xây dựng hàng rào ngăn cách đường sắt với đường bộ, với khu dân cư, các đường gom dân sinh hay làm gờ giảm tốc trước mỗi đường ngang để hạn chế nguy cơ va chạm giữa phương tiện giao thông đường bộ với tàu hỏa".

Ông Khuất Việt Hùng - Phó Chủ tịch chuyên trách Ủy ban An toàn giao thông quốc gia cho rằng: "Thực ra lời giải cho an toàn giao thông đường sắt là rất rõ, đó là 94% số vụ liên quan đến đường ngang thì lời giải là đường ngang, là hành lang an toàn. Những đường ngang trọng điểm mất an toàn giao thông phải có cảnh báo, có gác chắn, có người cảnh báo hay gác chắn tự động. Các giải pháp này đã có lộ trình để làm, tính được số tiền bao nhiêu rồi. Bây giờ làm sao để thực hiện được trong điều kiện ngân sách còn khó khăn như hiện nay".

Ông Hùng cho hay, có những sáng kiến nhỏ như gờ giảm tốc chi phí bỏ ra không nhiều nhưng đem lại hiệu quả, có thể tiến hành ngay được. Hay cần phải tìm giải pháp để đẩy nhanh tiến độ thực hiện rào chắn tự động theo sáng kiến của Tổng Công ty ĐSVN. Ông Hùng câu hỏi: "Tại sao đặt mục tiêu làm hơn 300 rào chắn nhưng năm 2015 mới làm được vài chục điểm?". 

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem