70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ: Ký ức 5 ngày đêm mổ dưới hầm trong "mưa bom bão đạn" của vị Tướng quân y

Gia Khiêm Thứ sáu, ngày 22/03/2024 13:00 PM (GMT+7)
70 năm trôi qua, nhưng trong tâm trí Thiếu tướng Nguyễn Tụ, Anh hùng Lực lượng vũ trang, vẫn nhớ những ngày tháng liên tiếp không ngủ, chạy đua mổ chữa thương bệnh binh dưới hầm trú ẩn tại trận địa Điện Biên Phủ vô cùng khốc liệt.
Bình luận 0

70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ: Ký ức 5 ngày đêm mổ cứu chữa chiến sĩ bị thương dưới hầm tại trận địa Điện Biên Phủ

Cách đây 70 năm, chiến thắng Điện Biên Phủ đã trở thành tiếng sấm rền vang làm rung chuyển thế giới, xé toạc đám mây đen của chủ nghĩa thực dân - đế quốc, mang đến nguồn cổ vũ to lớn cho các dân tộc bị áp bức đứng lên giành độc lập.

70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ: Ký ức 5 ngày đêm mổ dưới hầm trong "mưa bom bão đạn" của vị Tướng quân y- Ảnh 1.

Thiếu tướng Nguyễn Tụ, Anh hùng Lực lượng vũ trang vẫn nhớ những ngày không ngủ, chạy đua mổ chữa thương bệnh binh dưới hầm trú ẩn tại trận địa Điện Biên Phủ vô cùng khốc liệt. Ảnh: Gia Khiêm

Ba tiếng "Việt Nam - Hồ Chí Minh - Điện Biên Phủ" vang lên khắp mọi nơi, trở thành niềm tự hào và khát vọng tự do của loài người tiến bộ, là biểu tượng của lòng quả cảm vô song và là ngôi sao sáng của phong trào giải phóng dân tộc, báo hiệu sự sụp đổ của chủ nghĩa thực dân.

Thiếu tướng Nguyễn Tụ, Anh hùng Lực lượng vũ trang kể về cuộc chạy đua mổ chữa thương bệnh binh dưới hầm trú ẩn tại trận địa Điện Biên Phủ. Clip: Gia Khiêm

Trong ký ức của Thiếu tướng Nguyễn Tụ, Anh hùng Lực lượng vũ trang, nguyên Phó giám đốc Học viện quân y, chiến thắng Điện Biên Phủ 70 năm trước càng trở nên vĩ đại hơn vì đó là thắng lợi của một đội quân non trẻ của một dân tộc bị coi là nhược tiểu, nhưng đã đánh đổ gã khổng lồ của chủ nghĩa thực dân với quân số và trang bị vũ khí vượt trội.

70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ: Ký ức 5 ngày đêm mổ dưới hầm trong "mưa bom bão đạn" của vị Tướng quân y- Ảnh 2.

Hầm Quân Y trong chiến dịch Điện Biên Phủ. Ảnh tư liệu

Ở tuổi 96 nhưng Thiếu tướng Nguyễn Tụ vẫn rất tinh anh, toát lên đầy khí chất của vị Tướng quân y. Ông kể, trong 56 ngày đêm (từ 13/3 -7/5/1954) quân ta đã xóa sổ hơn 16 nghìn quân địch, đập tan tập đoàn cứ điểm vốn được phương Tây coi là "pháo đài bất khả xâm phạm". Đây cũng là lần đầu trong lịch sử một đội quân viễn chinh lớn như vậy của một đế quốc phương tây bị tiêu diệt tại một nước thuộc địa.

Khi ấy, Thiếu tướng Nguyễn Tụ là cán bộ phòng quân y Đại đoàn 316, đại đoàn đánh vào cánh phía đông đồi A1. Ông làm chuyên môn y tế, bảo đảm quân y cho bộ đội tại chiến dịch Điện Biên Phủ.

70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ: Ký ức 5 ngày đêm mổ dưới hầm trong "mưa bom bão đạn" của vị Tướng quân y- Ảnh 3.

Các chiến sĩ quân y chạy đua cứu chữa các chiến sĩ bị thương. Ảnh tư liệu

"Đồi A1 chính là cứ điểm rất kiên cố của địch, có cả hầm ngầm. Ngay tối 30 và 31/3, quân đội ta thương vong rất lớn, lên đến hơn 1.000 thương binh. Tất cả các phòng mổ đều thực hiện dưới hầm, lần đầu tiên trong lịch sử quân y phải mổ cấp cứu cho các chiến sĩ dưới hầm. Thương vong lớn như vậy nên công tác cứu chữa thương bệnh binh có thời điểm rơi vào bất lực vì quá tải. Chúng tôi mổ thông suốt 5 ngày đêm không nghỉ, thương binh có lúc ùn tắc làm cho hoạt động chuyên môn khó khăn hơn", Thiếu tướng Tụ nhớ lại.

Theo Thiếu tướng Tụ, các y bác sĩ thời chiến phải mổ cứu người trong điều kiện rất khó khăn, ánh sáng mổ hoàn toàn không phải đèn điện mà là của xe đạp.

70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ: Ký ức 5 ngày đêm mổ dưới hầm trong "mưa bom bão đạn" của vị Tướng quân y- Ảnh 4.

Dụng cụ cứu chữa thương bệnh binh tại chiến trường Điện Biên Phủ. Ảnh tư liệu

"Thực ra lúc bấy giờ chúng tôi chưa phải là bác sĩ, hoàn toàn là sinh viên y khoa Đại học Y Hà Nội từ khoá 1946-1952 được điều động phục vụ quân đội. Đã là sinh viên nên trình độ kỹ thuật chưa cao, nhiều anh em vừa phải mổ vừa phải đọc thêm sách, tài liệu để tham khảo kỹ thuật. Chính vì vậy có thể nói ngành quân y của chúng tôi trong chiến dịch Điện Biên Phủ đã tích luỹ được rất nhiều kinh nghiệm để phục vụ cho những chiến dịch sau này", Thiếu tướng Tụ chia sẻ.

Không chỉ khó khăn về ánh sáng, vị Thiếu tướng kể, phải cáng thương binh đi trong hầm, phía trên quân địch bắn phá vô cùng ác liệt. Việc di chuyển trong hầm đều phải dùng sức người. Tổng số thương binh trong chiến dịch Điện Biên Phủ khoảng 10.130 người, chưa kể bệnh binh.

70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ: Chuyện về những chiến sĩ quân y "đi trước về sau"

Lực lượng quân y huy động gần hết cho chiến dịch, trong đó có 6 đội điều trị của quân y, 4 đội điều trị của các đại đoàn. Lúc bấy giờ có cả cố giáo sư Tôn Thất Tùng, bác sĩ Vũ Đình Tụng, khi đó đang đảm nhiệm Bộ trưởng Bộ Thương binh - Cựu binh cũng lên chiến trường trực tiếp tham gia mổ cứu chữa các chiến sĩ. Các tỉnh Phú Thọ, Yên Bái, Thanh Hoá… là bệnh viện hậu phương. Những thương binh không còn khả năng chiến đấu được đưa về đây để điều trị.

70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ: Ký ức 5 ngày đêm mổ dưới hầm trong "mưa bom bão đạn" của vị Tướng quân y- Ảnh 5.

Thiếu tướng Nguyễn Tụ chia sẻ, lực lượng quân y trong thời chiến bao giờ cũng là người đi trước, về sau. Ảnh: Gia Khiêm

"Khi ấy, chúng ta bao vây chặt chẽ, địch nhảy dù đưa sản phẩm phục vụ cho chúng nhưng nó lạc vào địa phận của mình nên chúng tôi đã lấy được những hộp tinh thể cam, hồi, chanh. Những thực phẩm này cho thương bệnh binh uống rất nhanh chóng phục hồi", Thiếu tướng Tụ vui vẻ kể.

70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ: Ký ức 5 ngày đêm mổ dưới hầm trong "mưa bom bão đạn" của vị Tướng quân y- Ảnh 6.

Thương binh Pháp được các chiến sỹ Quân y cứu chữa và chăm sóc tại mặt trận Điện Biên Phủ. Ảnh tư liệu

70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ: Ký ức 5 ngày đêm mổ dưới hầm trong "mưa bom bão đạn" của vị Tướng quân y- Ảnh 7.

Thương binh Pháp được trao trả về nước. Ảnh tư liệu

Cho đến bây giờ, những ký ức hào hùng về những trận đánh lịch sử năm xưa vẫn trong tiềm thức của Thiếu tướng Tụ. Ông xúc động kể, không có quân đội nào đánh được Việt Minh bởi vì quân đội Việt Minh chỉ ăn cơm nắm mà đi 50km trong một đêm. Chính người Pháp chịu thua từ những xe đạp do người Pháp sản xuất. Từ những chiếc xe đạp cũ, chúng ta đã nghĩ ra cách dùng để thồ đạn, gạo cho bộ đội, vượt quãng đường 500km từ hậu phương lên trận địa.

"Thậm chí sau khi tướng De Castries của Pháp đầu hàng, để gần 500 thương binh, chúng ta còn cứu chữa cho thấy quân đội ta rất nhân đạo. Tôi nhớ có một cô y tá, trước đó là tiếp viên hàng không lên phục vụ cho quân đội Pháp. Cô nói với người bác sĩ ở đoàn cứ điểm: 'Nếu tôi biết được lòng khoan dung của cụ Hồ thì tôi đã xin làm tù binh trước đó'", Thiếu tướng Tụ kể.

Ông nói, quân y bao giờ cũng đi trước, về sau. Đi trước để chuẩn bị cơ sở tiếp đón thương binh, về sau là sau khi bộ phận bộ đội ta rút hết khỏi thì lực lượng quân y vẫn tiếp tục công việc cứu chữa thương bệnh binh, đảm bảo cho thương binh an tâm và cảm nhận được tình cảm, chăm sóc của đồng đội.

"Sau chiến dịch đại thắng, ròng rã hơn 1 tháng trời mới đưa được hết thương binh về tuyến sau. Có thể nói, đây là một trong những chiến dịch dài và nhiều thương binh nhất. Điện Biên Phủ có 3 nghĩa trang, trong đó nghĩa trang lớn nhất là nghĩa trang A1. 

Hiện nay chỉ có 4 mộ có tên, hầu hết không có tên. Cố Tổng Bí thư Đỗ Mười vào thăm cơ sở khi tôi đang làm lãnh đạo ở Học viện Quân Y đã nói: Ông cha, tổ tiên của chúng ta đã đánh giặc xâm lược, sự hy sinh mất mát, xương có thể chất thành núi, máu chảy thành sông mới giành được độc lập, tự do. Vì vậy thế hệ của chúng ta, nhất là các bạn trẻ phải hết sức kiên trì để giữ gìn lấy nó", Thiếu tướng Tụ chia sẻ thêm. 

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem