654 trường hợp tung tin sai sự thật về dịch Covid-19

C.Tâm - C.Quý- B.Dương Thứ sáu, ngày 13/03/2020 21:18 PM (GMT+7)
Trong những ngày Việt Nam đang diễn ra dịch Covid-19, Công an của các TP, tỉnh thành, địa phương trong cả nước đã xác minh làm việc với 654 trường hợp đưa tin sai sự thật, xử phạt vi phạm hành chính 146 đối tượng.
Bình luận 0

Tối 13/3, Bộ Công an đã phát đi thông báo về việc lợi dụng tình hình của dịch bệnh virus corona (Covid-19), các thế lực thù địch, phản động, các đối tượng bất mãn chính trị trong và ngoài nước đã lợi dụng phát tán trên không gian mạng nhiều thông tin sai sự thật, xuyên tạc tình hình dịch bệnh và công tác chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Bộ Y tế và các bộ, ngành, địa phương trong nỗ lực phòng, chống dịch bệnh; kích động người dân đình công, ngừng buôn bán, tích trữ lương thực, thực phẩm...

Theo đó, mục đích của các đối tượng này là nhằm gây hoang mang, lo sợ trong quần chúng nhân dân, tạo ra tình trạng bất ổn, chia rẽ trong nội bộ, tiềm ẩn nhiều nguy cơ làm mất ổn định chính trị, trật tự, an toàn xã hội. Ví dụ như việc các đối tượng phản động, chống đối đã xuyên tạc “bệnh nhân thứ 17 - N.H.N chỉ là “con dê tế thần” để giúp Chính phủ Việt Nam nhận tiền tài trợ từ nước ngoài, hợp thức hóa cho việc bùng phát bệnh dịch không phải do người Trung Quốc nhập cảnh vào Việt Nam gây ra”; tung tin bịa đặt số người bị nhiễm bệnh lên tới gần 500 người ở 12 tỉnh, thành phố và hàng chục người đã tử vong vì nhiễm virus corona (Covid-19) tại Việt Nam…

img

654 trường hợp tung tin sai sự thật về dịch virus corona (Covid-19).

Bên cạnh đó, nhiều đối tượng cũng đã lợi dụng tình hình dịch bệnh để tung tin thất thiệt hoặc đưa những thông tin thiếu tính xác thực, chưa được kiểm chứng, phỏng đoán theo quan điểm, nhận thức cá nhân nhằm câu view, câu like, gây hoang mang trong dư luận xã hội. Ví dụ như việc các đối tượng đã tung tin sai lệch việc bệnh nhân thứ 17 nhiễm dịch bệnh Covid-19 N.H.N tham dự khai trương hãng thời trang Uniqlo tại phố Phạm Ngọc Thạch, TP.Hà Nội (nhưng thực chất bệnh nhân đã được cách ly từ ngày hôm trước); xuyên tạc chính quyền đã chuẩn bị lò hỏa thiêu cho các địa phương; các tuyến phố ở TP.HCM bị cách ly, cô lập hoàn toàn; hình ảnh chụp lại màn hình từ của một tài khoản Facebook được cho là của cô gái nhiễm bệnh với dòng trạng thái: “Bệnh tình rất yếu, suy kiệt sức khỏe và xin lỗi người dân cả nước”…

Theo thống kê của lực lượng công an, từ khi xuất hiện dịch bệnh virus corona (Covid-19) đến nay, trên không gian mạng đã có gần 300.000 tin, bài đăng trên các trang thông tin điện tử, blog, diễn đàn; gần 600.000 tin, bài, video clip liên quan đến dịch bệnh trên mạng xã hội. Trong đó có rất nhiều tin, bài có nội dung chưa được kiểm chứng, xuyên tạc, sai sự thật, thu hút hàng triệu lượt bình luận, chia sẻ.

Phương thức, thủ đoạn của các đối tượng là thiết lập nhiều trang mạng, hội nhóm, tài khoản Facebook… để phát tán, chia sẻ các bài viết, hình ảnh, video có nội dung xuyên tạc, bịa đặt, kích động về tình hình dịch bệnh tại Việt Nam; bịa đặt các thông tin gây sốc về số người chết do nhiễm Covid-19 tại Việt Nam; hướng dẫn cách chữa trị tại nhà như uống rượu, tắm cây sả…, từ đó kêu gọi tự chữa bệnh tại nhà, tẩy chay hướng dẫn của Bộ Y tế. Các đối tượng còn lợi dụng “khoảng trống thông tin” trên các trang mạng chính thống để lồng ghép các thông tin xuyên tạc bịa đặt, gây hoang mang trong dư luận xã hội.

Tính tới thời điểm hiện tại, công an các đơn vị, địa phương trong cả nước đã xác minh, làm việc với 654 trường hợp đưa tin sai sự thật, xử phạt vi phạm hành chính hơn 146 đối tượng. Các trường hợp sai phạm, sau khi được cơ quan công an làm việc, phân tích đã nhận thức được hành vi vi phạm của bản thân, tự gỡ bỏ các thông tin sai sự thật và cam kết không tái phạm; trong đó có cả những KOL (người có ảnh hưởng lớn trong xã hội).

Để chung tay chống lại dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus corona (Covid-19) gây ra, bên cạnh nỗ lực của lực lượng công an trong công tác đấu tranh xử lý các đối tượng vi phạm, rất cần có sự chung sức, đồng lòng của nhân dân, lên án những hành vi tuyên truyền thông tin sai sự thật, góp phần loại bỏ thông tin tiêu cực, xây dựng một không gian mạng lành mạnh, hữu ích cho xã hội.

Cảnh báo mạo danh Sở Y tế để bán tài liệu phòng, chống Covid-19

Chiều 13/3, Thanh tra Sở Y tế TP.HCM cho biết trên địa bàn thành phố xuất hiện một người tên Hải, tự nhận là nhân viên Sở Y tế, đến một số phòng khám trên địa bàn TP.HCM để bán các tài liệu liên quan công tác phòng, chống dịch Covid-19. Người này còn nói Sở Y tế TP.HCM sẽ tổ chức kiểm tra hoạt động phòng, chống dịch bệnh tại phòng khám.

Sở Y tế TPHCM khẳng định, không thực hiện việc mua, bán các tài liệu truyền thông cũng như các sản phẩm y tế liên quan công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19.

Vì vậy Sở đề nghị các đơn vị khi tiếp nhận thông tin về việc mua, bán tài liệu hoặc các sản phẩm y tế về phòng, chống dịch bệnh không thực hiện giao dịch với các đối tượng này. Cần xác minh thông tin từ các cơ quan liên quan về chủ trương mà các đối tượng mạo danh. Các đơn vị cũng có thể yêu cầu sự hỗ trợ từ các cơ quan công an địa phương hỗ trợ, xử lý những đối tượng giả danh, mạo danh để trục lợi.

Sở Y tế yêu cầu các Phòng Y tế quận, huyện thông báo đến các phòng  khám đa khoa, chuyên khoa tư nhân, các nhà thuốc trên địa bàn biết thông tin để phòng tránh.

Từ khóa:
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem