5 huyện Hà Nội sắp lên quận là những huyện nào, đều được Thủ tướng công nhận huyện nông thôn mới?

Thiên Ngân Thứ ba, ngày 02/03/2021 15:03 PM (GMT+7)
Theo Quyết định 241/QĐ-TTg ban ngành ngày 24/2/2021, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Kế hoạch phân loại đô thị toàn quốc giai đoạn 2021-2030. Trong đó, Hà Nội có 5 huyện gồm Hoài Đức, Gia Lâm, Đông Anh, Thanh Trì, Đan Phượng dự kiến thành lập quận.
Bình luận 0

Theo Danh mục đô thị thực hiện phân loại đô thị toàn quốc giai đoạn 2021 - 2025 và giai đoạn 2026 - 2030 ban hành kèm theo Quyết định 241 của Thủ tướng Chính phủ, tại Hà Nội có 5 huyện sắp lên quận, gồm các huyện: Hoài Đức, Gia Lâm, Đông Anh, Thanh Trì, Đan Phượng. 

5 huyện sắp lên quận này cũng là những huyện đã được Thủ tướng Chính phủ công nhận đạt chuẩn huyện nông thôn mới, ngoài ra còn có huyện Quốc Oai và thị xã Sơn Tây. 

Theo đó, UBND thành phố Hà Nội đã chỉ đạo 5 huyện sắp lên quận trên song song thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới, kết hợp với việc xây dựng các tiêu chí xã trở thành phường, huyện trở thành quận, nhằm định hướng quy hoạch, đầu tư cơ sở hạ tầng, môi trường, các dịch vụ xã hội phù hợp với định hướng đô thị hóa, từng bước chuẩn bị cho việc hình thành đô thị trên địa bàn, tránh lãng phí nguồn lực đầu tư.

Đến nay, 5 huyện Đông Anh, Gia Lâm, Thanh Trì, Đan Phượng, Hoài Đức đã được UBND thành phố phê duyệt đề án đầu tư, xây dựng huyện trở thành quận. Các nội dung theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về xây dựng nông thôn mới trong quá trình đô thị hóa trên địa bàn cấp huyện giai đoạn 2017-2020 đối với 5 huyện sắp lên quận đã cơ bản đáp ứng theo quy định.

5 huyện Hà Nội sắp lên quận là những huyện nào, đều được Thủ tướng công nhận huyện nông thôn mới?  - Ảnh 1.

Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Nguyễn Thị Tuyến thăm mô hình sản xuất rau an toàn tại HTX Tiền Lệ, xã Tiền Lệ (huyện Hoài Đức, Hà Nội). Ảnh: Huy Kiên

Tại buổi làm việc với Ban Thường vụ Huyện uỷ Hoài Đức về công tác phòng, chống dịch Covid-19; xây dựng nông thôn mới và tiến độ thực hiện Đề án xây dựng huyện Hoài Đức thành quận mới đây, bà Nguyễn Thị Tuyến, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy, Trưởng Ban Chỉ đạo Chương trình 04-CTr/TU nhận định, Hoài Đức là huyện có nhiều tiềm năng, thế mạnh với vị trí địa lý thuận lợi ở cửa ngõ thành phố. 

Trong năm 2020, huyện đã cơ bản hoàn thành các chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội, đồng thời cơ bản hoàn thành các tiêu chí xây dựng nông thôn mới từ năm 2017. Đặc biệt, huyện Hoài Đức có 1 xã tiêu biểu về nông thôn mới kiểu mẫu của Thủ đô và cả nước. 

Theo Phó Bí thư Thường trực Thành ủy, tính đến nay, huyện đã hoàn thành và cơ bản hoàn thành 22/27 tiêu chí từ huyện thành quận, tuy nhiên, vẫn còn 5 tiêu chí chưa đạt. Đây là những lĩnh vực Hoài Đức cùng các sở, ban, ngành cần tập trung hoàn thiện.

5 huyện Hà Nội sắp lên quận là những huyện nào, đều được Thủ tướng công nhận huyện nông thôn mới?  - Ảnh 2.

Huyện Hoài Đức đã xây dựng và phát triển các vùng chuyên canh sản xuất nông nghiệp tập trung tại 11 xã để trồng cây ăn quả có giá trị cao và rau an toàn. Ảnh: T.L

Liên quan đến Đề án xây dựng huyện thành quận, Phó Bí thư Thành uỷ Hà Nội Nguyễn Thị Tuyến cho rằng bất cập lớn nhất của Hoài Đức hiện nay là vấn đề quy hoạch. Vì vậy, huyện cần rà soát, đối chiếu lại các quy hoạch của thành phố để hoàn thiện theo quy định. 

Trong đó, huyện cần sớm thành lập Ban chỉ đạo phục vụ việc xây dựng huyện thành quận; rà soát lại các tiêu chí xây dựng nông thôn mới để tích hợp với các tiêu chí xây dựng xã thành phường, huyện thành quận… Cùng với đó, cần rà soát toàn bộ các hộ kinh doanh đủ điều kiện trở thành doanh nghiệp để hỗ trợ phát triển sản xuất kinh doanh, góp phần tạo nguồn thu ngân sách ổn định cho huyện Hoài Đức.

Tại buổi làm việc, Chủ tịch UBND huyện Hoài Đức Nguyễn Hoàng Trường cho biết, công tác phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới và nâng cao đời sống nhân dân trên địa bàn huyện đã đạt được nhiều kết quả toàn diện. Thu nhập bình quân đầu người của huyện đạt 62 triệu đồng/người/năm; huyện không còn hộ nghèo. 

Tỷ lệ người dân tham gia BHYT đạt 95%; Tỷ lệ trường chuẩn Quốc gia đạt 70,1%. Hàng năm, giải quyết việc làm mới cho trên 5.000 lao động. 

Toàn huyện đã có 88% số hộ gia đình; 87,7% số thôn, làng; 84,5% số cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp đạt "Danh hiệu văn hóa" và 100% số xã đạt chuẩn văn hóa nông thôn mới. Tỷ lệ rác thải được thu gom vận chuyển trong ngày đạt 100%....

Hết năm 2016, 19/19 xã của huyện Hoài Đức được UBND TP quyết định công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới. Trong đó, xã Yên Sở được đánh giá là 1/50 xã tiêu biểu của TP và là 1/27 xã tiêu biểu toàn quốc. Tháng 10/2017, huyện Hoài Đức được Chính phủ công nhận đạt chuẩn nông thôn mới và năm 2019 được Chủ tịch nước tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Ba về xây dựng nông thôn mới... 

Hà Nội đặt mục tiêu đến năm 2021 có 100% xã đạt chuẩn nông thôn mới; đến năm 2025 có 30% số xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, 15% số xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu, 2 xã đạt chuẩn nông thôn mới Thủ đô, 100% số huyện đạt chuẩn nông thôn mới...


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem