3 thị trường lớn chi phối xuất khẩu cá ngừ Việt Nam

10/01/2020 06:24 GMT+7
Tiếp đà tăng trưởng, năm 2019, Mỹ, EU và ASEAN tiếp tục là 3 thị trường xuất khẩu cá ngừ lớn nhất của Việt Nam. Thị phần của 3 khu vực này đã chiếm hơn 70% tỉ trọng xuất khẩu cá ngừ trong năm 2019. Tuy nhiên tốc độ xuất khẩu cá ngừ sang cả 3 thị trường này trong năm qua nhìn chung có nhiều biến động.
3 thị trường lớn chi phối xuất khẩu cá ngừ Việt Nam - Ảnh 1.

MỸ: Theo đó, Mỹ vẫn tiếp tục là thị trường xuất khẩu cá ngừ lớn nhất của Việt Nam, chiếm tỷ trọng 46% trong 11 tháng đầu năm 2019 (tăng so với mức 35% của cùng kỳ năm ngoái). Với mức tỷ trọng này, những thay đổi của thị trường Mỹ ảnh hưởng lớn đến tình hình xuất khẩu cá ngừ của Việt Nam.

So với năm ngoái, năm nay xuất khẩu cá ngừ của Việt Nam sang Mỹ có xu hướng tăng trưởng mạnh trong nửa đầu năm, và tăng trưởng chậm lại trong nửa cuối năm. Nhờ đó, thị phần của cá ngừ Việt Nam tại thị trường Mỹ năm nay cũng tăng so với năm ngoái.

Nhập khẩu 2 nhóm mặt hàng cá ngừ tươi sống, đông lạnh và cá ngừ chế biến, đóng hộp của Mỹ đều tăng so với cùng kỳ. Đáng chú ý, xuất khẩu cá ngừ chế biến và đóng hộp của Việt Nam sang Mỹ đang có tốc độ tăng trưởng tốt 58%. Mỹ hiện đang nhập khẩu rất nhiều các sản phẩm cá ngừ đông lạnh, trong đó phần lớn là các cá ngừ vây vàng đông lạnh của Việt Nam mã HS030487 như loin cá ngừ vây vàng đông lạnh, cá ngừ vây vàng cắt saku hay steak.

3 thị trường lớn chi phối xuất khẩu cá ngừ Việt Nam - Ảnh 2.

EU: là một thị trường đáng buồn khi hầu hết các sản phẩm cá ngừ xuất khẩu của Việt Nam sang đây đều giảm so với cùng kỳ, trái ngược hẳn so với cùng kì 2018. Năm 2019, do giá cá ngừ trên thị trường thế giới thấp, cộng với những vướng mắc về mặt thủ tục để đáp ứng các khuyến nghị của EU về chống khai thác bất hợp pháp, không khai báo và không theo quy định (IUU) đã khiến xuất khẩu cá ngừ của Việt Nam sang thị trường này không thuận lợi. Hiện chỉ có cá ngừ sống tươi và đông lạnh (trừ mã HS0304) vẫn giữ được sự tăng trưởng và các dòng sản phẩm cá ngừ philê đông lạnh mã HS0304 vẫn là sản phẩm xuất khẩu chủ lực sang khối thị trường này.

Hiện Tây Ban Nha và Hà Lan đang giảm nhập khẩu cá ngừ từ Việt Nam, Italy lại có xu hướng tăng nhập khẩu. Nhờ đó, Italy trở thành 1 trong 3 thị trường nhập khẩu nhiều nhất cá ngừ của Việt Nam trong 11 tháng đầu năm nay. Nguyên nhân là do giá cá ngừ trên thị trường thế giới giảm, khiến cho các nước EU tăng cường nhập khẩu cá ngừ nguyên liệu từ các nguồn cung có mức giá tốt và được hưởng ưu đãi thuế quan, giảm nhập khẩu từ các nước bị áp thuế cao như Việt Nam.

ASEAN: Năm nay xuất khẩu cá ngừ sang ASEAN không ổn định, tăng giảm thất thường. Tính tổng 11 tháng đầu năm, xuất khẩu cá ngừ của Việt Nam sang ASEAN vẫn tăng so với cùng kỳ. Nhờ đó, nước này đã vượt qua Israel trở thành nước nhập khẩu cá lớn thứ 3 của Việt Nam.

Trong đó, với tỷ trọng chiếm hơn 58% tổng giá trị nhập khẩu, Thái Lan hiện đang chi phối hoạt động xuất khẩu cá ngừ của Việt Nam sang khối thị trường này. Nếu như năm ngoái, xuất khẩu cá ngừ của Việt Nam sang thị trường này tăng, năm nay lại có xu hướng giảm. Nguyên nhân là do giá cá ngừ càng về cuối năm càng giảm, cộng với lượng tồn kho nhiều đã khiến các doanh nghiệp Thái Lan hạn chế giao dịch chờ thị trường ổn định.

Mai Trang
Cùng chuyên mục