dd/mm/yyyy

10 năm NTM Hưng Yên và câu chuyện ứng dụng công nghệ số 4.0

Triển khai nông thôn mới, tỉnh Hưng Yên ứng dụng công nghệ số 4.0 như hệ thống CheckVN trong truy xuất nguồn gốc, quản lý chất lượng nông sản, an toàn thực phẩm.

64.000 tỷ đồng

Nông thôn mới tỉnh Hưng Yên từ năm 2011 đến tháng 9.2019 huy động được gần 64.000 tỷ đồng. Trong đó, huy động từ cộng đồng dân cư giai đoạn từ 2011 - 2015 chiếm 77,33%; giai đoạn từ 2016 đến tháng 9.2019, nhân dân đóng góp chiếm 58,62%.

Đến tháng 9/2019, toàn tỉnh Hưng Yên có 141/145 xã (đạt tỷ lệ 97,2%) được công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới. Huyện Mỹ Hào (nay là thị xã Mỹ Hào) đã được công nhận huyện đạt chuẩn NTM năm 2017; huyện Văn Giang được công nhận huyện đạt chuẩn NTM và thành phố Hưng Yên được công nhận hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM năm 2018. Huyện Văn Lâm đã hoàn thiện thủ tục hồ sơ trình cấp có thẩm quyền công nhận huyện đạt chuẩn NTM.

Phong trào xây dựng NTM như một luồng sinh khí mới, tạo ra những bước nhảy vọt, vững chắc trên các lĩnh vực kinh tế - xã hội. Kết cấu hạ tầng nông thôn được đầu tư đồng bộ, tiến bộ khoa học - kỹ thuật được áp dụng mạnh mẽ vào sản xuất, cơ cấu kinh tế các xã chuyển dịch theo hướng nâng cao chất lượng, bền vững… đã góp phần cải thiện và nâng cao thu nhập, đời sống vật chất, tinh thần của người dân, tỷ lệ hộ nghèo giảm qua từng năm.

Một góc thành phố Hưng Yên với nhịp hiện đại.

Kết quả đạt chuẩn NTM tăng mạnh, từ năm 2011 đến nay, nhiều mục tiêu quan trọng về xây dựng NTM đã hoàn thành và vượt trước mục tiêu đề ra theo Nghị quyết số 02 - NQ/TU ngày 10/5/2011 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XVII về Chương trình xây dựng NTM tỉnh Hưng Yên giai đoạn 2011 - 2020, định hướng đến năm 2030 và thực hiện Kết luận số 04 - KL/TU ngày 11/10/2016 của Tỉnh ủy Hưng Yên về thực hiện Đề án xây dựng NTM tỉnh Hưng Yên giai đoạn 2016 - 2020, định hướng đến năm 2030.

Kết quả lấy ý kiến sự hài lòng của người dân của các xã đăng ký đạt chuẩn NTM, tỷ lệ hài lòng của người dân đều đạt từ 80% trở lên, có những địa phương đạt trên 95%. Người dân nhận thức rõ hơn về vai trò, trách nhiệm của mình, không còn tâm lý trông chờ, ỷ lại vào sự hỗ trợ Nhà nước. Kinh tế nông nghiệp luôn duy trì sự tăng trưởng ổn định, xuất khẩu nông nghiệp tăng, dịch vụ nông thôn phát triển nhanh, đa dạng. Cơ cấu sản xuất từng ngành được điều chỉnh, chuyển đổi theo hướng phát huy lợi thế của tỉnh gắn với nhu cầu thực tế của thị trường. Hệ thống tổ chức sản xuất, kinh doanh trong nông nghiệp, nông thôn tiếp tục được đổi mới phù hợp với cơ chế thị trường. Đã có nhiều hợp tác xã kiểu mới được hình thành, phát triển, hiệu quả cao. Tổ chức liên kết sản xuất theo chuỗi phát triển đa dạng về hình thức và cấp độ, được nhân rộng ở nhiều địa phương. Đời sống văn hóa, tinh thần của người dân tiếp tục được nâng cao, nhiều giá trị văn hóa được bảo đảm. An ninh trật tự được giữ vững, việc phòng, chống bạo lực gia đình, bảo đảm bình đẳng giới, các hoạt động tương thân tương ái được tuyên truyền và thực hiện rộng rãi. Môi trường nông thôn có nhiều chuyển biến đáng kể, nhất là vấn đề xử lý rác thải khu dân cư và cải tạo cảnh quan môi trường; tạo nên những miền quê đáng sống với cảnh quan môi trường xanh - sạch - đẹp.

Quyết tâm ứng dụng công nghệ số CheckVN

Hệ thống truy xuất nguồn gốc nông lâm sản thực phẩm tỉnh Hưng Yên được xây dựng nhằm nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về nông lâm sản thực phẩm, tăng cường công tác quản lý, kiểm soát chất lượng, truy xuất nguồn gốc nông sản thực phẩm và nâng cao năng lực cạnh tranh cho nông sản thực phẩm Hưng Yên.

Hệ thống được triển khai xây dựng theo Kế hoạch số 81/KH-UBND tỉnh Hưng Yên ngày 21/5/2019 về xây dựng hệ thống thông tin điện tử Hưng Yên "Hy.check.net.vn" truy xuất nguồn gốc thí điểm một số sản phẩm thực phẩm nông lâm sản và thủy sản trên địa bàn tỉnh này.

Bà Phạm Thị Lý (trái) giới thiệu thêm với Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Phóng về CheckVN.

Hệ thống được áp dụng trên nền tảng công nghệ số của sáng chế "Quy trình xác thực chống hàng giả" đã được cấp bằng độc quyền sáng chế số 16036 ngày 30/9/2016 của Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) cho Trung tâm Doanh nghiệp Hội nhập và Phát triển (IDE).

Bà Phạm Thị Lý - Giám đốc Trung tâm Doanh nghiệp Hội nhập và Phát triển (IDE) chia sẻ, từ tháng 12/2017, tỉnh Hưng Yên đã thí điểm ứng dụng công nghệ CheckVN vào quản lý an toàn thực phẩm. Sau 2 năm thí điểm, Hưng Yên đã chính thức có một Hệ thống quản lý chất lượng bằng công nghệ số. Điều này khẳng định tầm nhìn, quyết tâm đổi mới, sự quyết liệt của lãnh đạo tỉnh Hưng Yên khi ứng dụng thành tựu khoa học 4.0 để nâng cao năng lực quản lý, năng lực cạnh tranh trong hội nhập kinh tế.

Ông Lê Quang Thắng là một trong nhiều chủ hợp tác, trang trại áp dụng CheckVN hiệu quả.

Kể từ đây người tiêu dùng toàn cầu đã có thể kết nối với các vùng sản xuất chuyên canh mẫu lớn của Hưng Yên thông qua Hy.check.net.vn.

“Phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn là sự sống còn đối với tỉnh thuần nông như Hưng Yên. Việc lãnh đạo Hưng Yên chủ trương đẩy mạnh việc ứng dụng công nghệ 4.0, công nghệ số như CheckVN vào kiểm soát luồng hình thành và di chuyển sản phẩm, đẩy mạnh chức năng thương mại điện tử không chỉ giúp người tiêu dùng mà còn giúp cho nông dân rất nhiều. Qua đó, giúp nông dân làm chủ công nghệ, liên kết sản xuất theo chuỗi, chủ động kết nối cung cầu, tránh phụ thuộc thương lái - hướng đi rất kịp thời, đúng đắn, hiệu quả” - bà Phạm Thị Lý - Giám đốc Trung tâm Doanh nghiệp Hội nhập và Phát triển (IDE) đánh giá.

Đến những doanh nghiệp như Ba Huân cũng áp dụng thành công. CheckVN thực sự đi vào cuộc sống.

Được biết, ngày 18-19/6/2019 vừa qua, Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng, Trung tâm Mã số Mã vạch Quốc gia chuẩn hóa theo Tiêu chuẩn Việt Nam và tiêu chuẩn MSMV Quốc tế GS1 cho CheckVN.

Ngày 1/7/2019, Bộ KHCN lập Hội đồng tư vấn, đánh giá, giám định và thẩm định công nghệ CheckVN.

Bộ KHCN cũng đã có văn bản số 1089/TĐC-MSMV nhất trí ứng dụng công nghệ CheckVN kiểm tra, truy xuất thông tin nguồn gốc hàng hóa.

Chu Linh - Hoàng Trường