Vua Lê Đại Hành và chuyện không quỳ lạy khi nhận chiếu chỉ phương Bắc

Thứ năm, ngày 31/08/2017 10:30 AM (GMT+7)
Ông là một trong những vị vua kiệt xuất mà dân tộc ta từng sản sinh ra, người đầu tiên phá bỏ lệ quỳ lạy khi tiếp chiếu chỉ từ phương Bắc.
Bình luận 0

Theo Đại Việt sử ký toàn thư, Lê Hoàn (941-1005) có cha là Lê Mịch, mẹ ông họ Đặng. Bố mẹ mất sớm, ông được một viên quan họ Lê nhận về nuôi. Lớn lên, Lê Hoàn trở thành bộ hạ của Nam Việt vương Đinh Liễn.

Đánh tan quân xâm lược

Vốn là người thông minh, phóng khoáng, ông được cha con Đinh Bộ Lĩnh hết sức quý mến. Đinh Bộ Lĩnh dẹp xong loạn 12 sứ quân (968), lập nên nhà Đinh. Lê Hoàn lúc này mới chỉ 27 tuổi, đã được phong làm Thập đạo tướng quân (chỉ huy mười đạo quân), sau đó trở thành người chỉ huy tối cao của quân đội Đại Cồ Việt.

Khi vua Đinh Tiên Hoàng và con là Đinh Liễn bị sát hại (9.979), nhà Tống ráo riết chuẩn bị tiến quân xâm lược nước ta. Vua mới Đinh Toàn còn quá nhỏ, thái hậu Dương Vân Nga cùng các đại thần đã tôn Lê Hoàn làm vua.

Dưới sự lãnh đạo của vua Lê Hoàn, quân và dân Đại Cồ Việt đã đánh tan cuộc chiến tranh xâm lược của nhà Tống vào năm 981, do tướng Hầu Nhân Bảo chỉ huy, bảo vệ vững chắc nền độc lập nước nhà.

Sau chiến thắng chống quân xâm lược Tống, Lê Hoàn lần lượt đánh bại quân Chiêm Thành, cũng như đập tan các cuộc nội phản, hoàn thành thống nhất đất nước.

Bên cạnh việc ổn định về mặt quân sự, Lê Hoàn rất chú trọng phát triển kinh tế, mở mang bờ cõi. Ông trở thành vị vua đầu tiên tiến hành lễ cày “tịch điền” để làm gương cho nhân dân, kích thích phát triển nông nghiệp vào năm 987. Dưới sự trị vì của Lê Hoàn, Đại Cồ Việt ngày càng vững mạnh cả về quân sự, kinh tế, chính trị và ngoại giao.

img

Lê Hoàn là một trong những vị vua kiệt xuất của nhân dân ta.Chiến thắng trên mặt trận ngoại giao

Không chỉ là một tài năng kiệt xuất về quân sự, vị vua có tầm nhìn sâu rộng trong phát triển kinh tế, ổn định đất nước, Lê Hoàn còn mở đầu và xác lập những nguyên tắc cơ bản của nền ngoại giao nước nhà.

Đó là chính sách ngoại giao vừa mềm dẻo, khôn khéo nhưng cũng không kém phần cứng rắn. Chính sách ngoại giao khôn khéo đó đã buộc Nhà Tống - triều đại phong kiến hùng mạnh nhất châu Á đương thời - vốn mang nặng tư tưởng bành trướng cũng phải từng bước thừa nhận sức mạnh của quốc gia độc lập Đại Cồ Việt.

Theo Đại Việt sử ký toàn thư, mỗi lần tiếp sứ thần nhà Tống, Lê Hoàn với những chính sách khác nhau, luôn khiến họ phải nể phục.

Năm 987, đón tiếp sứ thần nhà Tống, Lê Hoàn sử dụng các nhà trí thức Phật giáo để đối đáp với Lý Giác - viên sứ thần hay chữ của nhà Tống - khiến sứ thần phải kinh ngạc trước trí tuệ của Đại Cồ Việt. Thậm chí, sau chuyến đi sứ này, Lý Giác còn làm thơ ca ngợi vua Lê không khác gì vua Tống.

Năm Canh Dần (990), vua Tống Thái Tông sai Tống Cảo mang chế sách sang phong thêm cho Lê Hoàn hai chữ “Đặc tiến”. Vốn biết sứ thần nhà Tống hống hách, ngạo mạn, Lê Hoàn thay đổi cách đón tiếp. Ông cũng muốn nhân lúc này tỏ rõ sức mạnh quân sự của Đại Cồ Việt.

Vua cho người sang tận biên giới để đưa rước sứ thần. Mặt khác, ông cũng không quên thị uy sức mạnh quốc gia cho sứ thần nhà Tống thấy.

Đoàn sứ nhà Tống tới kinh đô Hoa Lư đã trông thấy cảnh tưng bừng khác lạ, dưới sông, chiến thuyền tinh kỳ san sát. Bên các sườn núi, quân lính võ phục chỉnh tề, gươm giáo sáng lòa. Trên các cánh đồng, hàng nghìn trâu, bò rong ruổi đen đặc, bụi bay mù mịt. Sứ Tống không thể không thấy sự hùng cường, giàu mạnh của nước Việt.

Theo nghi lễ, khi nhận chiếu thư của thiên triều, vua các nước chư hầu phải  quỳ lạy, nhưng Lê Hoàn tìm lý do từ chối. Đây là lần đầu tiên, vua nước ta nhận chiếu thư từ nhà Tống mà không phải quỳ, lạy. Hành động cho thấy chính sách cứng rắn của Lê Hoàn.

Theo những tư liệu được lưu truyền, trong 30 năm tồn tại, nhà tiền Lê đã sang Bắc Tống 7 lần và 11 lần tiếp đón sứ nhà Bắc Tống. Trong đó, 2 lần đón sứ giả và một lần sang sứ trong năm 980.

Từ năm 983 tới 1009, nhà tiền Lê chỉ sai sứ sang Biện Kinh 6 lần. Ngược lại, các vua Tống 9 lần phái sứ giả sang Đại Cồ Việt để giữ quan hệ hòa hiếu phía Nam.

Trong những lần đón tiếp sứ thần này, bằng các biện pháp khác nhau, Lê Hoàn luôn chứng minh cho sứ thần thấy sức mạnh của Đại Cồ Việt, cũng như ý chí độc lập, tự cường, tự chủ, quyết bảo vệ non sông gấm vóc của nhà Tiền Lê. Đó là đường lối ngoại giao đầy chất trí tuệ và uyên bác.

Nhận xét về Lê Hoàn, sử gia Ngô Sĩ Liên viết: “Vua đánh đâu được đấy, chém vua Chiêm Thành để rửa cái nhục phiên di bắt giữ sứ thần, đánh lui quân Triệu Tống để bẻ cái mưu tất thắng của vua tôi bọn họ, có thể gọi là bậc anh hùng nhất đời vậy”.

Nguyễn Thanh Điệp (Zing)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem