Vụ vỡ nợ DNNN Trung Quốc lớn nhất 20 năm: Khi Bắc Kinh bỏ mặc những "con cưng"

19/12/2019 14:20 GMT+7
Các nhà phân tích đang nâng cao cảnh báo về nguy cơ vỡ nợ trái phiếu của các doanh nghiệp nhà nước Trung Quốc.
Vụ vỡ nợ doanh nghiệp nhà nước Trung Quốc lớn nhất 20 năm: khi Bắc Kinh bỏ mặc những "con cưng" - Ảnh 1.

Doanh nghiệp nhà nước Trung Quốc cũng vỡ nợ: cái "quay lưng" của Bắc Kinh?

Nếu như trước đó, nguy cơ vỡ nợ trái phiếu doanh nghiệp tư nhân Trung Quốc khiến thị trường dậy sóng thì trong vài tuần gần đây, tâm điểm chú ý dồn vào sự phá sản của các doanh nghiệp nhà nước. Vụ vỡ nợ trái phiếu khổng lồ của một doanh nghiệp nhà nước lớn hồi tuần trước đã khiến các chuyên gia đặt ra câu hỏi phải chăng đây là dấu hiệu cho thấy những gói cứu trợ từ Bắc Kinh đang dần bị thu hẹp.

“Chúng tôi tin rằng các gói cứu trợ của chính phủ sẽ ngày càng bị cắt giảm, dẫn tới nguy cơ vỡ nợ trái phiếu của các doanh nghiệp nhà nước Trung Quốc” - một chuyên gia từ S & P Global nhận định.

Các bình luận được đưa ra sau khi Tewoo Group - tập đoàn thuộc sở hữu của chính phủ Trung Quốc xác nhận tình trạng vỡ nợ trái phiếu USD hồi tuần trước và trở thành vụ vỡ nợ trái phiếu doanh nghiệp nhà nước lớn nhất trong 20 năm trở lại đây, kể từ năm 1998. Tewoo Group; trụ sở tại Thiên Tân, Trung Quốc từng được Fortune xếp hạng 132 trong số 500 doanh nghiệp lớn nhất thế giới. Doanh nghiệp này hoạt động đa lĩnh vực bao gồm khai khoáng, xây dựng cơ sở hạ tầng, cảng biển...

Hồi cuối tháng 11/2019, Tewoo từng thừa nhận không thể trả lãi số trái phiếu lên tới 500 triệu USD, buộc ngân hàng bảo lãnh tín dụng là Ngân hàng Công nghiệp và Thương mại Trung Quốc phải chuyển 7,87 triệu USD tiền lợi suất cho các trái chủ. Nhưng khoản 1,6 tỷ USD trái phiếu tiếp theo của Tewoo thì không nằm trong diện bảo lãnh tín dụng như vậy.

Sau tuyên bố vỡ nợ, các trái chủ của Tewoo Group có hai sự lựa chọn: nhận khoản hoàn trả với mức lỗ 63% hoặc đổi lấy một trái phiếu mới do một doanh nghiệp nhà nước khác cũng có trụ sở tại Thiên Tân phát hành, nhưng phải chịu tỷ lệ chiết khấu lớn hơn nhiều. Cho đến nay, 57% các nhà đầu tư đã lựa chọn nhận hoàn trả còn 22,6% nhà đầu tư chọn cách thứ 2.

Nhiều chuyên gia phân tích còn dự đoán chính phủ Trung Quốc có vẻ như đang cắt giảm dần các khoản cứu trợ cho doanh nghiệp nhà nước, thay vào đó là để mặc doanh nghiệp tự xoay xở theo cơ chế thị trường.

Đánh giá về các vụ vỡ nợ doanh nghiệp Trung Quốc gần đây, ông Nathan Sheets, nhà kinh tế học từ PGIM Fixed Income trả lời CNBC rằng điều quan trọng nhất là các nhà lập pháp Trung Quốc hiện tại cảm thấy sẵn sàng để các doanh nghiệp vỡ nợ trong nỗ lực siết chặt hệ thống tài chính tiền tệ.

Nợ doanh nghiệp Trung Quốc gần đây đã trở thành vấn đề nóng khi nhà kinh tế học Moody - ông Mark Zandi cảnh báo điều này có thể trở thành rủi ro hàng đầu đe dọa nền kinh tế toàn cầu. Fitch Ratings cũng đồng quan điểm với Mark Zandi khi chỉ ra mức tăng kỷ lục 4,9% số lượng các vụ vỡ nợ trái phiếu được phát hành bởi công ty tư nhân Trung Quốc trong 11 tháng đầu năm 2019. Tuy nhiên, việc doanh nghiệp nhà nước vỡ nợ có ý nghĩa tiêu cực hơn nhiều với tâm lý thị trường. Nó khiến các nhà đầu tư nhận ra rằng không phải lúc nào nhà nước cũng can thiệp và hỗ trợ doanh nghiệp nhà nước nữa, và rằng đầu tư vào trái phiếu doanh nghiệp nhà nước giờ đây không còn là nơi trú ẩn an toàn. 

Theo thống kê của Reuters, trong năm 2019, chỉ có 6 doanh nghiệp thuộc sở hữu chính phủ vỡ nợ, trong khi số lượng này ở các doanh nghiệp sở hữu tư nhân lên tới con số 42.

Thùy Dung
Cùng chuyên mục