dd/mm/yyyy

Vụ Công ty Duy Bách lừa đảo đi nước ngoài: Có dấu hiệu của tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản?

Theo luật sư, hành vi thu tiền lao động đi nước ngoài khi không có giấy phép xuất khẩu lao động của Công ty sản xuất dịch vụ và Thương mại Duy Bách có dấu hiệu của tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Liên quan đến vụ việc, bà Nguyễn Thị Hương Dịu – Giám đốc Công ty sản xuất dịch vụ và Thương mại Duy Bách (có địa chỉ ở thôn Ngọc Chi, xã Vĩnh Ngọc, huyện Đông Anh, TP Hà Nội) thu 5.500 USD của lao động Đỗ Văn Đảm (xã Đông Lĩnh, huyện Đông Hưng, Thái Bình) để đưa lao động này đi xuất khẩu lao động tại Đài Loan (Trung Quốc) khi Công ty không có giấy phép đưa người lao động đi làm việc tại nước ngoài, Thạc sỹ- luật sư Đặng Văn Cường- Trưởng văn phòng luật sư Chính Pháp cho biết, hành vi của bà Dịu có dấu hiệu của tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Vụ Công ty Duy Bách lừa đảo đi nước ngoài: Có dấu hiệu của tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản - Ảnh 1.

Bà Nguyễn Thị Dịu- Giám đốc Công ty Duy Bách đến trụ sở Báo Dân Việt/TrangTraiVietOnline để trao đổi sự việc. Ảnh: Thành Nam.

Theo luật sư Cường, theo quy định tại Điều 8 Luật người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng năm 2006 và Điều 2, Điều 3 Nghị định 126/2007/NĐ-CP ngày 01/8/2007 của Chính phủ thì Hoạt động dịch vụ đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài là ngành, nghề kinh doanh có điều kiện. Doanh nghiệp hoạt động dịch vụ đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài phải có vốn pháp định là 5 tỷ đồng và được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp Giấy phép hoạt động dịch vụ đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài.

Doanh nghiệp được xem xét cấp Giấy phép hoạt động dịch vụ đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài là doanh nghiệp được thành lập và hoạt động theo Luật Doanh nghiệp có 100% vốn điều lệ của các tổ chức, cá nhân Việt Nam.

Doanh nghiệp được cấp Giấy phép phải trực tiếp tổ chức hoạt động dịch vụ đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài.

Vụ Công ty Duy Bách lừa đảo đi nước ngoài: Có dấu hiệu của tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản - Ảnh 2.

Không có chức năng, nhưng Công ty Duy Bách vẫn thu tiền, tổ chức người đi xuất khẩu lao động

"Như vậy, chỉ các doanh nghiệp hoạt động dịch vụ đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài, có hợp đồng cung ứng lao động cho đối tác nước ngoài đã được Bộ LĐ-TB&XH chấp thuận thì mới được phép tuyển chọn lao động đi làm việc ở nước ngoài, và các doanh nghiệp này phải trực tiếp tuyển chọn lao động, không được ủy quyền hoặc hợp tác với các doanh nghiệp không có chức năng đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài để tuyển chọn lao động.

Khi doanh nghiệp không được Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội cấp giấy phép hoạt động dịch vụ đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài, nhưng công ty vẫn thông báo tuyển dụng lao động đi làm việc ở ngước ngoài, tư vấn, thu tiền của người lao động để làm hồ sơ đi làm việc ở nước ngoài là trái với quy định của pháp luật", luật sư Cường nhấn mạnh.

Cũng theo luật sư Cường, pháp luật nghiêm cấm hành vi Lợi dụng hoạt động đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài để tổ chức tuyển chọn, đào tạo, thu tiền của người lao động (Khoản 6 Điều 7 Luật người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng năm 2006).

Vụ Công ty Duy Bách lừa đảo đi nước ngoài: Có dấu hiệu của tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản - Ảnh 3.

Theo ông Đảm, số tiền 5.500 USD đóng cho bà Dịu để đi xuất khẩu lao động là đi vay mượn mà có.

Người nào có hành vi vi phạm quy định về việc đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý kỷ luật, xử phạt vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự; trường hợp gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật.

Theo điểm a khoản 3 Điều 34 Nghị định số 95/2013/NĐ-CP ngày 22/8/2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực lao động, bảo hiểm xã hội và đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng thì hành vi Lợi dụng hoạt động đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài để tổ chức tư vấn, tuyển chọn, đào tạo, thu tiền của người lao động có thể bị Phạt tiền từ 150.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng.

Ngoài ra theo điểm b khoản 1 Điều 4 Nghị định này thì hành vi hoạt động dịch vụ việc làm mà không có giấy phép hoạt động dịch vụ việc làm do cơ quan có thẩm quyền cấp thì có thể bị phạt tiền từ 45.000.000 đồng đến 60.000.000 đồng.

Trong trường hợp nếu người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp tự giới thiệu và thông báo doanh nghiệp này có chức năng tuyển dụng đưa người đi xuất khẩu lao động sang nước ngoài dù doanh nghiệp này chưa được cấp phép hoạt động theo quy định trên lĩnh vực này; khi tư vấn cho những người có nhu cầu đi làm việc ở nước ngoài đã tự đưa ra các thông tin gian dối, không có thật về giấy phép, điều kiện hoạt động; tự cam kết về mức lương, thời gian xuất cảnh, nội dung công việc và hứa hẹn về khả năng đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài để người lao động nộp hồ sơ và tiền cho mình, sau đó không đưa được người lao động đi làm việc như thỏa thuận, cũng không trả lại tiền mà chiếm đoạt số tiền đó và trốn tránh thì hành vi này có dấu hiệu của tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Tội danh và hình phạt được quy định tại Điều 174 BLHS 2015 sửa đổi bổ sung 2017.

"Hiện nay, các thủ đoạn "bẫy" người lao động đi làm việc ở nước ngoài để chiếm đoạt tiền diễn ra khá phổ biến do đó người lao động cần tìm hiểu kỹ và cảnh giác trước những lời quảng cáo, hứa hẹn về việc đi làm việc ở nước ngoài. Khi đóng tiền tham gia đi làm việc ở nước ngoài, cần có hợp đồng rõ ràng và tìm hiểu các khoản phí doanh nghiệp yêu cầu người lao động phải đóng và yêu cầu công ty phải có phiếu thu hợp lệ do công ty cung cấp, ghi rõ các khoản thu.

Trường hợp người lao động dính "bẫy", phát hiện doanh nghiệp không có chức năng đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài nhưng lại thu tiền hứa hẹn đưa đi làm việc, nhưng không thực hiện đưa đi nước ngoài làm việc thì người lao động cần liên hệ với doanh nghiệp để làm rõ về khoản tiền đã thu.

Nếu doanh nghiệp đó không hợp tác, không trả tiền và lấy nhiều lý do để từ chối, trốn tránh thì người lao động có thể trình báo sự việc lên cơ quan công an để được giải quyết. Khi trình báo cần cung cấp tất cả các giấy tờ, thông tin về doanh nghiệp đó cũng như giấy tờ về phiếu thu tiền mà người lao động hiện nắm giữ để cơ quan công an có căn cứ điều tra, làm rõ", luật sư Cường nói.

Trước đó, như Báo điện tử Dân Việt/TrangTraiVietOnline đã thông tin, mới đây ông Đỗ Văn Đảm (xã Đông Lĩnh, huyện Đông Hưng, Thái Bình) đã làm đơn tố cáo hành vi lừa đảo chiếm đoạt tiền đi xuất khẩu lao động của bà Nguyễn Thị Hương Dịu – Giám đốc Công ty Sản xuất dịch vụ và Thương mại Duy Bách (gọi tắt là Công ty Duy Bách).

Theo đơn thư phản ánh, bà Dịu đã lừa đảo chiếm đoạt của ông Đảm 5.500 USD (tương đương trên 126 triệu đồng).

Cụ thể, do có nhu cầu đi xuất khẩu lao động, năm 2019, ông đã được bà Nguyễn Thị Hương Dịu tư vấn cho ông đi đơn hàng làm kính ô tô ở Đài Bắc (Đài Loan, TQ).

Theo tư vấn của bà Dịu, để đi được đơn hàng ông Đảm sẽ phải đóng mức phí 5.500 USD cho Công ty.

Sau khi hoàn tất nghĩa vụ tài chính, Công ty Duy Bách đã không đưa ông Đảm đi nước ngoài làm việc được. Đồng thời, nhiều lần trì hoãn lịch bay.

Suốt ruột, ông Đảm đã nhiều lần liên hệ yêu cầu bà Dịu trả lại tiền. Tuy nhiên, bà này khất lần không trả.

Chúng tôi sẽ tiếp tục thông tin về vụ việc.

Thành Nam