dd/mm/yyyy

Vốn quỹ giúp nông dân thành Nam vượt khó

Qua 11 năm triển khai hoạt động, đến nay trên địa bàn tỉnh Nam Định có 9/10 huyện đã có Quỹ Hỗ trợ nông dân (HTND) (đạt 90%); có 179/212 cơ sở Hội có Ban vận động Quỹ HTND (đạt 80,6%). Từ nguồn vốn này, nhiều hội viên nông dân đã đầu tư phát triển sản xuất vươn lên thoát nghèo.

Động lực cho nông dân làm giàu

Nhằm hỗ trợ hội viên có thêm vốn đầu tư phát triển sản xuất nông nghiệp, từ năm 2007, Hội ND các cấp tỉnh Nam Định đã triển khai xây dựng Quỹ HTND và tổ chức hoạt động dịch vụ hỗ trợ vốn cho nông dân. Theo đó, phương thức cho vay được đổi mới từ cho vay theo chi, tổ Hội chuyển sang cho vay theo dự án. Quy mô đầu tư vốn cho một dự án được nâng từ 300 triệu lên 1 tỷ đồng. Nhiều mô hình vay, sử dụng vốn hiệu quả cao như: Tổ hợp tác nuôi cá lóc bông tại Nghĩa Lợi, tổ hợp tác nuôi cá bống bớp tại Thị trấn Rạng Đông (Nghĩa Hưng); tổ hợp tác nuôi cá diêu hồng tại Hải Châu (Hải Hậu); tổ hợp tác nuôi cá trắm đen tại Mỹ Hà (Mỹ Lộc); phát triển nghề mộc tại Xuân Phương (Xuân Trường), Thị trấn Cổ Lễ (Trực Ninh), Yên Ninh (Ý Yên)…

Nhờ vay vốn Quỹ HTND để đầu tư nuôi cá bống bớp, anh Trần Văn Hưởng thu lãi 250 triệu đồng.
Nhờ vay vốn Quỹ HTND để đầu tư nuôi cá bống bớp, anh Trần Văn Hưởng thu lãi 250 triệu đồng.

Anh Trần Văn Hưởng ở thị trấn Rạng Đông, huyện Nghĩa Hưng là 1 trong những hộ điển hình sử dụng hiệu quả vốn vay Quỹ HTND tỉnh Nam Định. Hiện, anh Hưởng đang nuôi 3 ao cá bống bớp với tổng diện tích hơn 6.000 m2. Mỗi năm gia đình anh Hưởng xuất bán hơn 2 tấn cá bống bớp, trừ hết chi phí đầu tư vẫn còn thu lãi được 250 triệu đồng. Tuy nuôi cá bống bớp có thu nhập cao, nhưng anh Hưởng phải bỏ vốn đầu tư khá lớn. “Thức ăn của cá bống bớp là cá tạp xay nhỏ, không sử dụng cám công nghiệp. Bình quân mỗi ngày tôi phải bỏ ra khoảng 1 triệu đồng để mua 1,5 tạ cá tạp làm thức ăn cho cá bống bớp. May mắn, được Quỹ HTND cho vay 30 triệu đồng nên gia đình tôi mới dám theo con đặc sản này”, anh Hưởng thổ lộ.

Cũng được hưởng lợi từ vốn vay Quỹ HTND, chủ cơ sở nước mắm truyền thống - ông Trần Minh Sơ, ở xóm Mỹ Bình, xã Giao Châu, huyện Giao Thủy cho biết: “Gia đình tôi chuyên sản xuất nước mắm tôm và nước mắm cá theo phương pháp truyền thống của cha ông để lại. Có thời điểm, do ảnh hưởng của thị trường, những hộ sản xuất nước mắm truyền thống như gia đình tôi gặp nhiều khó khăn, có lúc tưởng chừng phải bỏ nghề. Được vay vốn Quỹ HTND 50 triệu đồng đã giúp gia đình tôi có thêm động lực để mở rộng sản xuất, kinh doanh”.

Hiện mỗi năm gia đình ông Sơ tiêu thụ ra thị trường khoảng 30.000 lít nước mắm nguyên chất.

Tăng trưởng nguồn vốn 10%/năm

Ông Nguyễn Hùng Mạnh – Chủ tịch Hội ND tỉnh Nam Định cho biết: Nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động của Quỹ HTND các cấp, tháng 3.2019, Hội ND tỉnh đã xây dựng Đề án “Đẩy mạnh và nâng cao hiệu quả hoạt động Quỹ HTND các cấp tỉnh Nam Định, giai đoạn 2019-2023” nhằm tạo sự chuyển biến mạnh mẽ các cấp Hội trong toàn tỉnh đối với công tác xây dựng, quản lý, điều hành Quỹ HTND.

“Đề án đề ra mục tiêu 100% Hội ND các cấp trong tỉnh kiện toàn, củng cố, thành lập Ban vận động Quỹ. Huy động tăng trưởng nguồn vốn 10% mỗi năm so với nguồn vốn hiện có; phấn đấu đến năm 2020, nguồn Quỹ cấp tỉnh đạt 3 tỷ đồng; nguồn Quỹ cấp huyện đạt bình quân 300 triệu đồng/huyện; 100% cấp cơ sở vận động được vốn đạt từ 30 triệu đồng/cơ sở. Đến năm 2023 nguồn Quỹ cấp tỉnh đạt 4 tỷ đồng; nguồn quỹ cấp huyện đạt 400 triệu đồng/huyện, cấp cơ sở vận động đạt 35 triệu đồng/cơ sở. 100% cơ sở Hội thành lập các mô hình kinh tế tập thể, tổ hợp tác gắn với sản xuất sản phẩm nông nghiệp an toàn” – ông Mạnh thông tin.

Bài, ảnh: Thu Hà