Vingroup của tỷ phú Phạm Nhật Vượng đã huy động vốn từ các tổ chức quốc tế như thế nào?

07/10/2019 09:42 GMT+7
Bản tin nhà đầu tư của Tập đoàn Vingroup cho biết, từ năm 2013 đến nay đã thực hiện 17 giao dịch huy động vốn từ các tổ chức nước ngoài với tổng số tiền huy động được là 7,6 tỷ USD.

Con số trên bao gồm cả vốn vay và vốn cổ phần cho Vingroup và các đơn vị thành viên.

Từ năm 2012 trở về trước, Vingroup cũng có một thương vụ lớn là phát hành 300 triệu USD trái phiếu chuyển đổi quốc tế vào tháng 4 và tháng 7/2012.

Thương vụ huy động vốn cổ phần đầu tiên của 1 đơn vị thành viên Vingroup diễn ra vào tháng 5/2013 khi nhóm nhà đầu tư do Warburg Pincus dẫn đầu rót 200 triệu USD vào Vincom Retail. Đến tháng 6/2015, Warburg Pincus tiếp tục rót thêm 100 triệu USD nữa.

Vingroup của tỷ phú Phạm Nhật Vượng đã huy động vốn từ các tổ chức quốc tế như thế nào? - Ảnh 1.

Phần lớn số cổ phiếu này đã được bán ra trong đợt IPO trị giá 743 triệu USD của Vincom Retail diễn ra vào tháng 11/2017. Đầu tư 300 triệu USD để đổi lấy 20% cổ phần, Warburg Pincus đã lãi hơn gấp đôi khi Vincom Retail được định giá hơn 3 tỷ USD vào thời điểm đó.

Từ cuối năm 2013 đến giữa năm 2016, Vingroup còn có 3 đợt vay hợp vốn quốc tế/phát hành trái phiếu quốc tế với tổng giá trị đạt 650 triệu USD.

Quá trình huy động vốn quốc tế của Vingroup diễn ra mạnh mẽ từ năm 2018 đến nay, trong đó riêng số tiền huy động được trong năm 2018 lên đến 4,4 tỷ USD, chủ yếu đến từ VinHomes và VinFast.

Tháng 5/2018, Quỹ đầu tư GIC của Chính phủ Singapore rót 853 triệu USD để trở thành cổ đông chiến lược của VinHomes. Sau đó VinHomes tiếp tục chào bán thành công lượng cổ phiếu trị giá 1,35 tỷ USD trong đợt IPO.

Bên cạnh đó, VinFast huy động thành công 2 khoản vay quốc tế trị giá lần lượt là 400 triệu USD và 950 triệu USD.

Gói tài chính trị giá 950 triệu USD do Credit Suisse và HSBC thu xếp có lãi suất thấp, trong thời hạn lên tới 12 năm, nhằm hỗ trợ VinFast nhập khẩu máy móc, thiết bị từ các nhà cung cấp thiết bị và dịch vụ chính của CHLB Đức để phục vụ cho quá trình đầu tư xây dựng nhà máy ô tô VinFast.

Hai thương vụ lớn còn lại trong năm 2018 gồm có Hanwha rót 400 triệu USD mua cổ phiếu ưu đãi của Vingroup và Vinpearl phát hành 450 triệu USD trái phiếu có thể hoán đổi thành cổ phiếu phổ thông của Vingroup.

Trong 9 tháng đầu năm 2019, tổng số tiền huy động được đã đạt gần 2 tỷ USD, bao gồm 1 tỷ USD mua cổ phiếu Vingroup của SK Group, 500 triệu USD mua cổ phiếu VCM (công ty mẹ của Vincommerce) của GIC và khoản vay quốc tế 360 triệu USD của Vinmec.

An Vũ (t/h)
Cùng chuyên mục