dd/mm/yyyy

Về đâu làng thuốc Đại Yên?

Từng là làng thuốc Nam nức tiếng trong “Thập Tam Trại” (tên gọi chung của 13 làng nghề truyền thống ở phía Tây kinh thành Thăng Long xưa), thế nhưng nhịp sống đô thị đã và đang khiến nghề trồng cây thuốc Nam ở làng Đại Yên (nay thuộc phường Ngọc Hà, quận Ba Đình), đứng trước nguy cơ mai một.

Vườn thuốc Nam cuối cùng

Nằm yên bình trong một con ngõ nhỏ thuộc phường Ngọc Hà, làng Đại Yên từ ngàn năm nay được biết đến như là vựa thuốc Nam trù phú cung cấp dược liệu cho không chỉ Hà Nội, mà toàn vùng Đồng bằng Bắc bộ.

Nếu như nhiều năm trở về trước, đặt chân tới làng thuốc Nam Đại Yên, người ta có thể dễ dàng bắt gặp cảnh sắc thanh bình. Dạo quanh những con đường nhỏ, sẽ thấy thoang thoảng mùi thuốc Nam thơm, cay, vương vấn khắp làng, thì nay, ký ức đó đã không còn. Làng Đại Yên đến nay chỉ còn duy nhất một khu vườn thuốc Nam - “gia sản” của ông Hoàng Văn Thược, năm nay đã bước qua tuổi 86.

Ông Hoàng Văn Thược bên cây hàn the. Ảnh: Trọng Tùng
Ông Hoàng Văn Thược bên cây hàn the. Ảnh: Trọng Tùng

Sử làng Đại Yên có ghi, vào thời nhà Lý (thế kỉ XI), có một cô gái tên là Trần Ngọc Tường mới 9 tuổi, đã rất giỏi chữa bệnh bằng các loại lá cây thuốc Nam. Ông Hoàng Phú Cường - Thủ từ Đình Đại Yên cho biết, cứ đúng dịp 13 - 15 tháng Giêng âm lịch, làng Đại Yên lại tổ chức hội làng linh đình, tưởng nhớ công lao vĩ đại của thành hoàng làng Ngọc Hoa công chúa, thay cho lời nhắc nhớ thế hệ sau tiếp tục gìn giữ cái nghề truyền thống tôn quý mà cha ông để lại.

Tuổi cao khiến việc đi lại của ông Thược giờ đã rất khó khăn, nhưng những câu chuyện về ngôi làng thuốc Nam và cái nghiệp mà cả đời ông đeo đuổi, thì vẫn được ghi nhớ như in. Ngôi nhà cấp bốn là nơi ông và những người thân trong gia đình đã sống qua nhiều thế hệ. Trong khi các hộ gia đình xung quanh đều bán đất, xây nhà lầu, mua xe hơi, ông Thược vẫn giữ ngôi nhà cũ, đặc biệt là khu vườn rộng gần 1.000m2 với rất nhiều loại cây thuốc quý như: Đinh lăng, cối xay, khổ sâm, đơn tướng quân…

Ông Thược kể, ông sinh hạ được tất thảy 10 người con, dù cuộc sống không lấy gì làm khấm khá, nhưng vẫn quyết định giữ đất để trồng cây thuốc Nam vì không muốn bỏ cái nghiệp mà ông cha để lại. May mắn hơn khi tất thảy những người con đều ủng hộ quyết định của cha…

Theo lời kể của ông Thược, nghề thuốc Nam ở làng Đại Yên đã có từ khoảng 1.000 năm nay. Cho đến thế hệ của ông, nghề thuốc Nam vẫn rất thịnh ở làng. “Ngày còn bé, tôi thường theo cha mẹ mang lá thuốc đi bán khắp các chợ. Đến trưa lại đổi gạo, mắm, muối mang về. Người dân làng Đại Yên không chỉ sống khỏe nhờ nghề bốc thuốc Nam, mà nhờ biệt tài trị bệnh từ cây dược liệu, còn được cư dân khắp nơi coi trọng, tìm đến…” - ông Thược trầm ngâm.

Nhưng thời gian thay đổi, con người cũng đổi thay. Giờ đây, ngôi làng đã không còn như trước nữa. Đô thị hóa đã khiến Đại Yên như khoác lên mình một tấm áo mới, hiện đại và phồn hoa hơn, nhưng cũng không khỏi khiến những người thuộc thế hệ của ông Thược day dứt tiếc nuối cho một làng nghề vang danh một thời.

Lay lắt giữ nghề

Không chỉ giảm về quy mô diện tích khi đến nay chỉ còn duy nhất một khu vườn thuốc Nam của gia đình ông Thược, mà giờ đây, dân làng thuốc Đại Yên cũng không còn trông vào nghề thuốc Nam như là cái nghiệp ổn định về lâu dài. Ở làng bây giờ, số lượng người còn gắn bó với nghề chỉ đếm trên đầu ngón tay.

Bà Hoàng Thị Nhung năm nay đã 83 tuổi kể lại: Vào giai đoạn cực thịnh của nghề (những năm 1960 - 2010), ở làng Đại Yên, dù là gái hay trai, từ nhỏ đã được làm quen, rồi lớn lên chừng 15 tuổi là có thể tự tay cắt lá, bốc thuốc. Lá thuốc không chỉ được bán tại cổng làng, mà còn được người dân gồng gánh đi bán tại nhiều khu chợ ở đất kinh kỳ xưa như: Ngọc Hà, Nghĩa Tân, Hữu Tiệp, Hàng Da, Đồng Xuân…

“Nghề hái thuốc thoáng nghe có vẻ tao nhã an nhàn, nhưng thực tế lại rất vất vả, tỉ mẩn, dày công. Chưa nói tới những cây thuốc quý khó trồng, việc sáng sớm phải lên rừng, xuống núi thu thập cây thuốc, chiều tối lại gánh hàng thuốc đi chợ bán, bận rộn quanh năm suốt tháng.

Vậy nhưng những đồng tiền kiếm được lại chẳng đáng là bao. Thêm vào đó là sự phát triển phổ biến của các loại thuốc Tây đa dạng, tiện lợi đã làm cho cái nghề trồng thuốc Nam truyền thống của làng dần dà mất đi vị thế…” - bà Nhung đưa ra cái lý cho sự mai một của làng nghề.

Nếu như nhiều năm về trước, cổng làng Đại Yên vẫn là nơi tụ họp, buôn bán lá thuốc Nam khá sầm uất, thì nay, hình ảnh đó không còn nữa. Dù vào một số buổi chiều trong tuần, hoạt động buôn bán lá thuốc tại cổng làng Đại Yên vẫn diễn ra, nhưng chỉ còn lác đác vài ba người, bóng người mua cũng ngày một thưa dần.

Từ khi lên 10 tuổi đã theo chân bố mẹ đi bán lá thuốc ở chợ Hôm, bà Nguyễn Hồng Phú, năm nay đã ngoài 81 tuổi, vẫn còn nặng lòng với nghề thuốc Nam ở Đại Yên. Dù tuổi đã cao, chân đã mỏi, nhưng thi thoảng bà vẫn mang lá thuốc ra chợ Hữu Tiệp ngồi bán. Không hẳn là để kiếm tiền mưu sinh, bởi như bà chia sẻ: Tiền lương hưu đã đủ để bà trang trải cuộc sống hiện tại. Nhưng điều bà mong muốn nhất là đến chợ để được gặp lại các cụ bà từng một thuở gánh gồng lá thuốc Nam đi bán tại khắp kinh thành Thăng Long xưa, hàn huyên đôi ba câu chuyện cũ. Đó là thú vui tao nhã mà bất cứ ai chưa từng được kinh qua những tháng năm gắn bó với cây thuốc Nam ở làng Đại Yên khó có thể cảm nhận được…

Bà Phú bảo, hiện có một cô cháu đang theo học nghề đông y. Trong khi cụ Thược cũng cố gắng để truyền dạy tất cả những “bí kíp” của nghề thuốc Nam cho người con dâu. Hơn ai hết, họ đang nỗ lực, âm thầm giữ ngọn lửa nghề truyền thống của làng. Dẫu vậy, không ai có thể lạc quan khi nghĩ về tương lai của nghề thuốc Nam ở làng Đại Yên trước cơn lốc đô thị hóa. Một ngày không xa, khi những cây thuốc Nam không còn bén rễ nơi phồn hoa đô hội, làng Đại Yên nức danh một thời cũng sẽ đi vào dĩ vãng cùng những ký ức về “Thập Tam Trại”.

Trọng Tùng