Trung Quốc thắt chặt tiểu ngạch, hải sản ùn ứ: Nhiều nơi ngó lơ điều kiện xuất khẩu

04/07/2019 13:14 GMT+7
Việc nhiều loại hải sản bị ùn ứ do không xuất khẩu (XK) được sang Trung Quốc tại nhiều tỉnh phía Nam thời gian qua là hệ quả của việc xem nhẹ, thậm chí phớt lờ những quy định về thương mại chính ngạch.

Theo Cục Quản lí chất lượng Nông Lâm sản và Thủy sản (Nafiqad, Bộ NN-PTNT), mặc dù những quy định về điều kiện xuất khẩu thủy sản sang Trung Quốc đã được phổ biến, hướng dẫn từ năm 2008 - 2010, nhưng có tình trạng không ít địa phương lẫn các doanh nghiệp, cơ sở chế biến thủy sản xuất khẩu đã không mấy quan tâm.

Phóng viên đã có cuộc trao đổi với ông Ngô Hồng Phong, Phó Cục trưởng Nafiqad về vấn đề này.

Ông Ngô Hồng Phong, Phó Cục trưởng Nafiqad.

Thời gian gần đây, nhiều địa phương đã xảy ra tình trạng hải sản bị ùn ứ nghiêm trọng do không xuất khẩu được sang thị trường Trung Quốc. Vậy điều kiện để thủy sản Việt Nam xuất khẩu sang Trung Quốc gồm những gì, thưa ông?

Về điều kiện thủy sản xuất khẩu, giữa Việt Nam và Trung Quốc đã có có thỏa thuận hợp tác về ATTP thủy sản xuất nhập khẩu giữa hai bên. Thỏa thuận này trước đây do Bộ Thủy sản và nay là do Bộ NN-PTNT ký với Tổng cục Giám sát chất lượng, Kiểm nghiệm và Kiểm dịch Trung Quốc (AQSIQ, trực thuộc Tổng cục Hải quan Trung Quốc từ năm 2018), lần ký kết gần đây nhất là năm 2014.

Theo thỏa thuận này, thủy sản xuất nhập khẩu giữa hai bên (từ Việt Nam xuất khẩu sang Trung Quốc và ngược lại), cần phải đáp ứng 2 điều kiện: Một là sản phẩm thủy sản phải được sản xuất tại cơ sở có tên trong Danh sách được phép xuất khẩu do cơ quan có thẩm quyền của nước  công nhận (tại Việt Nam là do Nafiqad công nhận và đưa vào danh sách).

Điều kiện thứ hai là từng lô hàng thủy sản khi xuất khẩu phải kèm theo Chứng thư ATTP do cơ quan có thẩm quyền nước xuất khẩu cấp (tại Việt Nam do Nafiqad cấp, theo mẫu chứng thư ATTP đã được thống nhất giữa 2 nước).

Theo đúng thỏa thuận đã ký, hàng quý, Nafiqad và AQSIQ (nay là Tổng cục Hải quan Trung Quốc) sẽ cập nhật và thông báo định kỳ cho nhau để xem xét và công nhận danh sách các cơ sở sản xuất chế biến thủy sản xuất khẩu sang nhau.

Đồng thời định kỳ hàng năm, hai nước sẽ tổ chức các đoàn công tác sang kiểm tra, kiểm định lẫn nhau đối với các cơ sở sản xuất chế biến thủy sản đã có tên trong danh sách được phép xuất khẩu về tình hình tuân thủ và duy trì các điều kiện về sản xuất chế biến.

Vậy những cơ sở chế biến thủy sản thế nào thì mới đủ điều kiện được đưa vào danh sách được phép xuất khẩu và được phía Trung Quốc công nhận?

Cơ sở chế biến thủy sản xuất khẩu đủ điều kiện đưa vào danh sách được phép xuất khẩu sang Trung Quốc cần phải được cơ quan có thẩm quyền của phía Việt Nam (cụ thể là Nafiqad) kiểm tra, đánh giá, giám sát về việc đủ các điều kiện ATTP theo các quy định của Việt Nam, cũng như đáp ứng được các yêu cầu đảm bảo ATTP của phía Trung Quốc theo các thỏa thuận kỹ thuật cụ thể mà hai bên đã thống nhất.

Việc truy xuất nguồn gốc thủy sản, cũng đã được đưa vào là một trong những nội dung về điều kiện của cơ sở chế biến đủ điều kiện về ATTP. Theo đó, các doanh nghiệp chế biến thủy sản Việt Nam hiện nay để đáp ứng đủ điều kiện ATTP theo quy định của Việt Nam, sẽ phải thiết lập chương trình quản lí chất lượng theo nguyên tắc HACCP.

Định kỳ hàng quý, Nafiqad sẽ gửi danh sách các cơ sở chế biến đủ điều kiện của Việt Nam sang cho Tổng cục Hải quan Trung Quốc.

Tổng cục Hải quan Trung Quốc sẽ xem xét, nếu đồng ý, phía Trung Quốc sẽ cập nhật danh sách các cơ sở chế biến này lên website để thông báo với các cơ quan hải quan cửa khẩu của họ cho phép thông quan đối với các lô hàng thủy sản được sản xuất tại các doanh nghiệp, cơ sở chế biến của Việt Nam đã được cho phép. Khi xuất khẩu, trên bao bì các lô hàng phải có mã số cơ sở, thông tin về cơ sở chế biến mà 2 nước đã thống nhất cấp phép...

Phải khẳng định thủy sản là mặt hàng xuất khẩu có nhiều thuận lợi hơn các mặt hàng nông sản khác khi xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc. Đến nay theo đúng thỏa thuận giữa 2 nước, Việt Nam đã có 680 doanh nghiệp được phía Trung Quốc chấp thuận đủ điều kiện xuất khẩu thủy sản sang thị trường này.

Danh mục thủy sản Việt Nam được phép xuất khẩu sang Trung Quốc hiện cũng đã lên đến 128 loại. Đây là con số khá lớn cả về số lượng doanh nghiệp xuất khẩu lẫn chủng loại sản phẩm nếu so với các mặt hàng nông sản khác như rau quả, sản phẩm chăn nuôi...

Nhiều địa phương, doanh nghiệp, cơ sở chế biến không mấy quan tâm khi những quy định về xuất khẩu thủy sản sang Trung Quốc được phổ biến.

Xin ông cho biết vì sao thời gian qua, lại có nhiều lô hàng hải sản tại các tỉnh phía Nam bị ứ đọng do không xuất khẩu được sang Trung Quốc?

Phải khẳng định lại, những quy định về điều kiện để thủy sản được phép xuất khẩu từ Việt Nam sang Trung Quốc là đã có từ rất lâu chứ không phải bây giờ mới có.

Từ năm 2008 - 2010, Bộ Thủy sản trước đây và sau này là Bộ NN-PTNT cũng như Nafiqad và các đơn vị chức năng đã triển hàng loạt các hội nghị, hội thảo, nhiều văn bản thông báo hướng dẫn, phổ biến triển khai tới các địa phương, các doanh nghiệp, cơ sở chế biến xuất khẩu thủy sản về quy định, yêu cầu xuất khẩu thủy sản sang Trung Quốc.

Tuy nhiên, có tình trạng một số địa phương, các doanh nghiệp, cơ sở thu mua, chế biến thủy sản, nhất là các tỉnh có truyền thống xuất khẩu thủy sản tiểu ngạch sang Trung Quốc đã không mấy quan tâm tới những quy định này.

Đến tháng 11/2018, cơ quan hải quan cửa khẩu đường bộ tỉnh Quảng Tây (Trung Quốc) có thông báo cho cơ quan hải quan cửa khẩu của Việt Nam tại tỉnh Quảng Ninh về việc tăng cường siết chặt chống gian lận thương mại, quản lí chặt nguồn gốc xuất xứ hàng hóa. Theo đó đối với mặt hàng thủy sản của Việt Nam xuất khẩu sang Trung Quốc, sẽ bắt buộc phải tuân thủ đầy đủ các điều kiện xuất khẩu theo thỏa thuận đã ký giữa hai nước.

Cho tới lúc ấy, nhiều doanh nghiệp chế biến xuất khẩu thủy sản sang Trung Quốc vẫn chủ quan, thậm chí thờ ơ, không bắt tay triển khai theo các yêu cầu về điều kiện xuất khẩu theo quy định, mà nguyên do là họ thấy thủy sản vẫn có thể xuất khẩu tiểu ngạch bình thường như trước.

Sau thời gian cho phép chuyển tiếp (vẫn cho phép xuất khẩu tiểu ngạch dạng trao đổi cư dân biên giới) từ cuối năm 2018, đến đầu tháng 5/2019, phía Trung Quốc đã chính thức áp dụng theo các quy định về điều kiện xuất khẩu thủy sản. Trước tình hình này, những doanh nghiệp không đủ điều kiện đã không thể xuất khẩu được nữa, gây ra sự ách tắc tiêu thụ tại nhiều tỉnh thành trong nước.

Xin cảm ơn ông!

(Dân Việt)
Cùng chuyên mục