dd/mm/yyyy

Trồng thành công sâm Ngọc Linh tại Lâm Đồng

Nhóm các nhà khoa học Việt Nam và Hàn Quốc đã di thực và trồng thành công Sâm Ngọc Linh tại Lâm Đồng nơi có nhiệt độ trung bình cao hơn và độ cao thấp hơn vùng trồng sâm bản địa tại Kon Tum, Quảng Nam.

Nhóm các nhà khoa học Việt Nam và Hàn Quốc đã di thực và trồng thành công Sâm Ngọc Linh tại Lâm Đồng nơi có nhiệt độ trung bình cao hơn và độ cao thấp hơn vùng trồng sâm bản địa tại Kon Tum, Quảng Nam.

Tại Hội thảo phân tích xu hướng công nghệ “Trồng sâm Việt Nam phi lâm nghiệp” do Trung tâm Thông tin và Thống kê KH&CN TPHCM tổ chức ngày 24/11, TS. Lê Thị Hồng Vân, Đại học Y Dược TPHCM, cho biết, sâm Việt Nam có đặc điểm thực vật khác với nhân sâm của các nước khác. Đó là bộ phận dưới đất của sâm thiên nhiên có thân rễ phát triển, rễ nhỏ ở tận cùng kém phát triển. Sâm Việt Nam được phát hiện tại đỉnh núi Ngọc Linh (Gia Lai – Kon Tum) ở độ cao 1.800m vào năm 1973, nên được gọi là sâm Ngọc Linh. Đây là một vị thuốc giấu của người dân tộc Sê Đăng sống trên dãy Trường Sơn, dùng để tăng cường sinh lực và chữa nhiều bệnh tật. Sâm Việt Nam có nhiều tác dụng như tăng lực, kích thích thần kinh trung ương; chống stress, oxi hóa; kích thích miễn dịch, giúp hạ đường huyết, kháng khuẩn,…

Trồng thành công sâm Ngọc Linh tại Lâm Đồng - Ảnh 1.

Hiện nay, sâm được trồng tập trung tại vùng núi Ngọc Linh thuộc hai tỉnh Kon Tum và Quảng Nam. Phương pháp trồng chủ yếu bằng hạt dưới tán rừng tự nhiên. Nếu trồng ở độ cao 1.800m, hàm lượng và thành phần saponin (đạt khoảng 20% ở cây 6 tuổi) trong sâm trồng tại Trà Linh (Quảng Nam) giống sâm thiên nhiên. Nếu trồng ở độ cao thấp hơn thì hàm lượng saponin thấp hơn nhiều và bộ phận dưới đất kém phát triển. Việc đánh giá hàm lượng saponin hết sức thiết yếu để biết được chất lượng sâm di thực.

Trồng thành công sâm Ngọc Linh tại Lâm Đồng - Ảnh 2.

Theo TS Vân, sâm Ngọc Linh trồng theo phương pháp truyền thống dưới tán rừng phát triển chậm, cung không đủ cầu nên giá sâm ngày càng tăng cao và chất lượng cũng đáng báo động. Trước thực tế đó, nhóm nhà khoa học tại Việt Nam và Hàn Quốc, gồm TS Lê Thị Hồng Vân, GS.TS Nguyễn Minh Đức (Đại học Tôn Đức Thắng), GS.TS Park Jeong Hill (Đại học Quốc gia Seoul), TS Yu Yun Hyun (nguyên Giám đốc Trung tâm nghiên cứu trồng trọt nhân sâm Hàn Quốc) đã quyết định đầu tư vào nghiên cứu trồng sâm Ngọc Linh tại Lạc Dương, Lâm Đồng, nơi có độ cao khoảng 1.400m.

Dựa trên kinh nghiệm từ quá trình nghiên cứu của nhóm về sâm Ngọc Linh, kết hợp công nghệ trồng nhân sâm Hàn Quốc, từ đó nhóm đưa ra công nghệ thích hợp trồng sâm bằng hạt trên địa hình đất bằng phẳng với thiết kế mái che nhân tạo. Vật liệu, chiều cao, hướng, độ dốc, độ chiếu ánh sáng của mái che được các nhà khoa học nghiên cứu kỹ lưỡng để có thể trồng ở quy mô lớn trên đất bằng phẳng, kiểm soát tối ưu hướng và độ sáng, lượng nước mưa.

GS.TS Nguyễn Minh Đức cho biết, việc trồng sâm ở Lâm Đồng có nhiều khó khăn, thách thức. Đó là, độ cao trung bình thấp hơn vùng núi Ngọc Linh. Nhiệt độ trung bình cao hơn vùng Ngọc Linh và có xu hướng tăng dần và hiệu ứng nhà kính. Các nghiên cứu trồng trọt sâm (dưới tán rừng) trước đó đều chưa mang lại kết quả.

Trồng thành công sâm Ngọc Linh tại Lâm Đồng - Ảnh 3.

Tuy nhiên, sau 5 năm trồng bằng hạt mua từ vùng Ngọc Linh, cho thấy cây trồng đạt năng suất cao, tỷ lệ hạt nảy mầm gần 80%, tỷ lệ cây sống cao (75 – 90%). Đồng thời, tăng trưởng sinh khối rễ và hàm lượng saponin rất tốt, tương đương với sâm bản địa trồng ở Ngọc Linh. “Đặc biệt, việc trồng thành công sâm ở Lạc Dương cũng là lần đầu tiên sâm được trồng xa nhất về phía Nam (vĩ độ 12o Bắc) của các loài Panax, so với giới hạn phân bố trồng trước đây (vùng Ngọc Linh vĩ độ 15o Bắc)” – GS Đức chia sẻ.

TS Vân cho biết thêm, hiện nay nhóm tiếp tục nghiên cứu để tối ưu hóa quy trồng trọt và nhân giống sâm Ngọc Linh tại Lâm Đồng và các tỉnh khác. Đồng thời, nghiên cứu chọn lọc giống sâm Việt Nam chất lượng cao, so sánh chất lượng sâm trồng ở Lâm Đồng và các khu vực khác trong nước. “Hiện nay, các nghiên cứu về sâm Việt Nam còn rất ít. Vì vậy, chúng tôi mong muốn được hợp tác với các nhà khoa học trong nước, quốc tế, các trường viện, doanh nghiệp, tiếp tục nghiên cứu để phát triển cây sâm Việt Nam” – TS Vân nói.

Kiều Anh