Triển vọng mô hình khóm Mỹ từ nguồn vốn Agribank

12/11/2019 15:53 GMT+7
Giá mía bao năm nay luôn bấp bênh khiến người dân xã Phương Bình, huyện Phụng Hiệp, tỉnh Hậu Giang luôn rơi vào cảnh khốn đốn. Nhưng nhờ nguồn vốn từ Agribank một giống cây mới, giống khóm MD2 (còn gọi là khóm Mỹ) đã bám trụ được với vùng đất Phương Bình, mang hi vọng mới, thay đổi cuộc sống cho người dân nơi đây.

Mạnh dạng chuyển đổi!

Ông Trần Văn Sang- Phó Chủ tịch UBND xã Phương Bình cho biết: Người dân xã Phương Bình xưa nay chỉ sống nhờ vào cây mía, nhưng những năm gần đây giá mía luôn bấp bênh, người dân trồng mía luôn bị thua lổ nên cuộc sống gặp nhiều khó khăn. Nhưng vì thiếu vốn, cộng với chưa chọn được giống cây trồng phù nên người dân không mạnh dạn chuyển đổi giống cây trồng, mà vẫn buộc phải bám trụ cây mía. Nhất là người dân ở đây canh tác trên đất của Nông trường Phương Ninh nên việc thế chấp vay vốn chuyển đổi là rất khó.

Năm 2018, một người dân đã mạnh dạn đưa giống khóm Mỹ về trồng và rất may cây khóm Mỹ phát triển tốt trên đất Phương Bình nên địa phương mạnh dạn bảo lãnh và được Agribank cho người dân vay vốn để chuyển đổi mô hình canh tác.

Triển vọng mô hình khóm Mỹ từ nguồn vốn Agribank - Ảnh 1.

Anh Nguyễn Văn Sỹ bên vườn khóm Mỹ đang cho trái của gia đình

“Bên cạnh đó việc phát triển mô hình trồng khóm Mỹ thuận lợi là nhờ bà con đều có hợp đồng bao tiêu sản phẩm. Nhưng điều kiện tiên quyết, và là chỗ dựa vững chắc, giúp mọi người mạnh dạn chuyển đổi cây trồng, đó là sự tiếp sức về vốn của Agribank”- ông Sang nói.

Theo những hộ đã thu hoạch, cây khóm Mỹ bắt đầu cho trái sau 18 tháng trồng. Năng suất khoảng 70 tấn/ha. Sau khi trừ hết chi phí, nông dân còn lời khoảng 200 triệu đồng/ha.

Triển vọng mô hình khóm Mỹ từ nguồn vốn Agribank - Ảnh 2.

Vườn khóm ông Ngô Văn Phượng được đanh giá là trúng nhất xóm

Triển vọng!

Anh Nguyễn Văn Sỹ ở xã Phương Bình (huyện Phụng Hiệp, tỉnh Hậu Giang), người đầu tiên đưa giống khóm Mỹ về Phương Bình, chia sẻ: Trước đây nhiều năm liền gia đình anh trồng mía bị lổ, nên con trai phải bỏ quê đi làm công nhân cho một công ty chế biến nông sản. Từ đó con anh Sỹ mới biết đến giống khóm Mỹ và đưa về quê trồng thử. 

Thấy giống khóm mới phát triển tốt, cho năng suất cao (mỗi trái trọng lượng từ 1,7kg – 4kg), giá tốt (5.700đ/kg) nên anh đã mạnh dạn vay vốn từ Agribank Chi nhánh Phụng Hiệp làm đất, chuyển đổi 5,8 công đất của gia đình đang trồng mía sang trồng khóm Mỹ và được công ty Cổ phần Chế biến thực phẩm Miền Tây (Westfood) cung cấp giống và bao tiêu sản phẩm.  Sau 18 tháng vụ khóm đầu tiên anh thu được 195 triệu đồng và bán 3 đợt chồi được 130 triệu đồng. Hiện anh Sỹ đã mở rộng diện tích trồng khóm lên 2,3ha, đang trong giai đoạn cho trái, khoảng cuối tháng 12 này sẽ thu hoạch.

Triển vọng mô hình khóm Mỹ từ nguồn vốn Agribank - Ảnh 3.

Bà con nông dân xã Tân Phước Hưng đến tham quan mô hình khóm Mỹ ở Phương Bình

Thấy gia đình anh Sỹ làm ăn có hiệu quả, nhiều bà con ở đây quyết định buông cây mía, nhân rộng cây trồng trồng này. Gia đình ông Ngô Văn Phượng có gần 1,5 ha đất trồng mía. Sau 3 năm liên tiếp lỗ nặng vì cây mía, năm rồi được sự tiếp sức của Agribank Chi nhánh Phụng Hiệp, ông quyết định bỏ cây mía, thuê máy đào đất, lên liếp trồng khóm. Cũng như nhiều bà con ở đây, phần ao hai bên liếp, ông trồng bông súng để lấy ngắn nuôi dài. Hiện nay rẫy khóm của ông Chín Phượng được đánh giá là trúng nhất trong xóm. Dự định qua tết, gia đình sẽ thu hoạch đợt trái đầu tiên.  

Triển vọng mô hình khóm Mỹ từ nguồn vốn Agribank - Ảnh 4.

Khóm Mỹ cho năng suất cao, mội trái nặng từ 1,7kg-4kg

Xã Phương Bình hiện đã thành lập được Tổ hợp tác trồng khóm Mỹ, có 31 tổ viên, với 32ha. Từ thành công bước đầu này, nhiều bà con nông dân các địa phương trong và ngoài tỉnh đến tham quan, học hỏi để về áp dụng trên đất nhà mình. Riêng ở xã Phương Bình hiện đã có hơn 10 hộ dân đăng ký bỏ mía, trồng khóm Mỹ. Agribank Chi nhánh Phụng Hiệp cũng đã cân đối nguồn, để sẵn sàng giải ngân khi bà con có nhu cầu.

Ông Ông Thanh Tùng- Phó Giám đốc Agribank Chi nhánh Phụng Hiệp, cho biết: “Trước nhu cầu chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi của bà con, cùng sự bảo lãnh của địa phương nên Agribank đã mạnh dạng hỗ trợ. Nhờ mô hình có hiệu quả cao, nên ai cũng trả tiền vay đúng quy định. Hiện nay định mức cho vay vẫn còn thấp (30 triệu đồng/hộ), nên trong thời gian tới chúng tôi sẽ đề xuất về trên hỗ trợ bà con gói định mức cao hơn để đáp ứng nhu cầu chuyển đổi mô hình làm ăn cho bà con”.


Hồng Cẩm
Cùng chuyên mục