dd/mm/yyyy

Toàn cảnh vụ cháy rừng chưa từng có ở Hà Tĩnh

Chưa bao giờ, Hà Tĩnh lại liên tiếp xảy ra cháy rừng trên diện rộng với mức độ tàn phá khủng khiếp như 3 ngày qua. Những ngọn lửa kinh hoàng đã “nuốt” hàng trăm héc-ta rừng ở các huyện Nghi Xuân, Hương Sơn, Cẩm Xuyên.

Trực tiếp đến hiện trường các vụ cháy ở Nghi Xuân và Hương Sơn trưa 30/6, Trưởng ban Tổ chức Trung ương Phạm Minh Chính, Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ, Bí thư Tỉnh ủy Lê Đình Sơn, Chủ tịch UBND tỉnh Đặng Quốc Khánh cùng lãnh đạo tỉnh Hà Tĩnh lưu ý các lực lượng, cùng với ngăn lửa rừng lan rộng, cần chủ động di dời các hộ dân gần bìa rừng; đặc biệt, phải đảm bảo an toàn cao nhất tính mạng và tài sản của người dân.

Thứ 6 ngày 28/6/2019: Hàng trăm người tham gia cứu hỏa

11h trưa 28/6, tại khu vực núi Bụt, xóm Làng Hội, xã Phú Lộc (Can Lộc) xảy ra cháy lớn. Trong điều kiện nắng nóng gay gắt, cộng thêm lớp thực bì dày, gió thổi mạnh nên phải đến 16h30’ cùng ngày, đám cháy mới cơ bản được khống chế.

Khoảng 13h chiều 28/6, tại khu vực rừng thông tiểu khu 92A, thôn 7, xã Xuân Hồng (Nghi Xuân) xảy ra cháy lớn. Ngọn lửa lan nhanh sang các khu rừng thuộc tổ dân phố (TDP) 2, 3 thị trấn Xuân An. Nhận được tin báo, huyện Nghi Xuân đã huy động hơn 400 người gồm các lực lượng: Kiểm lâm, quân sự, công an huyện, Tiểu đoàn Đặc công D31 (Quân khu 4) và nhân dân địa phương cùng các phương tiện tập trung dập lửa.

Do ngọn lửa quá lớn và gió thổi mạnh nên lực lượng tham gia chữa cháy phải di chuyển về phía Bắc để phát quang mở rộng đường băng cản lửa, ngăn chặn không cho đám cháy lan rộng. Đến cuối chiều, đã có khoảng 1.000 người thuộc các lực lượng vừa tích cực tham gia chữa cháy, vừa hỗ trợ 80 hộ dân TDP 1, thị trấn Xuân An di dời tài sản. Đến 19h cùng ngày, vụ cháy ngày càng trở nên phức tạp, khó lường. Ngoài việc huy động các phương tiện trong tỉnh, tỉnh Nghệ An đã hỗ trợ thêm 5 phương tiện chữa cháy hiện đại giúp Hà Tĩnh ứng cứu.

Có những thời điểm đám cháy đã áp sát nhà nhiều hộ dân ở TDP 1 thị trấn Xuân An, thậm chí chỉ cách nhiều nhà chừng 50m. Sau nhiều giờ nỗ lực dập lửa của lực lượng chức năng, đến 22h30’ cùng ngày, vụ cháy rừng ở xã Xuân Hồng cơ bản được khống chế.

Thứ 7 ngày 29/6/2019: Nghi Xuân di dời dân trong đêm

3h sáng 29/6, vụ cháy rừng tại thị trấn Xuân An bùng phát trở lại rồi nhanh chóng lan rộng uy hiếp nhà dân. Hàng ngàn cán bộ, chiến sỹ, lực lượng chức năng chưa kịp nghỉ sức lại căng mình chống hỏa. Tỉnh Nghệ An điều 4 phương tiện giúp Hà Tĩnh chữa cháy. Do đám cháy mỗi lúc diễn biến phức tạp, tiến gần sát khu dân cư nên chính quyền huyện Nghi Xuân phải lên phương án và tổ chức di dời hàng trăm hộ dân.

Đến giữa buổi sáng cùng ngày, ngọn lửa tại khu rừng thuộc TDP 1 thị trấn Xuân An đã được dập tắt nhưng khói lửa vẫn còn âm ỉ khiến nhiều người lo ngại. Đáng nói là khu vực này còn có sự hiện diện của 2 cây xăng dầu và hàng trăm hộ dân sống cận kề.

Do nắng nóng gay gắt nên đến khoảng 11h trưa cùng ngày, cháy rừng lại tiếp tục bùng phát ở Xuân Hồng. Khu vực cháy rừng cận kề 50 hộ dân thôn 7, thôn 8 nên rất nguy hiểm. Trước diễn biến bất thường của đám cháy tại xã Xuân Hồng, 500 người gồm các lực lượng chức năng, người dân trên địa bàn được huy động tập trung mở rộng đường băng cản lửa, sơ tán các hộ dân khỏi vùng nguy hiểm.

Cùng thời gian này, tại tiểu khu 324 ở xã Cẩm Mỹ (Cẩm Xuyên) cũng xảy ra cháy, thiêu rụi một số diện tích rừng. Ngành chức năng và chính quyền địa phương đã nhanh chóng huy động lực lượng để chữa cháy nhưng đến tối, lửa vẫn âm ỉ.

Nhận được thông tin về vụ cháy rừng thuộc Ban Quản lý Khu Bảo tồn thiên nhiên Kẻ Gỗ, ngay trong đêm 29/6, Bí thư Tỉnh ủy Lê Đình Sơn đã đến hiện trường kiểm tra, chỉ đạo công tác chữa cháy, đồng thời, yêu cầu các địa phương, ngành chức năng phải tổ chức rút kinh nghiệm trong công tác chữa cháy để kịp thời bổ sung các giải pháp, hạn chế cháy rừng trong thời gian tới.

Trong điều kiện thời tiết nắng nóng lâu ngày, lớp thực bì dày, đồng thời gió mạnh đã khiến lửa nhanh chóng lan rộng. Ảnh: Đặng Thiện Chân
Trong điều kiện thời tiết nắng nóng lâu ngày, lớp thực bì dày, đồng thời gió mạnh đã khiến lửa nhanh chóng lan rộng. Ảnh: Đặng Thiện Chân

Cũng trong tối 29/6, chính quyền xã Xuân Hồng đã khẩn trương di dời 10 hộ dân sát chân núi.

Chủ nhật ngày 30/6/2019: Chưa thể dập tắt hoàn toàn

Sáng 30/6, lửa rừng tiếp tục quay lại, bùng cháy tại dãy núi thuộc TDP 1, thị trấn Xuân An. Đây là lần thứ tư trong 3 ngày liên tiếp, rừng bắt lửa tại địa phương này. Nguy hiểm hơn, ngay dưới chân núi có 1 kho than 4.000 tấn. Hàng nghìn chiến sỹ công an, bộ đội, dân quân tự vệ, lực lượng PCCC, công ty vệ sinh môi trường tập trung khống chế và ngăn đám lửa lan rộng xuống khu dân cư. 13 xe cứu hỏa của 2 tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh liên tục phun nước tạo đường băng cản lửa.

Trong khi đó, tại thôn 9, xã Xuân Hồng, rừng vẫn cháy và có chiều hướng lan xuống, ảnh hưởng đến các hộ dân. Quân khu 4 đã điều động 300 quân và hàng trăm người thuộc lực lượng của tỉnh, huyện cùng các phương tiện chữa cháy với nhiều vật dụng, trang bị khác để làm nhiệm vụ.

Tạo đường băng cản lửa, đề phòng đám cháy lan đến cây xăng thị trấn Xuân An huyện Nghi Xuân. Ảnh: Đặng Thiện Chân
Tạo đường băng cản lửa, đề phòng đám cháy lan đến cây xăng thị trấn Xuân An huyện Nghi Xuân. Ảnh: Đặng Thiện Chân
 Các lực lượng tập trung dập lửa tại xã Sơn Lễ huyện Hương Sơn

Tại xã Sơn Lễ (Hương Sơn), đám cháy được phát hiện lúc 3h sáng tại khu vực rừng thông 15 năm tuổi và keo, lim... thuộc thôn Nam Sơn, sau đó lan sang khu vực thôn Sơn Thủy. Khu vực này có khoảng 85 hộ dân sinh sống sát bìa rừng.

Sau hơn 10 giờ đồng hồ kể từ khi phát hiện đám cháy bùng phát, tỉnh Hà Tĩnh và huyện Hương Sơn đã điều động lực lượng hơn 1.000 người gồm: Bộ đội, công an, dân quân tự vệ và đông đảo nhân dân phối hợp tập trung mọi phương tiện chữa cháy từ thô sơ đến hiện đại để mở đường băng cản lửa, dập lửa.

Trưởng ban Tổ chức Trung ương Phạm Minh Chính và lãnh đạo tỉnh Hà Tĩnh trực tiếp đến hiện trường kiểm tra, chỉ đạo công tác chống cháy cháy rừng tại xã Sơn Lễ, huyện Hương Sơn
Trưởng ban Tổ chức Trung ương Phạm Minh Chính và lãnh đạo tỉnh Hà Tĩnh trực tiếp đến hiện trường kiểm tra, chỉ đạo công tác chống cháy cháy rừng tại xã Sơn Lễ, huyện Hương Sơn

Trưa 30/6, ngay sau buổi làm việc với BTV Tỉnh ủy về sáp nhập xã, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tổ chức Trung ương Phạm Minh Chính cùng các đồng chí lãnh đạo tỉnh đã đến kiểm tra thực tế các khu vực rừng bị cháy ở 2 huyện Nghi Xuân và Hương Sơn.

Trưởng ban Tổ chức Trung ương Phạm Minh Chính ghi nhận những nỗ lực của các lực lượng công an, quân đội, dân quân tự vệ, lực lượng cứu hỏa và chính quyền địa phương trong ứng phó kịp thời, linh động phương án dập lửa nhằm giảm thiểu thiệt hại, song cũng lưu ý các lực lượng phải tập trung làm đường băng cản lửa, ngăn lửa rừng lan ra diện rộng.

Điều quan trọng nhất là tập trung lực lượng, phương tiện sẵn sàng chữa cháy nhà dân và triển khai phương án di dời các hộ dân gần bìa rừng; phải đảm bảo an toàn cao nhất cho tính mạng và tài sản của người dân.

Cơ quan CSĐT Công an huyện Nghi Xuân đã tạm giữ Phan Đình Thành (SN 1973, trú tại thôn 7, xã Xuân Hồng). Đối tượng khai, sáng 28/6/2019, đi mua đồ ăn sáng và một chiếc bật lửa gas để hút thuốc. Gần trưa cùng ngày thì gom rác lại khu vực cuối vườn rồi dùng bật lửa đốt. Do trời nóng, gió tây Nam thổi mạnh nên lửa đã cháy lan ra khắp vườn. Thành đã dùng xô múc nước để dập lửa nhưng không được nên gọi mọi người đến giúp đỡ.
Lúc này, lửa đã cháy lan sang khu vực rừng thông phòng hộ phía sau nhà rồi lan rộng sang một số thôn khác của xã và rừng phòng hộ thuộc thị trấn Xuân An.
Công an huyện Nghi Xuân đang củng cố hồ sơ, tài liệu để tiến hành khởi tố vụ án, khởi tố bị can.

Chiều cùng ngày, lửa rừng ở TDP 1, thị trấn Xuân An tiếp tục bùng cháy trở lại lần thứ 5, đe dọa trực tiếp đến tính mạng, tài sản của nhiều hộ dân. Tại tiểu khu 324 (xã Cẩm Mỹ) thuộc Ban Quản lý Khu Bảo tồn thiên nhiên Kẻ Gỗ, đám cháy cũng cơ bản được khống chế, song lửa vẫn âm ỉ. Lực lượng chức năng tiếp tục túc trực, bám nắm để có các giải pháp dập lửa tắt hoàn toàn.

Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ động viên, thăm hỏi các lực lượng tham gia chữa cháy tại huyện Nghi Xuân.
Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ động viên, thăm hỏi các lực lượng tham gia chữa cháy tại huyện Nghi Xuân.
 Bí thư Tỉnh ủy Lê Đình Sơn kiểm tra thực tế công tác chữa cháy rừng tại tiểu khu 324 thuộc Ban Quản lý Khu bảo tồn thiên nhiên Kẻ Gỗ quản lý.

Bí thư Tỉnh ủy Lê Đình Sơn thay mặt Ban Thường vụ Tỉnh ủy Hà Tĩnh vừa ký ban hành Công điện số 1600-CĐ/TU chỉ đạo UBND tỉnh, các ban, ngành, địa phương, đơn vị tiếp tục khẩn trương thực hiện một số nội dung trọng tâm, cấp bách sau:

Ban cán sự đảng UBND tỉnh chỉ đạo UBND tỉnh, các sở, ngành liên quan và UBND các huyện, thành phố, thị xã thực hiện nghiêm trách nhiệm quản lý về phòng cháy, chữa cháy rừng, phân công lực lượng trực 24/24 giờ trong suốt thời gian nắng nóng, bố trí các điểm chốt chặn, tuần tra canh gác ở những khu vực trọng điểm dễ xảy ra cháy, kiểm soát chặt chẽ người ra vào rừng, nhất là những khu vực có nguy cơ cháy rừng cao; kịp thời phát hiện điểm cháy, huy động các lực lượng chức năng và người dân tham gia khống chế, dập tắt trong thời gian nhanh nhất, đảm bảo an toàn tuyệt đối, không để xảy ra cháy lớn. Thực hiện phương châm “bốn tại chỗ” hiệu quả; tăng cường lực lượng, phương tiện, vật tư, kinh phí và các điều kiện khác để luôn sẵn sàng cao nhất dập tắt cháy rừng kịp thời khi mới phát hiện điểm cháy.

Xây dựng các phương án ứng phó và chủ động, sẵn sàng thực hiện sơ tán nhân dân ra khỏi khu vực nguy hiểm; bảo đảm an toàn tính mạng và tài sản của nhân dân, nhà nước và doanh nghiệp.

Tăng cường công tác chỉ đạo, kiểm tra công tác phòng cháy, chữa cháy rừng tại các địa phương, khu vực trọng điểm dễ xảy ra cháy, nổ; chỉ đạo tạm dừng các hoạt động xử lý thực bì dưới mọi hình thức.

Các lực lượng quân sự, công an, biên phòng tỉnh phối hợp tốt để chủ động chuẩn bị sẵn sàng các phương án, lực lượng, phương tiện tham gia phòng, chống cháy rừng, ứng cứu kịp thời, nhanh nhất các tình huống khẩn cấp. Tích cực phối hợp để hỗ trợ ứng cứu trong các trường hợp cần thiết, đặc biệt nghiêm trọng.

Các cơ quan trong Khối Nội chính phối hợp điều tra làm rõ nguyên nhân, đối tượng gây cháy rừng để xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân gây cháy theo quy định của pháp luật; theo dõi, nắm bắt tình hình và kịp thời xử lý các đối tượng lợi dụng cháy để xuyên tạc, kích động người dân, làm ảnh hưởng đến tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội.

Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông chỉ đạo các cơ quan thông tấn báo chí, đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên các cấp thường xuyên tuyên truyền, phổ biến công tác phòng cháy, chữa cháy rừng; kịp thời đưa thông tin về cảnh báo, dự báo cháy rừng trong thời kỳ cao điểm để người dân biết, chủ động, tự giác phòng ngừa.

Ban thường vụ các huyện, thành, thị ủy, trước hết là đồng chí bí thư cấp ủy, chủ tịch uỷ ban nhân dân huyện, thành phố, thị xã lãnh đạo, chỉ đạo, huy động hệ thống chính trị thực hiện công tác phòng cháy, chữa cháy; thường xuyên chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc các địa phương cơ sở, tuyệt đối không được chủ quan, lơ là nhiệm vụ phòng cháy, chữa cháy. Địa phương, đơn vị nào để xảy ra cháy rừng thì người đứng đầu cấp ủy, chính quyền phải chịu trách nhiệm…

(Dân Việt)