Thủ tướng: Cần chế biến sâu nông sản tránh "được mùa mất giá"

21/02/2020 15:39 GMT+7
Theo Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, tiềm năng ngành nông nghiệp Việt Nam còn rất nhiều. Việt Nam hoàn toàn có thể làm giàu từ nông nghiệp, phấn đấu trở thành top 10 nền nông nghiệp hàng đầu thế giới.
Thủ tướng:  - Ảnh 1.

thu tuong: lam giau tu nong nghiep, “qua bong” nam o cac dia phuong hinh anh 1 Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì Hội nghị. Ảnh: VGP

Không chế biến sâu nông sản thì khó tăng giá trị cho ngành nông nghiệp

Sáng 21/2, tại Hội nghị "Công nghiệp chế biến nông sản và cơ giới hóa nông nghiệp", Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh đây là sự kiện rất quan trọng, liên quan đến trực tiếp đời sống người dân. Hiện tại, 40% dân số Việt Nam liên quan trực tiếp đến lĩnh vực nông nghiệp.

Thực tế hiện nay, vẫn còn lãng phí thất thoát lớn trong nông nghiệp ở nhiều khâu như thu hoạch, chế biến, bảo quản, cơ giới hóa còn thấp. Do đó, cần thúc đẩy cơ giới hóa và chế biến nông sản trong lĩnh vực này.

Theo Thủ tướng, nếu không chế biến sâu nông sản thì khó tăng giá trị cho ngành nông nghiệp. dù xuất khẩu rau củ quả tươi rất cần thiết. Việc chế biến càng quan trọng khi giúp tránh tình trạng được mùa rớt giá.

"Cần phổ cập chế biến nông sản gắn với các đặc sản. Song song với đó là tìm kiếm thị trường, gồm cả trong và ngoài nước", ông nói.

Việc cơ giới hóa nông nghiệp sẽ giúp giảm lao động mạnh mẽ hơn, tăng nâng suất lao động. Từ đó, lĩnh vực nông nghiệp không chỉ đủ ăn mà còn làm giàu được.

"Nông nghiệp không chỉ giúp đủ ăn mà còn làm giàu được. Đó là cơ hội, là niềm tin mới mạnh mẽ, có thể phát triển tiềm năng, sự đa dạng của từng địa phương", Thủ tướng nói.

Ông yêu cầu các doanh nghiệp, địa phương, bộ ngành cần lắng nghe, tiếp thu, vận dụng phù hợp. Cần có biện pháp tháo gỡ, tạo điều kiện cho hộ nông dân, hợp tác xã, nông nghiệp phát triển, từ đó đón các thời cơ mới, điều kiện mới.

Ông cũng đánh giá cao vai trò của doanh nghiệp tư nhân, đặc biệt là hợp tác xã rất lớn. Cả nước đã có 15.000 hợp tác xã đang đóng góp rất quan trọng phát triển nông nghiệp.

Từ đó, Thủ tướng giao một số nhiệm vụ cho các bộ, ngành. Thứ nhất, ông yêu cầu kéo dài thời gian vay, giảm lãi suất cho lĩnh vực cơ giới hóa, chế biến nông nghiệp.

Thứ hai, cần áp dụng kỹ thuật khoa học công nghệ để nâng cao giá trị và chất lượng.

Thứ ba, muốn cạnh tranh được phải giảm giá thành, chi phí, nhất là chi phí logistics. "Ví dụ chi phí xuất khẩu 1 quả xoài đi thì logistics đã chiếm 50% giá trị sản phẩm. Cần phải giảm chi phí này", người đứng đầu Chính phủ nói.

Thứ tư, Thủ tướng cho rằng cần xây dựng thương hiệu, từ đó quy hoạch vùng nguyên liệu quy mô lớn. Chính phủ cũng sẽ quan tâm việc tích tụ đất đai trong nông nghiệp. Song song với đó là đào tạo nguồn nhân lực chuyên sâu.

Thứ năm, cần liên kết "4 nhà" trong chuỗi nông nghiệp. Đồng thời, cơ quan quản lý cần quan tâm chỉ đạo.

Sau hội nghị này sẽ có một chỉ thị của Thủ tướng, trong đó có những định hướng lớn, chiến lược phát triển nông nghiệp chế biến và cơ giới hóa nông nghiệp.

Lúa gạo giảm tổn thất sau thu hoạch khoảng 6.000 tỉ đồng/năm nhờ cơ giới hóa

Ông Đoàn Xuân Hòa, Phó Chủ tịch Hội Cơ khí nông nghiệp Việt Nam đánh giá: Những năm qua, đầu tư, huy động nguồn lực xã hội vào ngành sản xuất các sản phẩm cơ khí phục vụ sản xuất nông nghiệp của nước ta đã có bước tăng trưởng tốt. Tổn thất trong chế biến và sau thu hoạch đối với nhiều mặt hàng nông sản đã giảm rõ rệt.

Ví dụ trước đây, tổn thất trong chế biến rau quả chiếm tới 20%, thì nay đã giảm xuống một nửa; hiện mỗi năm chúng ta đã giảm được tổn thất sau thu hoạch ước tính khoảng 6.000 tỉ đồng/năm chỉ tính riêng ngành lúa gạo…

Cơ giới hóa cũng đã góp phần chuyển dịch lực lượng lao động ở nông thôn, thu hút lao động, nhất là lao động trẻ trở về với nông thôn, nông nghiệp.

Mặc dù vậy, ngành cơ khí chế tạo phụ trợ phục vụ cho chế biến và cơ giới hóa trong nông nghiệp vẫn còn rất yếu. Các doanh nghiệp lớn trong ngành công nghiệp gần như không mặn mà với việc đầu tư vào nghiên cứu, sản xuất thiết bị máy móc phục vụ sản xuất và chế biến của ngành nông nghiệp, do đó hầu hết các trang thiết bị ngành nông nghiệp vẫn phải nhập khẩu…

Việc tiếp cận với các thiết bị cơ giới hóa, thiết bị và dây chuyền chế biến nông sản của nông dân lẫn doanh nghiệp còn gặp rất nhiều khó khăn. Đến nay, mới chỉ có khoảng 11 nghìn tỉ đồng vốn vay giải ngân cho vay phục vụ cho nông dân mua máy nông nghiệp là chưa tương xứng với yêu cầu của nông dân.

Trong khi đó, các doanh nghiệp lớn vốn là động lực cho tái cơ cấu ngành nông nghiệp lại chưa được tiếp cận với nguồn vốn ưu đãi để đầu tư máy móc thiết bị. Nhiều chính sách hỗ trợ vốn vay cho cơ giới hóa chồng chéo với các chính sách khác, chậm và khó triển khai…

Ông Hòa kiến nghị tới đây, Chính phủ cần có một nghị định riêng nhằm hỗ trợ cho các doanh nghiệp chế biến có liên kết với nông dân trong việc tiếp cận với nguồn vốn vay phục vụ cho cơ giới hóa cũng như thiết bị chế biến, được hưởng lãi suất vốn vay ưu đãi, thậm chí bằng 0%. Các doanh nghiệp nghiên cứu, sản xuất các thiết bị cơ giới hóa nông nghiệp cũng cần được hỗ trợ với nhiều chính sách cả về vốn va, đất đai, đầu tư, đào tạo…

Nông nghiệp Việt Nam cần có thay đổi về mặt tư duy

Bà Thái Hương, Nhà sáng lập - Chủ tịch Hội đồng chiến lược Tập đoàn TH, hoàn toàn đồng tình với bài phát biểu của Bộ trưởng và định hướng của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Theo bà, nông nghiệp Việt Nam cần có thay đổi về mặt tư duy. Đó là sự đột phá, không đi theo lối mòn cũ. Nói về công nghệ không là không đủ mà phải nói tới khoa học quản trị.

Muốn bán được hàng phải có thương hiệu, phải có cơ chế chính sách về văn hóa doanh nhân. Nền sản xuất của Việt Nam là đi theo hướng hữu cơ. Nhưng để đạt được hữu cơ thì đó là cả 1 con đường dài và còn nhiều việc phải làm.

Bà Thái Hương mong muốn các doanh nghiệp hãy xây dựng tinh thần văn hóa doanh nhân. Vừa qua, Thủ tướng và các Bộ ban ngành cũng đang rất coi trọng vấn đề này. Khi chúng tôi định vị sản phẩm thì lợi nhuận vẫn là sau cùng, hài hòa lợi ích.

Bây giờ khích lệ cụ thể phải vào sản phẩm, khi đưa ra được bộ tiêu chuẩn, quy chuẩn quốc gia, thông lệ quốc tế thì chất lượng sản phẩm sẽ đi theo con đường phát triển bền vững.

PV (T/H)
Cùng chuyên mục