Thống đốc Lê Minh Hưng báo cáo Quốc hội về 53.000 tỷ cho vay BOT nguy cơ thành nợ xấu

21/10/2019 17:09 GMT+7
Bản báo cáo dài 21 trang vừa được Thống đốc Lê Minh Hưng gửi đến các đại biểu Quốc hội với nhiều nội dung liên quan đến hoạt động ngân hàng. Trong đó, người đứng đầu ngành ngân hàng bày tỏ quan ngại về khoản dư nợ 53.000 tỷ đồng cho vay BOT có nguy cơ phải cơ cấu lại, phát sinh nợ xấu cho ngân hàng.

Báo cáo với Quốc hội, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Lê Minh Hưng cho hay, trong 9 tháng đầu năm 2019, mặt bằng lãi suất về cơ bản tiếp tục duy trì ổn định.

Thống đốc Lê Minh Hưng báo cáo Quốc hội về 53.000 tỷ cho vay BOT nguy cơ thành nợ xấu - Ảnh 1.

Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Lê Minh Hưng

Lãi suất huy động kỳ hạn dài tăng nhẹ, tỷ giá tăng 1,46%

So với đầu năm, lãi suất huy động ở một số kỳ hạn dài tăng nhẹ trong bối cảnh các ngân hàng thương mại (NHTM) tái cơ cấu nguồn vốn để đáp ứng tỷ lệ đảm bảo an toàn trong hoạt động kinh doanh.

Tuy nhiên, lãi suất các kỳ hạn ngắn tương đối ổn định, trong đó lãi suất tiền gửi không kỳ hạn có xu hướng giảm; thanh khoản của hệ thống tổ chức tín dụng (TCTD) tiếp tục được đảm bảo và dư thừa, các NHTM Nhà nước tiếp tục duy trì lãi suất ở mức thấp so với thị trường.

Hiện, mặt bằng lãi suất lãi suất huy động phổ biến ở mức 0,5-1%/năm đối với tiền gửi không kỳ hạn và có kỳ hạn dưới 1 tháng; 4,5%-5,5%/năm đối với tiền gửi có kỳ hạn từ 1 đến dưới 6 tháng; 5,5-6,5%/năm đối với tiền gửi có kỳ hạn từ 6 đến dưới 12 tháng; 6,6-7,3% đối với kỳ hạn trên 12 tháng.

Trong khi đó, một số TCTD bao gồm các NHTM Nhà nước và một số NHTMCP lớn đã tiếp tục giảm lãi suất cho vay đối với các lĩnh vực ưu tiên vào đầu năm và tháng 8/2019. Lãi suất cho vay phổ biến ở mức 6-9%/năm đối với ngắn hạn; 9-11% đối với trung và dài hạn.

Thống đốc Lê Minh Hưng báo cáo Quốc hội về 53.000 tỷ cho vay BOT nguy cơ thành nợ xấu - Ảnh 2.

So với đầu năm, lãi suất huy động ở một số kỳ hạn dài tăng nhẹ

Riêng với các lĩnh vực ưu tiên, một số TCTD sau đợt giảm lãi suất cho vay 0,5%/năm đối với 05 lĩnh vực ưu tiên ngay từ đầu năm 2019; từ đầu tháng 8/2019 đã công bố giảm tiếp 0,5%/năm lãi suất áp dụng đối với các khoản vay ngắn hạn trong một số lĩnh vực ưu tiên, sản xuất kinh doanh, doanh nghiệp khởi nghiệp hoặc áp dụng các chương trình cho vay ưu đãi đối với doanh nghiệp.

Về tỷ giá, theo Thống đốc NHNN Lê Minh Hưng, trong 9 tháng đầu năm 2019, mặc dù có nhiều áp lực từ những diễn biến trên thị trường quốc tế (diễn biến đồng CNY giảm giá mạnh, căng thẳng thương mại Mỹ - Trung, dự kiến về lộ trình chính sách của Fed,…), thị trường ngoại tệ vẫn duy trì hoạt động ổn định; tỷ giá trong nước tương đối ổn định, diễn biến linh hoạt phù hợp với sự thay đổi của điều kiện thị trường trong nước, quốc tế và mục tiêu điều hành chính sách tiền tệ; thanh khoản thị trường vẫn đảm bảo, các giao dịch ngoại tệ diễn ra thông suốt, các nhu cầu ngoại tệ hợp pháp được đáp ứng đầy đủ, kịp thời; NHNN mua được lượng lớn ngoại tệ, bổ sung dự trữ ngoại hối.

53.000 tỷ đồng tại các dự án BOT, BT giao thông có nguy cơ phát sinh nợ xấu.

Trong báo cáo gửi tới đại biểu Quốc hội, Thống đốc Lê Minh Hưng cũng cho biết, đến ngày 30/9/2019, tín dụng tăng 9,4% so với cuối năm 2018. Tổng phương tiện thanh toán tăng 8,86% so với cuối năm 2018 (cùng kỳ tăng 8,81%).

Như vậy, so với con số công bố tính đến ngày 20/9/2019, tín dụng đã tăng từ mức 8,4% lên 9,4%, tương đương với mức tăng 1% chỉ trong vòng 10 ngày.

Theo đó, trên cơ sở mức tăng trưởng 13,89% của tín dụng cuối năm 2018, mục tiêu tăng trưởng kinh tế và lạm phát năm 2019, NHNN định hướng chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng năm 2019 là 14%, có điều chỉnh linh hoạt phù hợp diễn biến, tình hình thực tế nhằm kiểm soát lạm phát, duy trì ổn định kinh tế vĩ mô, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế hợp lý.

Đến ngày 30/9/2019, tín dụng tăng 9,4% so với cuối năm 2018. Cơ cấu tín dụng tiếp tục có sự điều chỉnh tích cực, trong đó tín dụng tập trung vào lĩnh vực sản xuất kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên. Tín dụng đối với lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro được kiểm soát chặt chẽ. Tín dụng ngoại tệ được kiểm soát phù hợp với lộ trình hạn chế đô la hóa trong nền kinh tế.

Cụ thể, đến tháng 8/2019, tín dụng đối với ngành công nghiệp tăng 6,76% so với cuối năm 2018, chiếm tỷ trọng 19,61%, trong đó ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 6,4%, chiếm 14,98%; tín dụng đối với ngành xây dựng tăng 7,61%, chiếm 9,66%. Tín dụng đối với ngành dịch vụ tăng 9,27%, chiếm 61,8%.

Cũng tính đến tháng 8/2019, dư nợ tín dụng đối với lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn tăng khoảng 6% so với cuối năm 2018, chiếm khoảng 24,26% tổng dư nợ đối với nền kinh tế; doanh nghiệp nhỏ và vừa tăng 11,42%, chiếm 18,67%; lĩnh vực xuất khẩu tăng 13,21%, chiếm 3,16%; lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ tăng 1,85%, chiếm 2,91%; doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao tăng 22,04%, chiếm 0,41%.

Tín dụng đối với lĩnh vực bất động sản (bao gồm cả mục đích kinh doanh và mục đích tự sử dụng) tăng 14,58% so với cuối năm 2018, chiếm 19,14% tổng dư nợ nền kinh tế; lĩnh vực đầu tư, kinh doanh chứng khoán tăng 8,7%, chiếm 0,4%; tín dụng phục vụ nhu cầu đời sống tăng 13,92%, chiếm 20,69%.

Đáng chú ý, ước đến tháng 9/2019, tín dụng các dự án BOT, BT giao thông tăng 1,85%, chiếm 1,4%.

Thống đốc Lê Minh Hưng báo cáo Quốc hội về 53.000 tỷ cho vay BOT nguy cơ thành nợ xấu - Ảnh 3.

53.000 tỷ đồng dư nợ tại dự án BOT, BT giao thông có nguy cơ phải cơ cấu nợ, phát sinh nợ xấu.

Cũng tại báo cáo này, Thống đốc Lê Minh Hưng bày tỏ lo ngại khi có nhiều dự án BOT, BT giao thông đã hoàn thành, đi vào khai thác có doanh thu không đạt như phương án tài chính ban đầu, với dư nợ khoảng 53.000 tỷ đồng có nguy cơ phải cơ cấu nợ, phát sinh nợ xấu cho các NHTM.

Người đứng đầu ngành ngân hàng đề xuất Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ tiếp tục chỉ đạo các Bộ ngành liên quan phối hợp chặt chẽ và tham gia hỗ trợ tích cực với ngành Ngân hàng. Thứ nhất, hoàn thiện cơ chế, chính sách để huy động nguồn lực phát triển hạ tầng giao thông. Hai là, tiếp tục thực hiện các giải pháp nhằm huy động các nguồn vốn có tính chất dài hạn phù hợp với nhu cầu vốn dài hạn của các dự án. Và tập trung xử lý các vướng mắc liên quan đến thu phí và triển khai thu phí tự động không dừng.

Gần 2.000 tỷ đồng dư nợ bị thiệt hại do ảnh hưởng của dịch tả lợn Châu Phi

Cũng trong 9 tháng đầu năm, Ngành ngân hàng đã hoàn thiện chính sách tín dụng nông nghiệp, nông thôn, chú trọng cho vay đối với lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao.

Theo đó, NHNN đã ban hành Quyết định 813/QĐ-NHNN ngày 24/4/2017 chỉ đạo các NHTM triển khai chương trình cho vay khuyến khích nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp sạch với lãi suất cho vay thấp hơn từ 0.5%-1.5% so với lãi suất cho vay thông thường của ngân hàng. Đến nay, doanh số cho vay lũy kế theo chương trình đạt hơn 52.000 tỷ đồng, dư nợ đạt khoảng 38.000 tỷ đồng với hơn 17.000 khách hàng còn dư nợ.

Ngoài ra, để đẩy mạnh cho vay lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao, NHNN đã trình Chính phủ ban hành Nghị định 116/2018/NĐ-CP ngày 07/9/18 trong đó bổ sung thêm đối tượng được vay vốn, cho phép mở rộng cho vay không có TSBĐ tối đa lên đến 70% giá trị dự án, phương án sản xuất NNCNC đối với các doanh nghiệp có dự án sản xuất nông nghiệp CNC nhưng không thuộc khu, vùng nông nghiệp công nghệ cao, chưa được cấp giấy chứng nhận doanh nghiệp nông nghiệp công nghệ cao,.... 

Thống đốc Lê Minh Hưng báo cáo Quốc hội về 53.000 tỷ cho vay BOT nguy cơ thành nợ xấu - Ảnh 4.

Đẩy mạnh cho vay lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao

NHNN cũng đã chỉ đạo các TCTD đáp ứng kịp thời nhu cầu vốn, thực hiện các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp trong ngành lúa gạo, ngành chăn nuôi lợn và tháo gỡ khó khăn cho người trồng tiêu.

Đến cuối tháng 8/2019, dư nợ cho vay ngành chăn nuôi lợn đạt khoảng 57.575 tỷ đồng (chăn nuôi lợn 38.840 tỷ đồng, thức ăn chăn nuôi 16.670 tỷ đồng, thuốc thú y 1.065 tỷ đồng). Dư nợ bị thiệt hại do ảnh hưởng của dịch tả lợn Châu Phi khoảng 1.979 tỷ đồng.

Các TCTD đã hỗ trợ người chăn nuôi lợn bị thiệt hại tại các tỉnh/thành phố đang có dịch số tiền 816 tỷ đồng thông qua các biện pháp: cơ cấu lại thời hạn trả nợ 424 tỷ đồng; miễn, giảm lãi vay 143 tỷ đồng; cho vay mới phục hồi sản xuất kinh doanh 226 tỷ đồng, biện pháp khác (ưu tiên thu gốc trước, lãi sau…) 23 tỷ đồng.

Dư nợ tín dụng đối với ngành hồ tiêu là 17.967 tỷ đồng (Dư nợ trồng, chăm sóc hồ tiêu chiếm 77%, dư nợ thu mua, chế biến, tiêu thụ hồ tiêu chiếm 23%), giảm 12,5% so với đầu năm (Dư nợ ngành tiêu đến cuối năm 2017 là 17.019 tỷ đồng, cuối năm 2018 là 20.540 tỷ đồng, tăng 20,6% so với cuối năm 2017), trong đó dư nợ tập trung tại Tây Nguyên là 12.083 tỷ đồng chiếm 67,2% tổng dư nợ ngành hồ tiêu trên toàn quốc.

Dư nợ thiệt hại do hồ tiêu chết tại khu vực Tây Nguyên là 2.740 tỷ đồng chiếm 22,6% tổng dư nợ cho vay hồ tiêu tại khu vực Tây Nguyên.

Thực hiện chỉ đạo của NHNN, đến nay, các TCTD đã xem xét, áp dụng các biện pháp hỗ trợ khách hàng vay vốn trồng tiêu tại khu vực Tây Nguyên là 1.679 tỷ đồng thông qua các biện pháp như: cơ cấu lại nợ 398,5 tỷ đồng, điều chỉnh giảm lãi suất 248,5 tỷ đồng, cho vay mới khôi phục sản xuất kinh doanh 1.032 tỷ đồng; khoanh nợ khoản vay tại NHCSXH đạt 122 triệu đồng.

Theo Dân Việt
Cùng chuyên mục