Thỏa thuận Mỹ Trung giai đoạn 1 tiến triển, vì sao các chuyên gia không lạc quan?

29/10/2019 07:56 GMT+7
Các nhà phân tích hôm 27/10 nhận định thoả thuận Mỹ Trung cần tiến đến một thỏa thuận thương mại toàn diện để thúc đẩy tâm lý thị trường ổn định trở lại, tạo động lực cho tăng trưởng kinh tế.

“Tôi nghĩ rằng một tác động tích cực đủ để giúp kích thích tâm lý thị trường lúc này hẳn phải là một thỏa thuận Mỹ Trung toàn diện tạo động lực cho tăng trưởng kinh tế toàn cầu. Thỏa thuận này không chỉ bao gồm việc đình chỉ hoàn toàn các trừng phạt thuế quan, mà còn mở ra một con đường rộng mở, tránh lặp lại những khúc quanh mà hai bên đã từng tiến tới trước đó” - trích lời ông Ray Attrill, chiến lược gia trưởng Ngân hàng Nhà nước Australia.

Hôm 25/10, Văn phòng Đại diện Thương mại Mỹ cho hay hai nền kinh tế lớn nhất thế giới đã đạt được những tiến bộ đáng kể trong các cuộc thảo luận thương mại. Đại diện Văn phòng thương mại Mỹ Robert Lighthizer và Bộ trưởng Tài chính Steven Mnuchin đã có cuộc điện đàm với Phó Thủ tướng Trung Quốc Lưu Hạc, trong đó đề cập đến các vấn đề thương mại cụ thể với nỗ lực đi đến thỏa thuận Mỹ Trung cuối cùng. 

“Các cuộc thảo luận thương mại sẽ tiếp tục diễn ra ở cấp Thứ trưởng, các Bộ trưởng cũng sẽ nối lại điện đàm trong tương lai gần” - thông cáo từ Văn phòng Đại diện thương mại Mỹ cho hay. Ngay sau tin tức này, chứng khoán phố Wall đã tăng mạnh trong ngày.

Từ phía Chính phủ Mỹ, chính quyền Donald Trump từ lâu đã tỏ ra lạc quan với triển vọng ký kết thỏa thuận thương mại với Trung Quốc. Ông Trump cho rằng Bắc Kinh đang mong chờ một thỏa thuận hơn bao giờ hết, trong bối cảnh kinh tế nước này lao đao và liên tục giảm tốc. Tăng trưởng GDP Trung Quốc trong quý III đã rớt xuống mức thấp nhất trong hơn 27 năm qua. Trong lần đàm phán thương mại gần đây nhất, vị Tổng thống Mỹ khẳng định Trung Quốc đồng ý giải quyết các mối quan ngại lâu nay của Mỹ về hành vi trộm cắp tài sản trí tuệ, chuyển giao công nghệ bắt buộc, dịch vụ tài chính… Đồng thời, Bắc Kinh đồng ý nhập khẩu 40-50 tỷ tấn USD nông sản Mỹ để đổi lại việc Mỹ đình chỉ mức tăng thuế với 250 tỷ USD hàng hóa.

Tuy nhiên, từ góc độ các nhà phân tích, tình hình thương mại toàn cầu lại không được lạc quan như thế. Chuyên gia kinh tế Attrill từ NAB nhận định thỏa thuận Mỹ Trung gần như một lời cam kết rằng hai bên sẽ không tiếp tục trừng phạt thuế quan nhưng không có nghĩa là họ nhượng bộ đối phương và đi lùi thêm bước nữa.

“Ở một góc độ nào đó, thỏa thuận liên quan đến việc đẩy lùi hàng rào thuế quan, nhưng tôi không nghĩ nó mang bất kỳ ý nghĩa tích cực nào liên quan đến việc làm ổn định bức tranh thương mại quốc tế và tăng trưởng toàn cầu”. 

Trong báo cáo triển vọng kinh tế thế giới mới đây, Quỹ Tiền tệ Quốc tế IMF đã ước tính rằng tranh chấp thương mại sẽ khiến tăng trưởng GDP toàn cầu giảm còn 3%, từ mức 3,2% trong dự báo hồi tháng 7.

Các nhà phân tích thậm chí không đặt nhiều kỳ vọng ở Chính quyền Donald Trump và Tập Cận Bình đạt được những đồng thuận mới về các vấn đề thương mại trong khoảng từ nay đến cuối năm 2019. 

:Nếu hai bên đạt thêm các thỏa thuận mới từ nay đến cuối năm, điều này sẽ là bất ngờ lớn với thị trường” - trích lời Ken Wong, chuyên gia danh mục đầu tư từ Eastspring Investments.

Thùy Dung
Cùng chuyên mục