Thiếu chuỗi giá trị, trái cây Việt Nam khó xuất khẩu

25/09/2019 11:05 GMT+7
Với lợi thế địa hình và khí hậu, Việt Nam là nước đứng thứ 3 trong 5 nhà xuất khẩu rau quả trong khu vực ASEAN. Tuy nhiên nhiều thế mạnh chưa được tận dụng nên trái cây nhiệt đới xuất khẩu chưa thể phát huy được hết tiềm năng.

Việt Nam hiện là quốc gia có diện tích và sản lượng cây ăn quả nhiệt đới khá lớn ở khu vực châu Á với sự đa dạng về chủng loại. Với những thế mạnh vốn có, trái cây Việt đã chinh phục nhiều quốc gia lớn trên thế giới như Mỹ, Trung Quốc, Thái Lan,… Đặc biệt, tính đến năm 2019, đã có đến 6 loại trái cây chính thức được phép xuất khẩu vào Mỹ - thị trường khó tính bậc nhất trên thế giới. Bao gồm: thanh long (2008), chôm chôm (2011), nhãn, vải (2014) và vú sữa (2017) và xoài (2019).

Thiếu chuỗi giá trị, trái cây nhiệt đới Việt Nam còn khó xuất khẩu - Ảnh 1.

Nhiều trái cây VIệt Nam đã bước vào thị trường khó tính

Những rào cản khiến trái cây nhiệt đới Việt Nam chậm cất cánh

Tuy nhiên, kỹ thuật canh tác tiên tiến còn chậm được ứng dụng, thiếu liên kết bền vững theo chuỗi giá trị, khó giám sát chất lượng là những rào cản lớn nhất khiến thị trường 14 loại rau quả nhiệt đới với quy mô trên 10.000 ha/chủng loại không gia tăng được giá trị bằng sản phẩm chế biến mà chỉ phục vụ thị trường chủ yếu dưới dạng trái cây tươi, khó xuất khẩu. Và cũng bởi chủ yếu xuất khẩu trái cây tươi nên việc vận chuyển, bảo quản khi đi đường xa cũng gặp rất nhiều rào cản.

Theo các nhà khoa học, nhà quản lý, việc xử lý dịch bệnh từ nước nhiệt đới khiến rau quả của Việt Nam rất khó kiểm soát chất lượng. Đặc biệt, khi nông dân chưa sản xuất theo chuỗi giá trị, sản phẩm trái cây chưa thể truy nguyên nguồn gốc xuất xứ, vệ sinh an toàn thực phẩm nên dù cung không đủ cầu nhưng rau quả Việt vẫn gặp khó trong xuất khẩu.

Cũng theo các chuyên gia, Việt Nam cần có chính sách để khuyến khích các doanh nghiệp tham gia chuỗi giá trị bằng cách xây dựng nhà máy chế biến sâu bên cạnh việc xây dựng vùng nguyên liệu an toàn. Đồng thời, ngành Nông nghiệp cần đẩy nhanh việc áp dụng khoa học công nghệ vào sản xuất, chế biến, góp phần nâng cao thị phần xuất khẩu trái cây nhiệt đới Việt vào vị trí các nước xuất khẩu rau củ hàng đầu khu vực.

Thiếu chuỗi giá trị, trái cây nhiệt đới Việt Nam còn khó xuất khẩu - Ảnh 2.

Ngành Nông nghiệp cần đẩy nhanh việc áp dụng khoa học công nghệ vào sản xuất, chế biến trái cây để nâng cao giá trị

Ngoài những khó khăn trong công tác bảo quản, các nhà xuất khẩu trái cây của Việt nam còn phải đối mặt với sự cạnh tranh khốc liệt với các loại trái cây đến từ Thái Lan và Trung Quốc. Hiện nay, mặc dù sản phẩm trái cây của Việt Nam rất lớn song nước ta lại nhập khẩu một lượng tương đối lớn trái cây của Thái Lan để tiêu thụ tại thị trường nội địa. Nhiều người dân có thu nhập cao lại ưa dùng những sản phẩm trái cây của Thái Lan hơn do chất lượng tốt hơn và đảm bảo hơn của Việt Nam. Thêm vào đó, các sản phẩm trái cây của Trung Quốc mặc dù chất lượng không cao nhưng giá thành lại rất rẻ, do đó các sản phẩm này được đối tượng người tiêu dùng có thu nhập thấp ưa dùng.

Các chính sách hỗ trợ cấp bách

Để trái cây Việt Nam có thể phát triển ra thị trường lớn trên thế giới, Chính phủ cần phải có những sự trợ giúp thiết thực để hình thành nên các hợp tác xã tổ chức chuyên canh và áp dụng các kỹ thuật trồng trọt hiện đại, các công ty thu mua làm đầu mối giao nhận trái cây, giúp các nhà vườn có thể phát triển xuất khẩu sản phẩm.

Với sự hỗ trợ thiết thực của nhà nước và các tổ chức quốc tế, cùng với sự đầu tư hợp lý vào canh tác, phát triển sản phẩm, kim ngạch xuất khẩu trái cây tươi Việt Nam sang EU nói riêng và thị trường thế giới nói chung sẽ tăng trong các năm tới, đưa Việt Nam trở thành trung tâm xuất khẩu trái cây của khu vực châu Á.

Mai Trang
Cùng chuyên mục