Thiệt hại nặng nề do dịch, dân có đủ thịt lợn ăn Tết năm nay?

06/11/2019 17:40 GMT+7
Sáng 6/11, phiên chất vấn đối với Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường đã kết thúc với 27 câu hỏi đã có lời giải đáp. Một trong những vấn đề được nhiều đại biểu Quốc hội quan tâm là diễn biến và giải pháp khắc phục dịch tả lợn châu Phi.

Tập trung tăng đàn để hạ giá thành

ĐBQH Nguyễn Anh Trí (Đoàn Hà Nội) đã bày tỏ lo lắng về việc, sau dịch tả lợn châu Phi, người dân sẽ không đủ thịt lợn để sử dụng vào dịp Tết Nguyên Đán 2020 sắp cận kề. Ông đặt câu hỏi cho Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường có giải pháp gì để tái tạo đàn lợn nhằm đảm bảo nhu cầu sử dụng thực phẩm của người dân?

Thiệt hại nặng nề do dịch, dân có đủ thịt lợn ăn Tết năm nay? - Ảnh 1.

Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường trả lời chất vấn trong sáng nay.

Giải đáp, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cho hay, từ khi dịch xuất hiện ở Việt Nam, Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn đã họp và chỉ đạo tập trung xử lý, xác định rõ ba nguyên tắc. Trước hết là bảo đảm an toàn dịch bệnh, không để bung ra dịch bệnh. Hai là phải tổ chức có sự xâu chuỗi, doanh nghiệp làm cùng người dân. Ba là phải có thị trường chứ không thể bán tràn lan.

Nhờ các giải pháp đó, trong 9 tháng qua, gia cầm tăng 12% sản lượng với khoảng 1 triệu tấn với 13 tỷ quả trứng, thủy sản tăng 6,5%, gia súc tăng chậm hơn, ở mức 4%. "Nếu khả năng dự báo thiếu thực phẩm thì sẽ tập trung bồi dưỡng tăng số lượng nhanh, bằng sự gia tăng đó sẽ cân đối, đảm bảo để không thiếu thực phẩm, không để xảy ra khủng hoảng như Trung Quốc" - ông Cường tính toán.

Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cho biết: Cách đây 3 tuần, đoàn công tác của Bộ NNPTNT đã đi Khoái Châu- Hưng Yên. Địa phương này có nhiều hộ chăn nuôi tới 3.000 - 4.000 con lợn, chuồng trại được giữ gìn vệ sinh rất sạch, bảo đảm an toàn sinh học nên không bị ảnh hưởng gì. Thậm chí, có nông dân còn dùng cả tia cực tím để tiêu độc khử trùng nên nhiều gia đình không những không thiệt hại mà còn làm giàu từ chăn nuôi lợn.

Thừa nhận thói quen ăn thịt lợn của người Việt không phải một sớm một chiều thay đổi được nên Bộ vẫn có giải pháp. Ông Cường thông tin: Vừa qua, Bộ Nông nghiệp đã làm việc với 13 doanh nghiệp đầu ngành, họ cam kết phát triển tối đa nhưng phải đảm bảo an toàn.

"Đoàn lợn nái hiện nay 109.000 đàn giống hạt nhân, chúng tôi sẽ tập trung tăng đàn để có thể hạ giá thành, đáp ứng yêu cầu từ nay đến cuối năm" - Bộ trưởng cam kết bằng mọi giải pháp không để xảy ra khủng hoảng.

Về vấn đề giá thịt lợn cao, Bộ trưởng cho biết trước đây giá 40-45 nghìn đồng/kg nhưng nay tăng lên 60-65 nghìn đồng/kg. Ông mong người dân thông cảm vì giá thành sản xuất cao hơn và nhấn mạnh quan điểm làm sao để người tiêu dùng và người sản xuất cùng chấp nhận được và đặc biệt, chú ý cân đối để không tái đàn một cách vô nguyên tắc để rồi phải chịu rủi ro.

Tết năm nay có lo đủ thịt lợn cho dân?

Trả lời lo lắng của đại biểu về nguồn cung thịt lợn cho cuối năm nay, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cho biết, vấn đề này đã được bộ NN&PTNT tính đến ngay từ lúc dịch tả lợn châu Phi vào Việt Nam.

Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cho biết, các giải pháp phát triển nguồn thực phẩm thay thế, song song với các biện pháp ngăn ngừa dịch tả lợn châu Phi phải tập trung vào 3 nguyên tắc chính đó là: Đảm bảo an toàn dịch bệnh, Tổ chức sản xuất chuỗi và phải có thị trường tiêu thụ, không sản xuất ồ ạt.

Thiệt hại nặng nề do dịch, dân có đủ thịt lợn ăn Tết năm nay? - Ảnh 3.

ĐBQH Nguyễn Anh Trí bày to lo ngại về nguồn cung thịt lợn dịp Tết năm nay. Ảnh: Ngọc Thắng.

Sau 9 tháng, gia cầm tăng 12% sản lượng (trước là 1 triệu tấn), thủy sản tăng 6,5%, đại gia súc tăng 4%. Từ đó, "chúng ta đảm bảo cân đối, không bị khủng hoảng thiếu thực phẩm như Trung Quốc", Bộ trưởng nhấn mạnh.

Tuy vậy, về giá thịt lợn hiện nay tăng từ 40 – 45 ngàn đồng/kg lên 60 – 65 ngàn đồng/kg thịt lợn thì người dân phải tạm thời chấp nhận.

"Bởi, trong tình cảnh hiện nay thì chi phí sản xuất có cao hơn trước. Để đảm bảo đàn lợn sạch thì người sản xuất phải sử dụng các biện pháp bảo vệ môi trường. Chỉ doanh nghiệp hay hộ nào đảm bảo điều kiện an toàn sinh học mới được tái đàn chứ không tái đàn vô lối, vô nguyên tắc " – Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường lý giải.


An Vũ (t/h)
Cùng chuyên mục