dd/mm/yyyy

Thành phố Hòa Bình phát triển nông nghiệp tạo đà xây dựng nông thôn mới

Những năm qua, bên cạnh việc thúc đẩy phát triển công nghiệp, dịch vụ, TP.Hòa Bình (Hòa Bình) luôn chú trọng đầu tư phát triển nông nghiệp, coi đây là động lực để thực hiện thành công chương trình xây dựng nông thôn mới (NTM).

Phát huy tiềm năng

Yên Mông là xã vùng hạ lưu đập thủy điện Hòa Bình, có tổng diện tích tự nhiên 2.450ha, trong đó, đất nông nghiệp trên 500ha; gần 60% hộ thu nhập chủ yếu từ nông - lâm nghiệp. Từ năm 2011 đến nay, xã nỗ lực khai thác tiềm năng để phát triển kinh tế.

Mô hình trồng rau an toàn của hộ chị Nguyễn Thị Quyên ở xóm Trung (xã Trung Minh, TP. Hòa Bình) cho thu nhập gần 300 triệu đồng /năm. NT
Mô hình trồng rau an toàn của hộ chị Nguyễn Thị Quyên ở xóm Trung (xã Trung Minh, TP. Hòa Bình) cho thu nhập gần 300 triệu đồng /năm. NT

Ông Nguyễn Sỹ Linh - Bí thư Đảng ủy xã cho biết: Nhiều mô hình sản xuất được thực hiện đã mang lại hiệu quả kinh tế cao như: chăn nuôi lợn, trồng rau tập trung; hỗ trợ hộ nghèo, hộ cận nghèo nuôi bò... Cùng với đó, người dân tích cực cải tạo vườn tạp, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi; xã huyển đổi một phần diện tích sang trồng cây có múi, chuối tiêu hồng... Kinh tế phát triển góp phần giúp xã Yên Mông về đích NTM vào năm 2015. Hiện, thu nhập bình quân của xã đạt 42 triệu đồng/năm; hộ nghèo giảm còn 2,14%.

Nằm trên vùng hồ Hoà Bình, xã Thái Thịnh có diện mặt nước trên 400ha, thuận lợi cho phát triển nghề nuôi và đánh bắt thuỷ sản. Để khai thác hiệu quả tiềm năng này, xã đã tích cực phối hợp với các cơ quan chuyên môn thực hiện nhiều dự án về phát triển chăn nuôi cá lồng. Hiện, toàn xã có trên 1.000 lồng cá, nhiều hộ gia đình có kinh tế khá từ nuôi cá lồng.

Thành phố Hoà Bình có 7 xã thực hiện chương trình xây dựng NTM, đến nay đã có 5/7 xã được công nhận đạt chuẩn, gồm: Yên Mông, Dân Chủ, Sủ Ngòi, Hòa Bình và Thống Nhất. Năm 2018, thành phố phấn đấu có thêm xã Trung Minh và Thái Thịnh về đích, hoàn thành chương trình NTM theo đúng lộ trình. Hiện, thu nhập bình quân trên địa bàn đạt 31 triệu đồng/người/năm, tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 3,29%...

Bên cạnh nuôi theo hình thức bán thâm canh tại các hộ gia đình, gần đây một số tổ chức, doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh như: Công ty TNHH Cường Thịnh (xã Thái Thịnh), HTX Thống Nhất, Công ty TNHH Hải Đăng… đầu tư xây dựng hệ thống lồng bè nuôi quy mô công nghiệp, năng suất đạt từ 3-5 tấn/lồng.

Đẩy mạnh liên kết

Chủ trương phát triển nông nghiệp của TP.Hòa Bình là kết hợp thực hiện các cơ chế, chính sách khuyến khích sản xuất theo hướng hàng hóa, gắn với ứng dụng tiến bộ kỹ thuật. Riêng trong quý I/2018, UBND thành phố đã hỗ trợ trên 1,5 tỷ đồng cho các xã thực hiện 3 mô hình sản xuất; tổ chức 7 lớp dạy nghề cho trên 160 lượt học viên; 34 lớp tập huấn...

Tuy nhiên, một số địa phương vẫn còn chậm chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi; sản xuất còn manh mún, nhỏ lẻ; thiếu sự liên kết trong sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm...

Để khắc phục những tồn tại trên, trong thời gian tới, thành phố sẽ tăng cường hỗ trợ, khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp; chú trọng thực hiện liên kết sản xuất và tiêu thụ nông sản cho người dân.

Ông Nguyễn Thanh Huy, Chủ tịch UBND TP.Hòa Bình cho biết: “Một trong những nhiệm vụ quan trọng là chỉ đạo chuyển đổi mạnh cơ cấu cây trồng gắn với quy hoạch sản xuất nông nghiệp. Tiếp tục củng cố và phát triển các hình thức tổ chức sản xuất phù hợp với điều kiện địa phương; mở rộng phương thức liên kết, liên doanh giữa doanh nghiệp với HTX hoặc tổ hợp tác, hộ nông dân; tổ chức lập và thực hiện các dự án phát triển sản xuất nông nghiệp theo hướng sản xuất tập trung”.

Ngọc Tùng