Thanh Hóa: Nuôi ba ba gai, rùa câm bò lổm ngổm, có của ăn của để

Vũ Thượng Thứ sáu, ngày 14/02/2020 19:11 PM (GMT+7)
Nuôi đàn ba ba gai, đàn rùa câm trong bể xi măng là nghề giúp tăng thu nhập của không ít hộ nông dân xã Thiệu Hợp, (huyện Thiệu Hóa, tỉnh Thanh Hóa). Nhờ nuôi ba ba gai, rùa câm trong bể xi măng mà nhiều gia đình ở xã Thiệu Hợp có thu nhập cả 100 triệu đồng/năm.
Bình luận 0

Xã Thiệu Hợp là địa phương thuần nông, diện tích đất trồng cấy khiêm tốn. Ngoài cấy lúa, trồng màu thì bộ phận lớn người dân trong độ tuổi lao động đi làm ăn xa. Do đó muốn phát triển kinh tế, người dân xã Thiệu Hợp phải tìm tòi, học hỏi nhiều nghề mới, trong đó nghề nuôi ba ba gai, rùa câm trong bể xi măng đang là hướng đi giúp nhiều hộ dân vươn lên làm giàu.

img

Nuôi ba ba gai trong bể xi măng hướng đi mới thoát nghèo, vươn lên khấm khá của không ít hộ dân xã Thiệu Hợp, huyện Thiệu Hóa, tỉnh Thanh Hóa. Ảnh: Vũ Thượng

Để tìm hiểu hiệu quả từ mô hình nuôi ba ba gai, rùa câm trong bể xi măng tại xã Thiệu Hợp, (huyện Thiệu Hóa, tỉnh Thanh Hóa), phóng viên Báo điện tử DANVIET.VN đã tìm về nhà bà Quản Thị Bình, trú tại thôn Quản Xá. Bà Bình cho biết: "Gia đình tôi đã có 10 năm nuôi ba ba gai, rùa câm trong bể xi măng rộng khoảng 150 m2. Hiện tại, trang trại đang có 25 con ba ba gai sinh sản, mỗi con nặng gần 10 kg và 400 con ba ba gai giống, ba ba gai thịt, rùa câm giống, thương phẩm...Trừ mọi chi phí mỗi năm gia đình cũng có lãi hơn 100 triệu đồng".

img

Theo nhiều hộ dân xã Thiệu Hợp, huyện Thiệu Hóa, tỉnh Thanh Hóa: Nuôi ba ba gai, rùa câm không tốn nhiều công chăm sóc. Ảnh: Vũ Thượng

Theo bà Quản Thị Bình, nuôi ba ba gai, rùa câm không đòi hỏi quá nhiều công chăm sóc. Tuy nhiên, để mang lại hiệu quả kinh tế cao cần phải áp dụng đúng kỹ thuật về ao, bể nuôi, chất lượng nguồn thức ăn cũng như tuân thủ quá trình tuyển chọn giống ba ba, giống rùa câm gắt gao.

img

Cần chọn con giống ba ba gai, giống rùa câm phải đảm bảo chất lượng. Ảnh: Vũ Thượng

"Để nuôi ba ba gai hiệu quả, trước tiên, cần chọn giống ba ba gai đảm bảo chất lượng có ngoại hình mập, da bóng, không bị dị tật hay nhiễm bệnh. Đối với việc chọn lựa những con ba ba bố mẹ cần xem xét đến nhiều yếu tố, đặc biệt là không cùng huyết thống. Khi ba ba gai đến giai đoạn đẻ phải tách riêng con đực và con cái theo tỷ lệ 1 đực và 5 cái hoặc 1 đực và 4 cái.", bà Bình chia sẻ kinh nghiệm nuôi ba ba gai, kỹ thuật nuôi ba ba gai với phóng viên Báo điện tử DANVIET.VN.

img

Theo bà Bình, nuôi rùa câm trong bể xi măng nhằm kiểm soát tốt dịch bệnh, có điều kiện chăm sóc đàn rùa phát triển tốt, mang lại hiệu quả kinh tế cao. Ảnh: Vũ Thượng

Cùng với bà Bình, hộ bà Nguyễn Thị Định (trú tại thôn Quản Xá, xã Thiệu Hợp) cũng đã nuôi ba ba gai nhiều năm nay. Hiện tại gia đình bà Định đang nuôi 300 con ba ba gai thương phẩm, sau 3 năm nuôi ba ba gai có hoạch toán thu khoảng 250 triệu đồng, trừ mọi chi phí năm còn lời hơn 40 triệu đồng.

img

Thức ăn của ba ba gai, rùa câm được người dân xã Thiệu Hợp cấp đông. Ảnh: Vũ Thượng

Bà Nguyễn Thị Định cho phóng viên Báo điện tử DANVIET.VN biết thêm về kinh nghiệm nuôi ba ba gai, kỹ thuật nuôi ba ba gai: "Thức ăn của ba ba gai có thể cấp đông để trữ ăn dần bao gồm các loại cá tạp, ốc...Lượng thức ăn mỗi ngày dao động từ 3-5% trọng lượng của ba ba gai. Thời gian từ tháng 4 đến tháng 11 là lúc ba ba gai sinh trưởng nhanh nên cần chú ý cho ăn đầy đủ. Với thời tiết miền Bắc trong 3 tháng mùa đông, ba ba gai chỉ nằm dưới bùn mà không ăn".

img

Ba ba gai nuôi sau 4 năm là cho sinh sản. Ảnh: Vũ Thượng

"Ba ba gai cái sau 4 năm tuổi đã bắt đầu đẻ, người nuôi phải chuẩn bị chuồng ấp trứng ba ba, nền chuồng được rải cát và đảm bảo nhiệt độ trung bình từ 28-32 độ C để tỷ lệ ấp nở trứng ba ba đạt cao. Ba ba gai mẹ mỗi năm đẻ 3 lứa, mỗi lứa trung bình khoảng 15-20 quả trứng và ấp hơn 60 ngày là nở. Giá bán ba ba gai giống hiện nay từ 150.00-200.000 đồng/con. Đối với ba ba gai thịt thương phẩm sau 3 năm nuôi, bình quân đạt trọng lượng 3-3,5 kg/con, giá bán ba ba gai thịt là 500.000-600.000 đồng/kg”, bà Định thổ lộ.

img

Phải đảm bảo mực nước ổn định trong bể xi măng nuôi ba ba gai. Ảnh: Vũ Thượng

Bà Định lưu ý, về ao, bể nuôi ba ba gai, rùa câm phải được xây dựng đúng chuẩn. Ba ba gai, rùa câm có thể nuôi trong bể xi măng hoặc trong ao, diện tích ao tùy thuộc vào mật độ thả nuôi, nhưng phải đảm bảo mật độ 0,5-2 con/m2, độ sâu mực nước ao từ 1,5-2m, đáy ao cần xây dựng sao cho có độ nghiêng dần về cống thoát nước, góc ao nuôi ba ba phải có lối cho ba ba bò lên khu đất trống để phơi nắng khi cần thiết.

img

Nếu nuôi ba ba gai, rùa câm dưới ao cần thả bèo tây (lục bình). Ảnh: Vũ Thượng.

Đồng thời, theo bà Định, người nuôi phải đảm bảo nước trong ao, bể xi măng nuôi ba ba gai luôn sạch. Vào mùa Đông nên chú ý để bèo nhiều giúp hút chất bẩn trong nước và che ấm cho ba ba. Vào mùa Hè thì vớt bớt bèo đi, tạo thông thoáng cho ba ba gai phát triển.

Trao đổi với phóng viên Báo điện tử DANVIET.VN, ông Quản Trọng Liêm-Phó Chủ tịch UBND xã Thiệu Hợp, huyện Thiệu Hóa (tỉnh Thanh Hóa) cho biết: "Mô hình nuôi ba ba gai, rùa câm có ở địa phương từ năm 2005. Đến nay toàn xã đã có 170 hộ đăng ký nuôi.

So với các loại con đặc sản khác, thì ba ba gai, rùa câm đem lại lợi nhuận hiệu quả kinh tế cao, vốn đầu tư vừa phải, hạn chế dịch bệnh, tận dụng được nguồn lực...Tuy nhiên, hiện nay cái khó của nuôi ba ba gai, rùa câm trên địa bàn xã là nguồn tiêu thụ không ổn định, giá cả bấp bênh, quỹ đất của địa phương không còn để các hộ dân mở rộng mô hình...".

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem