Thanh Hóa: Í ới rủ nhau ra biển bắt "lộc biển", kiếm 1-2 triệu/ngày

Thứ sáu, ngày 20/12/2019 07:05 AM (GMT+7)
5h sáng, tại bờ biển xã Tiên Trang (huyện Quảng Xương, tỉnh Thanh Hóa) rộn rã tiếng máy nổ, tiếng í ới gọi nhau của ngư dân. Họ bắt đầu hành trình đánh giã moi từ lúc bình minh đến khi trời chập choạng tối. Được sự giới thiệu của một người bạn, tôi có hẹn cho một chuyến ra khơi cùng anh Công (ngư dân xã Tiên Trang).
Bình luận 0

2 can dầu, một mẻ lưới giã được đưa sẵn lên bè, chúng tôi bắt đầu hành trình ra khơi. “Hôm nay ra như này là muộn quá, từ sáng đến giờ họ về được mấy mẻ rồi mà mình mới bắt đầu đi. Chú ngồi yên, anh chạy một mạch khoảng 20 phút là ra đến nơi thôi”, anh Công vang giọng trong tiếng máy nổ rì rầm.

img

Thoáng chốc, 20 phút trôi qua, chiếc bè tới nơi, anh Công bắt đầu thả giã “săn” moi. Một khung cảnh hiện ra trước mắt tôi lúc bấy giờ hàng trăm chiếc bè, tiếng máy nổ ròn rã, nhộn nhịp như một ngư trường đánh bắt.

Anh Công chia sẻ: “Mùa moi biển bắt đầu từ tháng 11 đến tận tháng 2 năm sau. Moi biển thường sinh sống gần bờ nên chỉ cần đánh bè mảng ra chừng 1- 2 hải lý là có thể đánh được moi. Tính từ lúc ra khơi đến lúc trở vào đất liền mất khoảng 3 tiếng cho một chuyến, trung bình mỗi ngày, mỗi bè có thể đi được chừng 4- 5 chuyến”.

img

Quăng chiếc túi lưới nhỏ xuống biển, anh Công nói, “để biết được những vùng đánh moi cần phải thả cái túi nhỏ này xuống đáy rồi chạy một đoạn dài, khi kéo chiếc túi lên trong đó có moi thì biết được vùng này có moi, khi đó ta bắt đầu thả giã”.

Theo kinh nghiệm của những ngư dân tại đây, moi biển thường xuất hiện nhiều vào những hôm nồm trời, năm nay, moi biển xuất hiện khá sớm, hơn 1 tháng qua những ngư dân vùng biển Quảng Xương trúng đậm vụ moi. Chưa hết vụ nhưng có những hộ đút túi từ 20 – 30 triệu đồng.

img

Thế nhưng, có đi mới biết được nỗi vất vả mà cái nghề này. Là người đã có thâm niên hàng chục năm đi biển, anh Công tâm sự: “Trông thế nhưng vất vả lắm, trúng mẻ moi đã đành nhưng nghề này phó mặc vào may mắn. Có những hôm đánh bè ra nhưng trở về thì mặt buồn rầu vì đủ thứ, nào là máy hỏng, giã rách, moi chẳng được bao nhiêu. Được mùa thì cười, mất mùa thì khóc, nhưng yêu biển, yêu nghề nên bao đời nay người dân ở đây dù thế nào vẫn phải bám lấy nó”.

img

2 tiếng trôi qua, chiếc bè nhỏ lắc lư lướt nhẹ trên sóng biển, tôi bắt đầu thấm mệt. Đang gật gù trên góc khoang, anh Công hô lớn “trúng rồi, quả này phải 3 tạ”. Gồng sức kéo túi giã lên khoang, một túi giã đầy moi, anh Công cười vang trong sung sướng. Nói rồi anh vội vã đánh vội chiếc bè về đất liền để đổ hàng.

Những năm trở lại đây, moi biển được thu mua tận bờ nên việc tiêu thụ sản phẩm sau mỗi chuyến của người dân nơi đây cũng trở nên thuận lợi hơn nhiều. Những chiếc bè sau khi cấp bến đều được các thương lái thu mua tại chỗ với giá dao động từ 9 – 10 nghìn đồng/1kg.

img

Mỗi ngày, mỗi chiếc bè mảng đem về thu nhập từ 1- 2 triệu đồng. Moi biển sau khi thu mua sẽ được phơi khô hoặc đưa về để muối mắm, đây là một món đặc sản mang thương hiệu mắm moi Thanh Hóa được nhiều người yêu thích.

Theo khảo sát, chỉ tính riêng xã Tiên Trang có gần 100 chiếc bè mảng quanh năm đánh bắt theo mùa. Việc sử dụng bè mảng đánh bắt gần bờ không tốn nhiều kinh phí lại đem lại hiệu quả cao nên nhờ đó đời sống của người dân cũng dần được cải thiện.

Những ngày cuối năm, mỗi vụ trúng moi biển luôn là món quà quý giá mà thiên nhiên ban tặng cho gia đình anh Công và nhiều ngư dân vùng biển xứ Thanh, hứa hẹn một cái Tết ấm no, đầy đủ.

Tuấn Kiệt (Báo Thanh Hóa)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem