“Tái định vị” để khai thác hiệu quả thị trường Trung Quốc

23/12/2019 06:19 GMT+7
Với dân số đông, tiềm lực kinh tế lớn thứ 2 thế giới, Trung Quốc không chỉ là thị trường tiềm năng của Việt Nam mà còn của rất nhiều quốc gia trong khu vực và trên thế giới. Tuy nhiên, để nắm bắt và khai thác hết thị trường tỉ dân này một cách hiệu quả nhất vẫn là một bài toán rất lớn.

Vị trí địa lí thuận lợi, đi kèm với những Hiệp định thương mại tự do như ACFTA, sắp tới là Hiệp định Đối tác Kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) - một Hiệp định thương mại tự do (FTA) thế hệ mới, với mức độ cam kết rộng hơn, sâu hơn và có nhiều lĩnh vực mới hơn – đã càng thúc đẩy tốc độ xuất nhập khẩu, đặc biệt trong lĩnh vực nông nghiệp giữa hai quốc gia Việt Nam – Trung Quốc. Các điều kiện cần đã có, nhưng để khai thác có hiệu quả lại phụ thuộc rất nhiều vào năng lực tổ chức thực hiện của doanh nghiệp, với sự hỗ trợ của Nhà nước, Hiệp hội ngành hàng, đặc biệt là đối với công tác xúc tiến thương mại.

“Tái định vị” để khai thác hiệu quả thị trường Trung Quốc - Ảnh 1.

Một số Hiệp định thương mại giữa VIệt Nam và Trung Quốc

Chúng ta cần nhìn nhận lại rằng, Trung Quốc là một thị trường lớn nhưng không còn "dễ tính". Bởi thế việc tìm hiểu thị hiếu và nhu cầu thị trường là một trong những yếu tố tiên quyết để xuất khẩu sản phẩm.

Đối với các doanh nghiệp, để duy trì thị phần và mở rộng thị trường Trung Quốc, trong thời gian tới, Bộ Công Thương khuyến nghị, trước mắt, đối với công tác sản xuất, cần phải tổ chức được nguồn hàng đáp ứng đúng và đủ nhu cầu, thị hiếu của thị trường Trung Quốc. Hàng hóa có giá cả phù hợp, chất lượng tốt, phù hợp nhu cầu, thị hiếu người dân sở tại, có sản lượng đủ để cung cấp thường xuyên, lâu dài, đảm bảo tiêu chí xuất xứ để được hưởng ưu đãi của FTA.

“Tái định vị” để khai thác hiệu quả thị trường Trung Quốc - Ảnh 2.

Về phía Nhà nước, vai trò của các Bộ ngành và địa phương là đưa ra quy hoạch, định hướng đúng đắn để hỗ trợ các doanh nghiệp yên tâm sản xuất; tiếp tục đầu tư công nghệ, giống cây để nâng cao năng suất, chất lượng trái cây xuất khẩu, hạn chế việc dựa chủ yếu vào điều kiện tự nhiên để làm lợi thế cạnh tranh; tăng cường áp dụng mô hình sản xuất theo tiêu chuẩn VietGap, GlobalGap nhằm đáp ứng đầy đủ các quy định về kiểm nghiệm kiểm dịch ngày càng nghiêm ngặt của phía Trung Quốc.

Đối với công tác tổ chức xuất khẩu, các doanh nghiệp cần chuyển dần sang kinh doanh theo hình thức thương mại chính quy, ký kết hợp đồng mua bán thay vì xuất khẩu theo hình thức "tiểu ngạch" nhằm hạn chế tối đa hiện tượng ép giá và các rủi ro khác trong thanh toán; theo dõi, cập nhật các thay đổi từ phía bạn hàng để có những cải tiến phù hợp.

Việc ùn ứ hàng trăm xe container vào hồi tháng 10 là một lời cảnh tỉnh cho việc xuất khẩu hàng hóa một cách ồ ạt mà không đáp ứng các yêu cầu bên Trung Quốc của các doanh nghiệp Việt Nam. "Trung Quốc ngày càng đưa ra những tiêu chí về chất lượng, quy chuẩn, tiêu chuẩn rất chặt chẽ và khắt khe về an toàn thực phẩm và truy xuất nguồn gốc. Nếu đảm bảo hai yếu tố đó thì mới nhập được hàng vào. Cách đây hơn 1 năm, họ đã cảnh báo về điều này nhưng sự bắt nhịp, chuyển biến của các doanh nghiệp Việt chưa đáp ứng được yêu cầu" - Thứ trưởng Bộ NNPTNT Phùng Đức Tiến chia sẻ.

“Tái định vị” để khai thác hiệu quả thị trường Trung Quốc - Ảnh 3.

Bên cạnh đó, việc đáp ứng các yêu cầu về hình thức cũng đặc biệt quan trọng. Bởi vậy cần chủ động phân loại, lựa chọn chủng loại và tổ chức đóng gói ngay tại nơi sản xuất đáp ứng yêu cầu của đối tác nhập khẩu (về nhãn mác, bao bì…) trước khi đưa lên khu vực biên giới để quá trình giao nhận hàng hóa diễn ra thuận lợi, nhanh chóng; đồng thời nâng cao chất lượng, nghiêm túc thực hiện các quy định về truy xuất nguồn gốc, kê khai vùng trồng, cơ sở đóng gói cũng như các yêu cầu liên quan nhằm đáp ứng quy định, tiêu chuẩn đã thỏa thuận với nước nhập khẩu, giảm thiểu thiệt hại trong quá trình sản xuất, kinh doanh, xuất khẩu.

Trong thời đại số hóa, việc nghiên cứu khả năng hợp tác với một số doanh nghiệp Trung Quốc trong lĩnh vực thương mại điện tử để nhập khẩu, tiêu thụ nông sản, trái cây qua hình thức thương mại điện tử tại thị trường này cũng là một giải pháp hiệu quả, nhất là khi Trung Quốc rất ưa chuộng hình thức mua bán online và thanh toán không sử dụng tiền mặt.
Mai Trang
Cùng chuyên mục