dd/mm/yyyy

Tái đàn lợn: doanh nghiệp "thần tốc", nông hộ dè dặt?

Các doanh nghiệp lớn có tốc độ tăng đàn, tái đàn lợn cao trên 20, nhưng nông hộ lại tỏ ra dè dặt, thậm chí bỏ trống chuồng nuôi. Hệ quả, thịt lợn vẫn thiếu, giá lợn hơi vẫn cao dù nhiều giải pháp đã đưa ra như Tăng nhập khẩu thịt lợn, con giống và mới đây là đề xuất nhập khẩu lợn sống.

Tại hội nghị thúc đẩy chăn nuôi lợn diễn ra đầu tháng 5/2020, ông Lê Đức Thịnh, Cục trưởng Cục Kinh tế Hợp tác và Phát triển nông thôn (Bộ NNPTNT) đưa ra con số khá "thê thảm": Trong lúc các doanh nghiệp gần như tái đàn, tăng đàn cơ bản xong thì HTX, trang trại tái đàn chưa được tới 50%, thậm chí đàn nái có nơi mới phục hồi được 30%.

Doanh nghiệp tăng nhanh, nông hộ dè dặt

Có chồng bị nhiễm chất độc màu da cam, bà Trần Thị Lương, 66 tuổi ở thôn Phù Lang, xã Phù Lương (Quế Võ, Bắc Ninh) vẫn cố gắng xoay xở vay mượn, đầu tư xây dựng chuồng trại để nuôi gần 150 con lợn thịt.

Với đàn lợn này, bà ngày ngày chăm sóc và hy vọng sẽ làm ăn khấm khá để "lên đời" căn nhà cấp 4 lên thành nhà tầng cho bằng hàng xóm láng giềng.

Tái đàn lợn: doanh nghiệp "thần tốc", nông hộ dè dặt? - Ảnh 1.

Khu chuồng nuôi gần 150 con lợn của gia đình bà Trần Thị Lương, 66 tuổi ở thôn Phù Lang, xã Phù Lương (Quế Võ, Bắc Ninh) bỏ hoang từ tháng 4/2019 đến nay do thiếu vốn để tái đàn lợn. Ảnh: Nguyễn Chương

Tháng 4/2019, 100 con lợn thịt nặng tầm 1-1,1 tạ chuẩn bị xuất chuồng thì bỗng dưng có vài con ốm chết. Bà tức tốc báo cáo với xã. Thế rồi, lực lượng chức năng đến đem cả đàn lợn lớn, nhỏ gần 150 con đi tiêu hủy. Sau này, gia đình bà nhận được hỗ trợ với mức giá 27.000 đồng/kg.

"Gia đình chăn nuôi đảm bảo an toàn sinh học, quây lưới, màn xung quanh chuồng nuôi để ngăn muỗi, côn trùng xâm nhập vào. Trong bất xuất, ngoại bất nhập, đi đến đâu có phun thuốc khử trùng, rồi đi ủng qua vôi hẳn hoi mà không biết thế nào vẫn bị. Thật sự tiếc, cô chú phát ốm vì… lợn" – bà Lương cho biết.

Trường hợp như nhà bà Lương ở thôn Phù Lang khá phổ biến. Hiện nay, đa phần các hộ dân đều dè dặt tái đàn vì giá con giống cao (trên dưới 3 triệu đồng/con) và thiếu vốn. Tại thôn, có những hộ vào đàn vài ba con, nhưng do giống kém chất lượng nên nuôi không hiệu quả, thậm chí có con giống mua về nuôi 5-6 hôm thì bị chết.

Tái đàn lợn: doanh nghiệp "thần tốc", nông hộ dè dặt? - Ảnh 2.

Gia đình ông Đào Viết Xuê, Giám đốc HTX sản xuất VAC Tiến Thịnh (Phù Lương, Quế Võ, Bắc Ninh) là hộ giữ, duy trì và tái đàn lợn thành công sau dịch tả lợn châu Phi.

Ở thôn Phù Lương, người duy nhất giữ, duy trì và tái đàn lợn thành công là ông Đào Viết Xuê, Giám đốc HTX sản xuất VAC Tiến Thịnh. 20 năm trong nghề nuôi lợn, chưa bao giờ ông lại thấy khốn khó như lúc trại lợn cả nghìn con bị "dính" dịch tả lợn châu Phi. Trang trại lợn của gia đình ông gần như là hộ cuối cùng bị dịch tả lợn châu Phi dù đã tìm đủ cách chống đỡ.

May mắn là khi trang trại bị dịch thì đã có sự thay đổi trong cách thức phòng trừ dịch tả lợn châu Phi. Thay vì phải tiêu hủy cả đàn lợn, chỉ những con lợn bị bệnh ông mới tiêu hủy, nhờ đó ông đã giữ được đàn nái và có cơ hội tái đàn khi dịch bệnh lắng xuống.

Theo ông Xuê, năm 2017, giá lợn hơi giảm sâu. Năm 2018 phục hồi được một thời gian, đến 2019 lại bị dịch tả lợn châu Phi. Gia đình ông thiệt hại 100 tấn vừa lợn nái, lợn thịt và lợn con, tương đương 2/3 tổng đàn; còn giữ lại được 1/3.

"Qua quá trình giữ lại, gia đình đã tái đàn thêm được 20 lợn nái, bắt đầu sinh sản. Đến thời điểm này, gia đình có 70 nái sinh sản và 800 lợn thương phẩm".

Theo đánh giá của Bộ NN&PTNT, chỉ tính 15 doanh nghiệp chăn nuôi lợn quy mô lớn và các điểm liên kết vệ tinh nuôi giữ khoảng 35% đàn lợn thương phẩm và tốc độ tái đàn lợn khu vực này đang rất nhanh, đạt trên 20%. Các doanh nghiệp này sản xuất con giống gần 100% đàn giống cụ kỵ, ông bà; 35-40% đàn giống bố mẹ; 50% đàn lợn thương phẩm và 50-55% sản lượng thức ăn công nghiệp của cả nước.

Trong khi đó, các nông hộ, trang trại, các HTX đang chiếm tới 65% tổng đàn lợn, nhưng bị ảnh hưởng nặng nề từ dịch tả lợn châu Phi và đang rất khó vực dậy do khó khăn về vốn, giá giống lợn tăng cao.

Sơn La: Một nông dân thu gần 5 tỷ đồng chỉ riêng xuất bán 1 lứa lợn

Vì dân, nên gỡ khó điều gì?

Mặc dù đã đẩy mạnh các giải pháp để tăng nguồn cung như: Nhập khẩu trên 67.270 tấn thịt lợn, tăng 250% so với cùng kỳ năm 2019 (kế hoạch nhập 100.000 tấn), nhập khẩu 3.708 con lợn giống, tăng 49% so với tổng số lợn giống nhập khẩu năm 2019. Đặc biệt, mới đây, Bộ NN&PTNT đã có đề xuất nhập khẩu lợn sống về nuôi cách ly trong vòng 30 ngày, rồi đem ra giết mổ.

Những giải pháp trên dù đưa ra đầy đủ và vận dụng hết các cách thức, nhưng cần phải có độ trễ để lượng lợn giống, lợn thịt nhập về phát huy tác dụng, cũng như người tiêu dùng thay đổi hành vi tiêu dùng sang sử dụng thịt đông lạnh.

Và dường như điều mấu chốt nhất để giải quyết căn cơ bài toán cung – cầu và ổn định giá thịt lợn là thúc đẩy tái đàn ở các địa phương. Chính vì thế, ngày 2/6, Bộ NN&PTNT đề nghị lãnh đạo 22 tỉnh, thành phố - có tỷ lệ phục hồi, tái đàn thấp dưới 70% - chỉ đạo các sở, ban, ngành và chính quyền các cấp triển khai các giải pháp tối ưu nhất để tái đàn và tăng đàn lợn, đảm bảo nguồn cung thịt lợn.

Cụ thể, có chính sách hỗ trợ về đất đai, lãi suất vốn vay, tạo điều kiện thuận lợi nhằm tăng cường tái đàn và tăng đàn lợn;  Kịp thời công bố hết dịch khi đủ điều kiện để các cơ sở chăn nuôi tái đàn, tăng đàn đảm bảo an toàn sinh học; Có chính sách hỗ trợ cụ thể cho việc tái đàn và tăng đàn…

Là 1 trong 22 địa phương được Bộ NN&PTNT nhắc đích danh khi tỷ lệ tái đàn thấp, đạt 68% so với trước dịch, ông Nguyễn Công Trình, Phó Giám đốc Sở NNPTNT tỉnh Bắc Ninh cho rằng, chăn nuôi nông hộ nhỏ lẻ đang chiếm 60-70% tổng đàn lợn trên địa bàn. Nhưng thời gian qua, việc tái đàn ở khu vực này gặp nhiều khó khăn do giá giống đắt mà số lượng cũng khan hiếm.

Cùng với đó, do bị thiệt hại từ dịch tả lợn châu Phi nên nguồn vốn đầu tư nuôi lợn cũng khó khăn và tâm lý lo dịch bệnh tái phát vẫn còn hiện hữu. "Đến tháng 4/2020, tái đàn lợn của Bắc Ninh đạt gần 70% so với trước khi có dịch, tổng đàn lợn đạt trên 270.000 con" – ông Trình cho biết.

Ông Ngô Đăng Bình, Giám đốc Trung tâm dịch vụ Nông nghiệp huyện Quế Võ (Bắc Ninh) cho hay, tổng đàn lợn trên địa bàn huyện xấp xỉ 40.000 con, nhưng số bị tiêu hủy do bệnh dịch tả châu Phi lớn, khoảng 22.000 con. Trong hơn 3.000 hộ chăn nuôi nhỏ lẻ, chỉ có khoảng 400 hộ không bị dịch và đang tái đàn, còn hầu hết các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ trong khu dân cư được chỉ đạo "tái đàn thận trọng".

Đặc biệt, chỉ những hộ dân đảm bảo điều kiện về an toàn sinh học và đảm bảo các quy định về khoảng cách theo quy định của Luật Chăn nuôi và các văn bản hướng dẫn thì mới cho phép tái đàn. Do đó, tỷ lệ hộ dân tái đàn lợn trên địa bàn huyện đạt thấp.

Nói về câu chuyện tái đàn và hỗ trợ người chăn nuôi, ông Đào Viết Xuê kiến nghị, chỉ những hộ đủ tiêu chuẩn, điều kiện thì mới cho tái đàn và phải đăng ký để kiểm soát đầu con. Hiện nay, giá lợn giống đắt nhưng chất lượng lại không tốt và nếu không kiểm soát tốt nguy cơ tái bùng phát dịch rất cao.

Vì thế, dù có nhu cầu tăng thêm đàn nái, nhưng ông vẫn chờ đặt mua 70-80 nái hậu bị ở những cơ sở có uy tín như tại trại nuôi của Trung tâm nghiên cứu lợn Thụy Phương và của Công ty TNHH De Heus.

Liên quan tới vấn đề này, Bộ trưởng Bộ NNPTNT Nguyễn Xuân Cường lưu ý, bây giờ đã qua thời gian chăn nuôi vài mét vuông rồi. Đến thời liên kết, ứng dụng khoa học công nghệ. Bởi, không có dịch tả lợn châu Phi thì cũng có dịch bệnh khác khiến chăn nuôi nhỏ lẻ chịu nhiều rủi ro.

"Thực tế cho thấy, mô hình HTX rất phù hợp với xã hội Việt Nam. Không thể ở đâu cũng có đại điền mênh mông, do đó người nông dân chăn nuôi nhỏ lẻ cần vào HTX, tổ hợp tác để tạo sức mạnh, các bên cùng có lợi" – Bộ trưởng khẳng định.

Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, trong tháng 5/2020, tổng đàn lợn giảm 6,2% so với cùng kỳ trong khi cả nước có 183 xã thuộc của 19 tỉnh, thành phố có dịch chưa qua 30 ngày. Trong tháng 5/2020, bệnh dịch tả lợn châu Phi xảy ra tại 109 xã (bao gồm 1 xã mới và 108 xã tái phát ) của 11 tỉnh, số lợn buộc tiêu hủy trong tháng 5/2020 là 2.332 con.

TS. Nguyễn Văn Long, Phó Cục trưởng Cục Thú y (Bộ NN&PTNT) lưu ý, trước diễn biến phức tạp của dịch tả lợn châu Phi, các địa phương cần tiếp tục triển khai các biện pháp phòng, chống dịch bệnh theo chỉ đạo của Ban Bí thư, Quốc hội, Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ, tránh tình trạng chủ quan, lơ là để dịch bệnh tái phát, lây lan diện rộng.

Khương Lực