dd/mm/yyyy

Sơn La: Nâng cao năng lực cán bộ quản lý chương trình OCOP

Nhằm trang bị kiến thức, kỹ năng cho đội ngũ cán bộ thực hiện Chương trình “mỗi xã một sản phẩm” OCOP, thời gian qua Văn phòng Điều phối Nông thôn mới Sơn La đã triển khai tổ chức nhiều lớp tập huấn cho cán bộ quản lý các huyện, xã, bản và các hộ chủ thể sản xuất kinh doanh trên địa bàn.

Chương trình "Mỗi xã một sản phẩm" OCOP triển khai ở tỉnh Sơn La không chỉ mang ý nghĩa phát triển sản xuất mà còn giúp các huyện, thành phố và cơ sở trên địa bàn phát huy tiềm năng thế mạnh phát triển các sản phẩm chủ lực trở thành sản phẩm hàng hóa có giá trị trên thị trường. Qua đó, góp phần tạo việc làm, phát huy tính sáng tạo, trí tuệ của người dân trong sản xuất phát triển kinh tế, giảm nghèo.

Sơn La: Nâng cao năng lực quản lý cán bộ chương trình OCOP - Ảnh 1.

Công tác tập huấn Chương trình "mỗi xã một sản phẩm" OCOP ở Sơn La.

Sau 2 năm triển khai, đến nay tỉnh Sơn La đã xây dựng được 20 sản phẩm điểm tham gia chương trình "mỗi xã một sản phẩm" OCOP. Đây được coi là hướng đi đúng trong việc tạo thương hiệu sản phẩm chủ lực địa phương và mở rộng, liên kết thị trường tiêu thụ, giúp người dân nâng cao thu nhập, tạo động lực thúc đẩy quá trình xây dựng NTM tại các địa phương.

Sơn La: Nâng cao năng lực quản lý cán bộ chương trình OCOP - Ảnh 2.

Nhiều cán bộ quản lý các huyện, xã, bản và các hộ chủ thể sản xuất kinh doanh tham gia tập huấn chương trình OCOP.

Tuy nhiên, việc nâng cao giá trị các sản phẩm trở thành sản phẩm thế mạnh trong phát triển kinh tế địa phương còn hạn chế, do đại bộ phận người dân còn sản xuất nhỏ nhẻ, việc áp dụng khoa học kỹ thuật trong sản xuất chưa được chú trọng, năng suất chất lượng sản phẩm chưa cao... Theo đó, để đảm bảo chất lượng và nâng cao giá trị sản phẩm thế mạnh địa phương, một trong những giải pháp quan trọng được Sơn La lựa chọn là nâng cao năng lực quan lý cán bộ các huyện, xã, bản và các hộ chủ thể sản xuất kinh doanh tham gia thực hiện chương trình OCOP.

Sơn La: Nâng cao năng lực quản lý cán bộ chương trình OCOP - Ảnh 3.

Phát triển sản phẩm chủ lực địa phương gắn với xây dựng NTM luôn được cấp ủy, chính quyền tại các huyện, thành phố ở Sơn La đặc biệt quan tâm.

Bên cạnh đó, định hướng quy hoạch vùng sản xuất phù hợp với tiềm năng thế mạnh ở từng địa phương. Nâng cao hiệu quả công tác quản lý và giám sát tiêu chuẩn chất lượng quá trình sản xuất tạo ra sản phẩm. Đồng thời, hỗ trợ, hướng dẫn kỹ thuật sản xuất, xây dựng thương hiệu, giới thiệu, quảng bá sản phẩm đến với người tiêu dùng. Từ đó, phát triển các hình thức tổ chức sản xuất, kinh doanh, sản xuất các sản phẩm truyền thống, dịch vụ có lợi thế địa phương có khả năng cạnh tranh trên thị trường, góp phần phát triển kinh tế nông thôn. Đồng thời, lựa chọn sản phẩm chủ lực phát triển sản phẩm nông nghiệp gắn với phát triển du lịch, nâng cao thu nhập, đời sống nhân dân.

Sơn La: Nâng cao năng lực quản lý cán bộ chương trình OCOP - Ảnh 4.

Nhiều học viên tham gia các lớp tập huấn được giao lưu, trao đổi, học hỏi nâng cao kiến thức sản xuất.

Thông qua tập huấn, năng lực, kiến thức về thực hiện chương trình "mỗi xã một sản phẩm" OCOP của cán bộ quản lý các huyện, xã, bản và các hộ chủ thể sản xuất kinh doanh được nâng lên, như: Cách phát triển các hình thức tổ chức sản xuất, kinh doanh để sản xuất các sản phẩm truyền thống, sản phẩm dịch vụ có lợi thế đạt tiêu chuẩn có khả năng cạnh tranh trên thị trường; các thông tin hỗ trợ của Nhà nước, thông tin và định hướng thị trường; tư vấn, hướng dẫn đề xuất ý tưởng sản phẩm, nhận xét và đánh giá tổ chức đăng ký sản phẩm, lựa chọn sản phẩm thuộc kế hoạch của địa phương; xây dựng ý tưởng kinh doanh, triển khai kế hoạch kinh doanh, phát triển kinh tế cộng đồng… 

Sơn La: Nâng cao năng lực quản lý cán bộ chương trình OCOP - Ảnh 5.

Chương trình "mỗi xã một sản phẩm" OCOP.

 Qua thực hiện chương trình "Mỗi xã một sản phẩm", tỉnh Sơn La đã góp phần hình thành và tái cơ cấu hợp tác xã, doanh nghiệp; nghiên cứu, tổ chức, đánh giá phân hạng sản phẩm, xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm… Qua đó, lựa chọn sản phẩm tiêu biểu, có tiềm năng của mỗi địa phương để xây dựng kế hoạch phát triển cho sản phẩm, phục vụ chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM, tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân.

Quốc Định