Sau vụ Hưng “kính” chợ Long Biên: Thanh tra cho có, kỷ luật như không?!

Nhóm pv Thứ năm, ngày 28/05/2020 12:23 PM (GMT+7)
UBND quận Ba Đình đã có báo gửi các cơ quan chức năng liên quan đến việc kiểm điểm trách nhiệm đối với Chủ tịch, Phó Chủ tịch UBND quận Ba Đình và các tập thể, cá nhân sau vụ việc Hưng "kính" xảy ra tại chợ Long Biên.
Bình luận 0

Như Dân Việt đã thông tin, sau khi xảy ra vụ việc Hưng "kính" bảo kê, thu tiền của các tiểu thương tại chợ Long Biên, UBND quận Ba Đình (TP.Hà Nội) đã thành lập đoàn thành tra toàn diện về các hoạt động tại chợ Long Biên.

Nhiều sai phạm tại chợ Long Biên

Ngày 31/12/2019, UBND quận Ba Đình đã có kết luận thanh tra về các hoạt động của Ban quản lý chợ Long Biên. Ngoài 62 ki ốt được Ban quản lý chợ Long Biên ký hợp đồng trái quy định, kết luận thanh tra còn chỉ ra hàng loạt sai phạm khác liên quan đến chợ này.

Cụ thể, về công tác quản lý công, từ năm 2015 đến năm 2017, ban quản lý chợ Long Biên chưa xây dựng quy chế quản lý và sử dụng tài sản công.

Năm 2018, Ban quản lý chợ Long Biên đã sử dụng tài sản công vào mục đích cho thuê hội trường khi chưa được cấp có thẩm quyền cho phép; việc xây dựng, cơi nới các ki ốt, điểm kinh doanh trái phép làm ảnh hưởng đến công tác phòng cháy chữa cháy, giao thông trong chợ, vi phạm việc quản lý và sử dụng tài sản công.

Đối với khoản thu bốc dỡ hàng hoá: Việc uỷ quyền cho thành viên tổ bốc xếp thu tiền trực tiếp của các hộ, chỉ lập bảng kê, không có phiếu thu và biên nhận là trái với quy định; quá trình thực hiện thiếu kiểm tra, tạo kẽ hở để nhân viên của tổ có điều kiện thu tiền trái quy định.

Trong quá trình sửa chữa cải tạo các hạng mục công trình và hạ tầng tại chợ Long Biên, Ban quản lý chợ Long Biên và các hộ kinh doanh xây dựng đã không lập hồ sơ trình duyệt, xây dựng vi phạm các quy định về quản lý trật tự xây dựng.

Sau vụ Hưng “kính”: Thanh tra như không, kỷ luật cho có - Ảnh 1.

Chợ Long Biên chỉ có 1319 điểm kinh doanh được sắp xếp trong phương án, 62 điểm không được bố trí sắp xếp trong phương án ngành hàng.

Hằng năm, Ban quản lý chợ Long Biên chưa thực hiện công khai dự toán, quyết toán theo quy định tại các văn bản của UBND quận Ba Đình. Việc ký hợp đồng lao đồng lao động có thời hạn hoặc không xác định thời hạn đối với những người làm việc nhiều năm tại ban quản lý chợ chưa tuân thủ Bộ luật lao động.

Chợ Long Biên vẫn còn tồn tại tình trạng chiếm lối đi chung để bày bán hàng hoá gây mất trật tự, ùn ứ giao thông trong chợ, phương tiện ô tô vẫn dừng đỗ trong chợ để bán hàng.

Kết luận thanh tra nêu rõ, việc để xảy ra những tồn tại, hạn chế nêu trên trách nhiệm thuộc về Ban quản lý chợ Long Biên, Trưởng ban quản lý chợ Long Biên giai đoạn từ 2015 đến năm 2018 (ông Đàm Đình Dũng - PV).

Đồng thời, các Phó trưởng Ban quản lý chợ Long Biên, Bộ phận kế toán tài vụ, các tổ chuyên môn trong Ban quản lý chợ Long Biên và các cá nhân khác có liên quan cũng có trách nhiệm. Các vi phạm phải được xử lý nghiêm minh theo quy định.

Chỉ là "rút kinh nghiệm"!

Sau khi xảy ra vụ việc Hưng "kính", UBND quận Ba Đình, TP. Hà Nội đã có báo cáo số 354/BC-UBND gửi tới các cơ quan chức năng báo cáo liên quan đến việc kiểm điểm trách nhiệm đối với Chủ tịch, Phó chủ tịch UBND quận Ba Đình và các tập thể, cá nhân liên quan đến vụ việc xảy ra tại chợ Long Biên.

Cụ thể, về trách nhiệm của ông Đỗ Viết Bình, Chủ tịch UBND quận Ba Đình và ông Nguyễn Trung Dũng, Phó Chủ tịch UBND quận Ba Đình phụ trách lĩnh vực kinh tế nhận hình thức kỷ luật là "nghiêm túc rút kinh nghiệm sâu sắc trong công tác quản lý, chỉ đạo, điều hành sau sự việc chợ Long Biên".

Đối với Ban quản lý chợ Long Biên: Ông Hoàng Đình Thanh, Phó trưởng ban phụ trách, điều hành hoạt động của tổ bảo vệ trật tự, an ninh trật tự….nhận hình thức kiểm điểm rút kinh nghiệm tại đơn vị.

Sau vụ Hưng “kính” chợ Long Biên: Thanh tra như không, kỷ luật cho có! - Ảnh 2.

Trong kết luận thanh tra của UBND quận Ba Đình ngày 31/12/2019 về các hoạt động của Ban quản lý chợ Long Biên lại không nói đến trách nhiệm của lãnh đạo UBND quận Ba Đình

Ông Hoàng Văn Đức, Phó Trưởng ban, được giao phụ trách công tác bảo vệ cơ quan, thu nộp tiền dịch vụ phương tiện vào chợ, công tác duy tu…kiểm điểm rút kinh nghiệm tại đơn vị.

Ông Nguyễn Văn Loan, Phó Trưởng ban được giao phụ trách công tác an toàn thực phẩm, niêm yết giá cả, quản lý ngành hành, giám sát việc thu nộp các loại tiền dịch vụ… tự nhận khiển trách.

Việc xử lý trách nhiệm của ông Đàm Đình Dũng - Trưởng Ban quản lý chợ Long Biên không được nhắc đến.

Theo báo cáo này, sau khi có kết luận của cơ quan cảnh sát điều tra, Công an TP. Hà Nội về vụ việc chợ Long Biên và căn cứ chỉ đạo của UBND TP. Hà Nội, UBND quận Ba Đình sẽ tổ chức thực hiện theo quy định.

Tuy nhiên, mới đây nhất, trong kết luận thanh tra của UBND quận Ba Đình về các hoạt động của Ban quản lý chợ Long Biên lại không nói đến trách nhiệm của lãnh đạo UBND quận Ba Đình. Cụ thể ở đây là người đứng đầu UBND quận và Phó Chủ tịch phụ trách lĩnh vực kinh tế.

Tại kết luận thanh tra, chỉ ghi nội dung chung chung: "Tổ chức kiểm điểm trách nhiệm, đề xuất biện pháp, hình thức xử lý trách nhiệm của tập thể, cá nhân báo cáo Chủ tịch UBND quận để xử lý theo quy định. Khắc phục các vi phạm, khuyết điểm, tồn tại được nêu trong kết luận thanh tra".

Đối với trách nhiệm của các phòng ban chuyên môn thuộc quận Ba Đình cũng chỉ ghi: "Chủ động tham mưa UBND quận chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ của đơn vị mình theo lĩnh vực chuyên môn được giao phụ trách về công tác quản lý nhà nước trong hoạt động chợ, nhằm giải quyết triệt để những tồn tại, hạn chế, góp phần nâng cao hiệu quả trong công tác quản lý nhà nước trong hoạt động chợ Long Biên".

Kết luận Thanh tra do chính ông Nguyễn Trung Dũng - Phó Chủ tịch UBND quận Ba Đình ký. 

Cũng liên quan đến các nội dung nêu trên, phóng viên đã gửi giấy giới thiệu, nội dung làm việc đến UBND quận Ba Đình để xác minh, làm rõ thêm về vụ vụ. Tuy nhiên, đến nay Dân Việt vẫn chưa nhận được phản hồi từ UBND quận Ba Đình.

Dân Việt sẽ tiếp tục thông tin về vụ việc.

Chợ Long Biên nằm ở khu vực đê Sông Hồng, thuộc địa bàn phường Phúc Xá, quận Ba Đình, TP. Hà Nội. Chợ có diện tích gần 27.000 m2, với 1381 hộ kinh doanh các mặt hàng, rau củ quả, thuỷ hải sản, hàng khô, đồ điện…

Tuy nhiên, chỉ có 1319 điểm kinh doanh được sắp xếp trong phương án, 62 điểm không được bố trí sắp xếp trong phương án ngành hàng.


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem