Sâu lắng những miền quê

Lưu Khánh Thơ Thứ bảy, ngày 25/01/2020 06:10 AM (GMT+7)
Bằng những câu thơ trong lành, thánh thiện, các thi nhân đã dẫn chúng ta trở về nơi làng quê yêu dấu, được ru lòng mình trong điệu hồn dân tộc.
Bình luận 0

Tìm và giữ nét quê dung dị

Trong phong trào Thơ mới “Xuân Diệu là người mới nhất, Hàn Mặc Tử lạ nhất và Nguyễn Bính quê nhất”. Cái chất quê ấy chính là hồn xưa đất nước, điều đã làm nên tên tuổi Nguyễn Bính trong lịch sử thi ca dân tộc. Đó là nguyên nhân sâu xa giúp cho thơ ông có diện phủ sóng lớn, có sức sống lâu bền và luôn đạt kỷ lục về số lượng xuất bản.

Thi sĩ đồng quê Nguyễn Bính, thiên về kiếm tìm vẻ đẹp dân gian dung dị: Hoa chanh nở giữa vườn chanh - Thầy u mình với chúng mình thôn quê (Chân quê).

img

Tranh “Hoa xuân” (bột màu, 1995). Ảnh: Nguyễn Văn Phương

Dù ít có điều kiện học hành nhưng nhờ “tiếp thu trọn vẹn tinh hoa của nền văn minh thôn dã, nền văn hóa xóm làng”, Nguyễn Bính đã nhanh chóng trở thành nhà thơ nổi tiếng. Cội nguồn dân tộc đã nâng cánh cho ông thăng hoa để xuất thần mà có được những câu thơ đẹp, mang phong cách thời đại: Đã thấy xuân về với gió đông - Với trên màu má gái chưa chồng - Bên hiên hàng xóm cô hàng xóm - Ngước mắt nhìn giời đôi mắt trong (Xuân về).

Qua thơ ông, hình ảnh cuộc sống nơi thôn dã quê kiểm được tinh lọc, chưng cất rồi làm nên những bức họa đặc sắc về làng quê, mang đến cho bạn đọc những thông điệp vĩnh cửu về những nét duyên quê đặc sắc, những giá trị thuần Việt trong quá khứ. Nặng lòng với những giá trị văn hóa truyền thống, Nguyễn Bính đã níu kéo lại cái đẹp trong quá khứ, gìn giữ cái đẹp cho muôn đời sau: “Van em em hãy giữ nguyên quê mùa”.

img

Tranh “Chơi hội mùa xuân”. Ảnh: T.L

Những gì đẹp đẽ thuộc về văn hóa làng quê: Những hội hè đình đám, tết lễ, cưới hỏi, những điệu hát chèo ngọt ngào duyên dáng, những đêm sáng trăng sáng cả vườn chè đã được Nguyễn Bính thể hiện trong thơ của mình: Bữa ấy mưa xuân phơi phới bay - Hoa xoan lớp lớp rụng vơi đầy - Hội chèo làng Đặng đi qua ngõ - Mẹ bảo em rằng hát tối nay (Mưa xuân).

Nguyễn Bính đã lựa chọn đưa vào thơ mình những không gian văn hóa thấm đẫm những nét duyên quê, hồn quê: Gốc đa bến nước, vườn hoa, sân đình, ngôi nhà dệt cửi với tiếng thoi đưa lách cách, mái lá tranh nghèo trải bao mưa nắng... Ông đặc biệt quan tâm đến không gian văn hóa vườn – nơi hò hẹn để chín nhớ mười thương. Vườn xuất hiện trong thơ của thi nhân rất nhiều và đủ loại: vườn cam, vườn chè, vườn hồng, vườn chanh, vườn chuối, vườn cổ tích, vườn ngự uyển. Nhiều nhất là vườn hoa với bao nhiêu là hương sắc đồng nội… Nhờ thế mà thơ Nguyễn Bính có một khả năng diễn tả không chỉ cảnh quê mà chủ yếu là hồn quê sâu nặng.

Những màu xuân rạo rực

Đoàn Văn Cừ là nhà thơ của những sinh hoạt văn hóa làng quê với thế giới con người và sắc màu thật phong phú, tươi tắn. Còn những phiên chợ tết như trong thơ Đoàn Văn Cừ thì đã phôi pha theo năm tháng, thậm chí không còn nữa, không sao tìm thấy lại bóng dáng nguyên xưa nữa.

Xuân Diệu đã khẳng định một quan niệm thẩm mỹ trước đó chưa từng có: con người ở độ tuổi trẻ và trong tình yêu chính là vẻ đẹp tối cao trên thế gian này. Đối với Xuân Diệu, con người và tình yêu là chuẩn mực của cái đẹp. Tuổi trẻ và tình yêu phải được hòa hợp thành một theo triết lí sống của thi sĩ. Bầu trời xanh trong như cô gái tuổi mười sáu với cặp má hồng, lòng rạo rực: Mặt trời vừa mới cưới trời xanh - Duyên đẹp hôm nay sẽ tốt lành - Son sẻ trời như mười sáu tuổi - Má hồng phơn phớt, mắt long lanh (Rạo rực).

Những phiên chợ tết, những hội xuân của làng quê xưa, những làng quê cổ truyền Việt Nam may mắn còn lại dáng nét trong thơ Đoàn Văn Cừ, như chứng tích của cả một thời xưa: Những thằng cu áo đỏ chạy lon xon - Vài cụ già chống gậy bước lom khom - Cô yếm thắm che môi cười lặng lẽ -Thằng em bé nép đầu bên yếm mẹ - Hai người thôn gánh lợn chạy đi đầu - Con bò vàng ngộ nghĩnh đuổi theo sau (Chợ tết). Trong bài thơ “Đám hội”, ông viết: Đoàn trải dài vùn vụt giữa dòng sông - Người lố nhố chèo lên làn nước lạnh - Bọn đô vật trước đình thi sức mạnh - Mình cởi trần gân cốt nổi như lươn - Tiếng reo hò khuyến khích dậy từng cơn.

Đám cưới ở quê được Đoàn Văn Cừ mô tả: Một cụ già râu tóc trắng như bông - Mặc áo đỏ cầm hương đi trước đám - Dăm sáu cụ áo mền bông đỏ sẫm - Quần nâu hồng chống gậy bước theo nhau - Hàng ô đen thong thả tiến lên sau (Đám cưới mùa xuân). Những hình ảnh thật đầy màu sắc và hoạt động, và sống động. Nó dường như muốn tự phân biệt với số lớn thơ của nhiều tác giả trong phong trào Thơ mới, nhìn chung là hướng ra đời sống thị thành, và hướng con người đi vào và đào sâu vào một cái Tôi riêng. Còn Đoàn Văn Cừ cùng với những người thuộc xu hướng như ông là Anh Thơ, Bàng Bá Lân, và nhất là Nguyễn Bính, lại muốn con người trở về, hoặc ở lại với nông thôn, với làng quê, trong những vui buồn xen kẽ, và cả trong cái vui chung, dẫu hiếm hoi, nơi đời sống cộng đồng. Hướng về cội nguồn, về cái chung của số đông, của sinh hoạt nhân quần, lẽ tự nhiên là có cái ồn vui, và cả sự ấm áp: Trên con đường viền trắng mép đồi xanh - Người các ấp tưng bừng ra chợ tết - Họ vui vẻ kéo hàng trên cỏ biếc (Chợ tết).

Cả những gam màu trong thơ tết của Đoàn Văn Cừ cũng là những gam màu nóng: Những mẹt cam đỏ chót tựa son pha - Thúng gạo nếp đong đầy như núi tuyết - Con gà trống mào thâm như cục tiết... Con bò vàng ngộ nghĩnh đuổi theo sau - Sương trắng rỏ đầu cành như giọt sữa - Tia nắng tía nháy hoài trong ruộng lúa - Núi uốn mình trong chiếc áo the xanh (Chợ tết).

Với những phiên chợ tết trong thơ Đoàn Văn Cừ, bức tranh quê Việt Nam trong lâu dài và chu chuyển của lịch sử bỗng trở nên vĩnh viễn.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem