dd/mm/yyyy

Sau 10 năm xây dựng NTM, Quỳnh Nhai ngày càng khởi sắc

Sau 10 năm thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng Nông thôn mới (NTM), diện mạo nông thôn huyện Quỳnh Nhai, tỉnh Sơn La đang từng ngày khởi sắc, kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội được quan tâm đầu tư xây dựng khang trang, đáp ứng yêu cầu phát triển sản xuất và đời sống của nhân dân.

Là một trong những huyện nghèo thuộc Nghị quyết số 30a/2008 của Chính phủ, năm 2010, Quỳnh Nhai bước vào thực hiện xây dựng NTM với xuất phát điểm rất thấp, địa hình chia cắt mạnh; sản xuất nông nghiệp nhỏ lẻ, manh mún; thu nhập bình quân đầu người thấp; đời sống nhân dân khu vực nông thôn còn gặp nhiều khó khăn; tỷ lệ hộ nghèo cao.

Sau 10 năm xây dựng NTM, Quỳnh Nhai ngày càng khởi sắc - Ảnh 1.

Giai đoạn 2010 - 2019, huyện Quỳnh Nhai đã làm được 913 tuyến đường giao thông nông thôn bằng bê tông xi măng với chiều dài 123,47 km, kinh phí thực hiện 86.776 triệu, trong đó: Ngân sách tỉnh hỗ trợ 26 tỷ đồng, ngân sách huyện hỗ trợ 950 triệu đồng; nhân dân đóng góp trên 59 tỷ đồng.

Trước những khó khăn đó, cấp ủy, chính quyền các cấp đã chủ động ban hành nghị quyết, xây dựng kế hoạch hành động trong xây dựng NTM. Ban Chỉ đạo xây dựng NTM đã được thành lập từ cấp huyện xuống xã, thôn với quy chế hoạt động rõ ràng, trong đó phân công nhiệm vụ cho từng thành viên phụ trách, chỉ đạo từng lĩnh vực theo chức năng, nhiệm vụ chuyên ngành cụ thể.

Sau 10 năm xây dựng NTM, Quỳnh Nhai ngày càng khởi sắc - Ảnh 2.

Ngày 15/2, Cục Sở hữu trí tuệ, Bộ Khoa học và Công nghệ đã công bố và trao Bằng chứng nhận nhãn hiệu “Cá sông Đà - Cá tầm Sơn La" cho tỉnh Sơn La. Đồng thời, Sở Khoa học và Công nghệ đã trao quyết định cấp quyền sử dụng nhãn hiệu chứng nhận “Cá sông Đà Sơn La” cho 10 HTX và 1 doanh nghiệp trên địa bàn huyện Quỳnh Nhai, Thuận Châu, Mường La.

Theo đó, Quỳnh Nhai tập trung ưu tiên nguồn lực đầu tư kết cấu hạ tầng; sử dụng linh hoạt nguồn vốn từ các Chương trình mục tiêu quốc gia trong việc hỗ trợ cây con giống, xây dựng các mô hình sản xuất nông nghiệp cho người dân.

Để xây dựng NTM bền chắc, những năm qua, huyện Quỳnh Nhai tiếp tục đẩy mạnh tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị để nâng cao giá trị gia tăng. Đồng thời, khai thác tiềm năng lợi thế của huyện trong việc phát triển thủy sản gắn với du lịch sinh thái lòng hồ thủy điện Sơn La, như: Mô hình du lịch cộng đồng ở bản Bon, xã Mường Chiên; du lịch sinh thái lòng hồ thủy điện Sơn La…

Sau 10 năm xây dựng NTM, Quỳnh Nhai ngày càng khởi sắc - Ảnh 3.

Với lợi thế đất đồi rộng, một số xã trên địa bàn huyện Quỳnh Nhai đang tập trung chăn nuôi gia súc theo hướng hàng hóa để nâng cao thu nhập cho người dân.

Qua đó, đã từng bước giảm dần tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn huyện, mức sống của người dân ngày một được nâng cao.

Bên cạnh đó, các phong trào thi đua trong thực hiện Chương trình được Quỳnh Nhai triển khai một cách bài bản từ huyện đến cơ sở. Ủy ban nhân dân huyện đã ban hành kế hoạch và tổ chức phát động phong trào thi đua "Toàn dân chung sức xây dựng Nông thôn mới" đến các cấp, các ngành, đoàn thể, ký giao ước thi đua với UBND các xã.

Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội cấp huyện, xã triển khai hưởng ứng phong trào thi đua "Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh" đến toàn thể cán bộ, hội viên và nhân dân.

Sau 10 năm xây dựng NTM, Quỳnh Nhai ngày càng khởi sắc - Ảnh 4.

Sau dịp tết Nguyên đán, người dân Quỳnh Nhai lại tổ chức lễ hội đua thuyền với mục đích duy trì nét đẹp và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc.

Hội Liên hiệp phụ nữ cấp huyện, xã phát động phong trào thi đua hưởng ứng cuộc vận động "Xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch" đến tất cả hội viên và chị em phụ nữ trên địa bàn.

Sau 10 năm xây dựng NTM, trong đó để làm đường giao thông nông thôn, người dân Quỳnh Nhai đã đóng góp hơn 890.000 ngày công; trên 59 tỷ đồng tiền mặt; hiến trên 28 nghìn m2 đất và hàng nghìn cây cối phục vụ xây dựng NTM. Các tổ chức, cá nhân và doanh nghiệp đóng góp hơn 370 triệu đồng.

Tổng nguồn vốn huy động để thực hiện Chương trình xây dựng NTM trên địa bàn huyện Quỳnh Nhai là 502 tỷ đồng, trong đó: Ngân sách Trung ương trên 291 tỷ đồng; ngân sách địa phương 143 tỷ đồng, nhân dân đóng góp trên 67 tỷ đồng.

Với những cách làm sáng tạo, phù hợp với thực tế địa phương, huyện Quỳnh Nhai đã tháo gỡ được những khó khăn trong xây dựng NTM. Đến nay có 4 xã: Mường Giàng, Mường Chiên, Chiềng Bằng, Pá Ma Pha Khinh lần lượt về đích NTM; các xã còn lại đạt từ 6 – 14/19 tiêu chí. Tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 48% năm 2010 xuống còn 17% năm 2018. Đặc biệt, huyện Quỳnh Nhai đã ra khỏi danh sách các huyện nghèo thuộc Nghị quyết 30a của Chính phủ và từng bước vươn mình phát triển.

A Lử