Quyết liệt với tam nông, đồng vốn ngân hàng phát huy hiệu quả

Huyền Anh Thứ tư, ngày 04/09/2019 13:31 PM (GMT+7)
Theo phản ánh của nhiều doanh nghiệp, hợp tác xã (HTX) tại địa bàn các tỉnh Miền núi phía Bắc nhờ có sự hỗ trợ từ nguồn vốn ưu đãi của các ngân hàng thương mại (NHTM) trên địa bàn, các doanh nghiệp đã hoạt động ổn định mà mang lại hàng tỷ đồng lợi nhuận mỗi năm.
Bình luận 0

img

Nhiều gói tín dụng phát huy hiệu quả

Công ty CP chăn nuôi Minh Thúy Chiềng Chung có địa chỉ tại Bản Mé, xã Chiềng Chung, huyện Mai Sơn, tỉnh Sơn La được thành lập từ tháng 4 năm 2016 và hoạt động trong lĩnh vực chăn nuôi lợn lợi nái và lợn thịt thương phẩm.

Theo chia sẻ của doanh nghiệp, năm thành lập của doanh nghiệp cũng chính là năm lĩnh vực chăn nuôi gặp rất nhiều khó khăn do giá lợn giảm xuống thấp, các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ gần như phải dừng hoạt động do thua lỗ. Tuy nhiên, doanh nghiệp vẫn được ngân hàng Agribank CN tỉnh Sơn La tạo điều kiện cho vay 82 tỷ đồng để thực hiện dự án với quyết tâm phát triển quy mô lớn để phát triển bền vững.

Đặc biệt, vào giai đoạn bùng phát dịch Tả lợn Châu Phi, tâm lý người tiêu dùng về sử dụng thịt lợn bị ảnh hưởng khiến cho giá lợn biến động thất thường dẫn đến khó khăn cho các đơn vị chăn nuôi, Agribank vẫn luôn đồng hành, chia sẻ khó khăn cùng doanh nghiệp.

Đến nay, công ty Minh Thúy Chiềng Chung đã hoàn thành giai đoạn 1 và đi vào hoạt động với quy mô đàn 2.400 lợn nái sinh sản và 20.000 lợn thịt thương phẩm/năm; diện tích chuồng trại 32.000 m2. Công ty đã có sản phẩm cung cấp ra ngoài thị trường, tạo điều kiện công ăn việc làm cho 150 lao động tại địa phương, với mức lương ổn định từ 5 triệu đồng/ tháng trở lên.

img

Công ty cổ phần chè Cờ Đỏ mỗi năm xuất khẩu khoảng 600 tấn chè sang thị trường Đài Loan và Đông Âu

Tương tự, ông Nguyễn Sơn Vương, Phó Giám đốc công ty cổ phần chè Cờ Đỏ, thuộc địa bàn tỉnh Sơn La cho biết, công ty của ông hiện tại mỗi năm công ty xuất khẩu khoảng 600 tấn chè sang thị trường Đài Loan và Đông Âu. Mức bình quân thu nhập cho người lao động tại doanh nghiệp từ 4 triệu đồng trở lên cho một người/ tháng.

Theo ông Vương, kết quả này có được là nhờ vào sự hỗ trợ từ nguồn vốn ngân hàng trong quá trình chuyển đổi và phát triển công ty. Năm 2017 và 2018, doanh nghệp luôn được hưởng mức tín dụng ưu đãi của Agribank với lãi suất 6,5 %/năm, năm 2019 công ty vay ngắn hạn 8 tỷ đồng, mức lãi suất ưu đãi 6%.

 “Nguồn vốn vay ưu đãi đã hỗ trợ công ty ổn định nguồn vốn cho đầu tư cơ sở hạ tầng mới, đầu tư tái sản xuất, đáp ứng chi trả nhân công…. Đặc biệt từ đầu năm 2019 chúng tôi đầu tư chuyển 2 xưởng chế biến về gần nhau để thuận lợi cho sản xuất, đầu tư thêm dây chuyền sản xuất, máy móc mới để nâng cao chất lượng sản phẩm đáp ứng yêu cầu cao hơn của thị trường xuất khẩu”, ông Vương cho hay.

Thậm chí, nhiều trường hợp vay vốn còn được ngân hàng còn hỗ trợ xây dựng kế hoạch sản xuất kinh doanh hiệu quả. Trường hợp của Hợp tác xã Ngọc Lan - Huyện Mai Sơn, tỉnh Sơn La là một ví dụ điển hình.

Theo chia sẻ của ông Nguyễn Ngọc Dũng - Chủ nhiệm Hợp tác xã Ngọc Lan, HTX được Agribank chi nhánh tỉnh Sơn La hướng dẫn và thiết lập các hồ sơ vay vốn. Đồng thời, ngân hàng cũng giúp HTX lập kế hoạch kinh doanh cũng như trực tiếp giám sát việc sử dụng vốn vay của HTX, những lúc khó khăn đã tìm nhiều giải pháp để giúp đỡ HTX giải quyết. “Nếu không có Agribank giúp đỡ về vốn thì HTX rất khó hoạt động vì phải vay ngoài với lãi suất cao”, ông Nguyễn Ngọc Dũng nhấn mạnh.

Hoàn thiện chuỗi để thông dòng tiền

Thời gian qua, dù còn rất nhiều khó khăn, thách thức và đầy biến động phức tạp của nền kinh tế thế giới và trong nước, với sự chỉ đạo quyết liệt của Thống đốc NHNN, ngành Ngân hàng luôn sẵn sàng tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp về vốn, lãi suất, thủ tục cũng như cung cấp các dịch vụ tài chính an toàn, hiện đại và thuận lợi nhất cho khách hàng.

Phát biểu tại hội nghị về tiếp tục hoàn thiện và nâng cao vai trò chính sách tín dụng ưu đãi đối với khu vực các tỉnh miền núi phía Bắc, Phó thống đốc NHNN Đào Minh Tú cho biết, khu vực các tỉnh miền núi phía Bắc là địa bàn quan trọng về kinh tế - xã hội, vùng có nhiều tiềm năng, lợi thế phát triển về nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy điện, khai khoáng, du lịch và kinh tế cửa khẩu.

img

Phó Thống đốc NHNN Đào Minh Tú

Đây cũng nơi có nhiều đồng bào các dân tộc sinh sống lâu đời với bản sắc văn hóa đặc sắc. Tuy nhiên, đây cũng là vùng còn nhiều khó khăn nhất cả nước: về địa hình, khí hậu, dân số, cơ sở hạ tầng và điều kiện phát triển kinh tế sản xuất hàng hóa.

Bám sát các chủ trương, nghị quyết của Đảng, Quốc hội, Chính phủ và chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, trong những năm qua, ngành Ngân hàng đã ban hành nhiều cơ chế chính sách và triển khai đồng bộ nhiều giải pháp nhằm phục vụ nhu cầu vốn sản xuất, kinh doanh, tiêu dùng cho người dân, doanh nghiệp, trong đó đặc biệt tập trung cho đối tượng ưu tiên, đối tượng chính sách trong khu vực.

Tính đến hết tháng 7/2019, huy động vốn của toàn ngành Ngân hàng trong khu vực đạt 381.603 tỷ đồng, tăng 9,08% so với năm 2018 (cao hơn so với mức tăng chung toàn quốc 6,87%), chiếm khoảng 4,5% tổng nguồn vốn huy động toàn quốc. Dư nợ tín dụng cho khu vực đạt khoảng 409.552 tỷ đồng, tăng 4,87% so với năm 2018, chiếm 5,29% tổng dư nợ toàn nền kinh tế, trong đó dư nợ cho vay theo lĩnh vực ưu tiên đều có xu hướng tăng so với cuối năm 2018.

Ở từng đơn vị NHTM, hầu hết các gói vay, chương trình cho vay ưu đãi đều được chủ động đẩy mạnh. Với Agribank, ông Tiết Văn Thành – Tổng giám đốc ngân hàng này cho biết, tại khu vực Trung du và miền núi phía Bắc Agribank đang có 17 chi nhánh loại I hoạt động trên địa bàn 14 tỉnh (3 tỉnh có 2 chi nhánh loại I  hoạt động trên địa bàn là Lào Cai, Phú Thọ, Bắc Giang), với tổng nguồn vốn đạt 129.940 tỷ đồng, tổng dư nợ đạt trên 130.000 tỷ đồng, chiếm 13% tổng dư nợ nền kinh tế của Agribank.

Trong khi đó, tính đến 31/7/2019 dư nợ cho vay của NHCSXH đạt 42.748 tỷ đồng, tăng 6,12% so với 31/12/2018, với hơn 1.486 ngàn khách hàng còn dư nợ, chiếm tỷ trọng 21,5% tổng dư nợ tại NHCSXH.

img

Ở các ngân hàng khác như BIDV, tính đến hết quý II/2019, mạng lưới của BIDV tại địa bàn Miền núi phía bắc có 17 Chi nhánh và 101 Phòng Giao dịch với tổng dư nợ khoảng 80.179 tỷ đồng, chiếm ~7,8% tổng dư nợ của BIDV. Ngoài thực hiện các chính sách của Chính phủ/NHNN, BIDV còn triển khai nhiều chương trình/gói tín dụng ưu đãi riêng theo từng đối tượng khách hàng. Tính đến tháng 6/2019, dư nợ tín dụng theo các chương trình tín dụng ưu đãi cho khách hàng doanh nghiệp tại địa bàn miền núi phía bắc đạt ~8.050 tỷ đồng, chiếm ~17% dư nợ tín dụng của khách hàng doanh nghiệp trên địa bàn.

Tại Vietinbank, dư nợ cho vay tại địa bàn cũng đạt tới 20,4 nghìn tỷ đồng (trong đó 57% là dư nợ ngắn hạn, 43% còn lại là dư nợ vay trung dài hạn), doanh số giải ngân năm 2019 đạt 43 nghìn tỷ đồng với hơn 2.608 khách hàng. Tốc độ tăng trưởng dư nợ tại địa bàn từ 2015 – 2019 đạt từ 25% - 30%, là trong các địa bàn có tốc độ tăng trưởng tín dụng nhanh tại Vietinbank.

Nhìn chung, hệ thống ngân hàng đã thực sự phát huy vai trò “huyết mạch” đối với phát triển kinh tế xã hội các tỉnh trong khu vực. Nguồn vốn ngân hàng đã giúp cho hàng triệu hộ gia đình chính sách, hộ nghèo khắc phục khó khăn, có điều kiện chuyển đổi, nâng cao hiệu quả hoạt động sản xuất kinh doanh, thoát nghèo và vươn lên trong cuộc sống.

Tuy nhiên, theo đại diện của các ngân hàng thương mại, vẫn còn một số khó khăn tồn tại như nguồn huy động tại địa bàn chưa đáp ứng đủ nhu cầu vay vốn dẫn đến phải bố trí nguồn vốn điều hòa từ NHTM cấp trên và các nguồn vốn từ các tổ chức tài chính tiền tệ khác; đầu tư cho vay lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn tại khu vực thường gặp phải các rủi ro do chịu ảnh hưởng của thiên tai, mưa đá, dịch bệnh diễn biến phức tạp; thiếu các mô hình sản xuất kinh doanh hiệu quả…

Để tháo gỡ những khó khăn hiện tại, hơn bao giờ hết chính các doanh nghiệp cần chủ động khắc phục các khó khăn nội tại như: minh bạch hóa tình hình tài chính và các thông tin của doanh nghiệp, xây dựng định hướng phát triển doanh nghiệp rõ ràng, bài bản, nâng cao khả năng quản lý và tích lũy nguồn lực tài chính, gia tăng khả năng cạnh tranh.

DN cần tiến tới tham gia vào trong chuỗi sản xuất cung ứng mang tính quốc tế, tập trung vào sản phẩm cốt lõi, cải tiến sản phẩm, đảm bảo chất lượng chuẩn và có chiến lược xâm nhập thị trường... Để đảm bảo phát triển bền vững, các doanh nghiệp nên phát triển dựa trên các lợi thế của địa bàn như  nông nghiệp, lâm nghiệp, dược liệu, thủy sản; công nghiệp khai khoáng; dịch vụ và du lịch theo hướng bền vững, làm đến đâu chắc đến đó để phù hợp với nguồn lực tài chính không quá dồi dào.

Về phía cơ quan chức năng, Các Sở/Ban/ngành địa phương cần xem xét có giải pháp tổng thể, cải thiện và nâng cao năng lực cạnh tranh của địa bàn, cắt giảm thủ tục hành chính từ khâu thành lập doanh nghiệp và các biện pháp hỗ trợ DN trong quá trình hoạt động sản xuất để thu hút đầu tư tại địa bàn. Đồng thời xem xét hỗ trợ các NHTM phát mại, xử lý TSBĐ nhanh chóng, kịp thời.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem