dd/mm/yyyy

Quảng Trị xây dựng nông thôn mới từ những con người bình dị

Ở tỉnh Quảng Trị, tinh thần xây dựng nông thôn mới (NTM) đã lan toả rộng khắp, từ cô giáo tham gia nhặt rác mỗi ngày cho đến ông nông dân hiến đất, kêu gọi xây dựng đường làng ngõ xóm, thắp sáng đường quê.

Con người, việc làm bình dị

Những ngày này, trời Quảng Trị đôi khi mưa rả rít nhưng mọi người vẫn nhìn thấy hình ảnh quen thuộc cô giáo Nguyễn Thị Hải Vân (37 tuổi, trú thôn Cu Hoan, xã Cam Nghĩa, Cam Lộ), hiện là giáo viên dạy môn Hoá học, Trường Tiểu học và THCS Lê Thế Hiếu (xã Cam Chính, Cam Lộ) bật đèn pin đi nhặt rác dọc các con đường của xã.

Quảng Trị xây dựng nông thôn mới từ những con người bình dị - Ảnh 1.

Những người có đóng góp lớn trong phong trào xây dựng NTM luôn được tỉnh Quảng Trị quan tâm, tôn vinh kịp thời.

Cô Vân cho biết, là giáo viên, cô thường xuyên nhắc nhở, tuyên truyền học sinh phải bảo vệ môi trường xanh-sạch-đẹp. Thực hiện lời dạy của Bác Hồ "Nói đi đôi với làm", từ năm 2017 đến nay, cứ đều đặn vào sáng thứ 7 và chủ nhật hàng tuần cô Vân lại xách bao tải đi nhặt rác khắp xã. Ngày thường thì nhặt rác quanh thôn, xóm để về đi dạy học sớm, đến thứ 7 và chủ nhật được nghỉ, có thời gian nhiều hơn cô mới đi nhặt rác quanh xã. Mỗi lần cô Vân nhặt khoảng 2 bao tải rác nhựa, chủ yếu là chai lọ, bao bì đựng đồ ăn vặt mà trẻ em thường ăn uống rồi vứt vương vãi hai bên đường.

Việc làm này đã gắn với cô Vân suốt 2 năm nay nhưng thời gian gần đây mọi người mới biết. Cô Vân cho hay, mình sợ nói ra mang tiếng khoe khoang nên âm thầm làm việc, không nói với ai. Mãi đến khi có một người đi tập thể dục phát hiện rồi sau đó một số người làm theo, cùng nhau nhặt rác.

Quảng Trị xây dựng nông thôn mới từ những con người bình dị - Ảnh 2.

Ông Hoàng Xuân Mừng nhận bằng khen của UBND tỉnh Quảng Trị ghi nhận thành tích đóng góp xây dựng NTM.

Ông Đoàn Văn Trường, trưởng thôn Cu Hoan (Cam Nghĩa) cho biết, bất kể mùa đông hay mùa hè, cô Vân đều đặn đi nhặt rác, đó là hình ảnh đẹp và ý nghĩa, có sức lan toả. Đến thôn Tân Kỳ, xã Gio Quang (Gio Linh) chúng tôi được nghe kể về tấm gương sáng vượt qua tật nguyền phát triển kinh tế, hiến đất, hiến của để làm đường của lão nông Hoàng Xuân Mừng (57 tuổi).

Quảng Trị xây dựng nông thôn mới từ những con người bình dị - Ảnh 3.

Ông Hoàng Xuân Mừng (phải) chỉ nơi ông đã hiến 60 mét tường rào cùng 180 m2 đất trị giá 158 triệu đồng để làm đường nông thôn.

Năm 1970, khi vừa tròn 8 tuổi, trong một lần bị giặc dồn vào ấp chiến lược Quán Ngang (Gio Linh), ông Mừng bị bom nổ cụt mất chân phải. Từ đó ông có chút tự ti về bản thân. May mắn, năm 1988 ông gặp được bà Trần Thị Huệ (51 tuổi) yêu thương rồi trở thành vợ chồng. Có vợ, con động viên, hàng xóm khích lệ nên ông Mừng ngày càng tự tin hơn. Năm 1997, ông Mừng bắt đầu tham gia các giải thi đấu thể thao người khuyết tật và dành thành tích cao. Qua 15 năm thi đấu, ông Mừng có bộ huy chương hơn 60 cái, đa số là huy chương vàng.

Không chỉ vậy, ông Mừng còn chăm chỉ làm việc, giúp gia đình trở thành điển hình trong phong trào nông dân sản xuất giỏi. Năm 2016, ông Mừng bỏ ra 50 triệu đồng để xây dựng tường rào và cổng bê tông kiến cố dài 60 mét. Thế nhưng, năm 2017 khi chính quyền địa phương đến báo rằng, trong thời gian tới sẽ nâng cấp, mở rộng con đường liên xã đi qua khu vực tường rào nên xin ông đập bỏ và còn xin lấn vào vườn thêm 3 mét, ông Mừng vẫn vui vẻ đồng ý. Chỉ cho chúng tôi biết nơi mình đã hiến đất, hiến của, ông Mừng nở nụ cười bảo rằng, hàng rào trị giá 50 triệu đồng, cộng với 180 m2 đất trị giá 108 triệu đồng (theo giá đền bù của Nhà nước, đất của ông Mừng có giá 600.000 đồng/m2 – PV). Dù biết số tiền 158 triệu đồng là rất lớn nhưng vì việc chung của xã hội tôi chấp nhận cống hiến. Tại thôn Tân Kỳ, ông Mừng trở thành người đầu tiên xung phong hiến của, hiến đất, từ đó lan rộng ra cho các hộ khác làm theo.

Ở thôn Ba Du (Hải Ba, Hải Lăng) có đại gia đình anh Nguyễn Đức Minh được người dân, chính quyền địa phương nhắc đến với lòng kính trọng. Năm 2018, sau khi dự lễ phát động phấn đấu đưa xã Hải Ba về đích nông thôn mới vào cuối năm 2019, anh Minh nhận thấy khó khăn của địa phương về việc tìm nguồn kinh phí để xây dựng các thiết chế văn hoá nên đã vận động anh em, họ hàng của mình đang sống xa quê ủng hộ hơn 600 triệu đồng. Số tiền này được dùng để xây cổng, đường bê tông cho thôn.

Sức mạnh của đoàn kết

Những con người nêu trên là một vài nét chấm phá trong bức tranh xây dựng NTM đầy sắc màu ở Quảng Trị. Bởi lẽ, ở vùng "đất lửa" này có nhiều phong trào chung tay xây dựng NTM. Hội ND có phong trào nông dân thi đua sản xuất giỏi, phát triển kinh tế; Hội phụ nữ có phong trào 5 không, 3 sạch… Phong trào hiến đất, hiến công, trồng hoa, chỉnh trang, vệ sinh đường làng ngõ xóm… được toàn dân tham gia nhiệt tình.

Quảng Trị xây dựng nông thôn mới từ những con người bình dị - Ảnh 4.

Những đường hoa đẹp lung linh ở Quảng Trị do người dân chung tay trồng và chăm sóc.

Ông Hà Sỹ Đồng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị cho biết, nhờ sự đoàn kết, đồng lòng đồng sức của cán bộ và nhân dân, sau 10 năm xây dựng nông thôn mới, tỉnh đã huy động được 65.630 tỉ đồng để từng bước hoàn thiện cơ sở hạ tầng, đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu sản xuất và sinh hoạt của người dân, góp phần nâng cao đời sống nhân dân về kinh tế cũng như tinh thần.

Đặc biệt, tại Quảng Trị đã tăng cường thực hiện tái cơ cấu nông nghiệp gắn với xây dựng NTM. Các mô hình chuyên canh, sản xuất theo hướng hàng hóa có liên kết tạo lợi nhuận càng lớn cho người nông dân. Một số mô hình tiêu biểu như trồng lúa hữu cơ, trồng sâm Bố Chính, rừng FSC, cây dược liệu… giúp đời sống nhân dân được cải thiện rõ rệt.

Là tỉnh khó khăn do hậu quả chiến tranh và thiên tai nhưng nhờ sức mạnh đoàn kết chung tay xây dựng nên đến tháng 11/2019, Quảng Trị đã có 52/117 xã đạt chuẩn NTM; dự kiến đến cuối năm 2019 sẽ có thêm từ 6-8 xã đạt chuẩn, huyện Cam Lộ đạt chuẩn huyện NTM. Giai đoạn 2021-2025, tỉnh này phấn đấu có thêm 2 huyện đạt chuẩn NTM; 75% số xã trên địa bàn tỉnh đạt chuẩn NTM, không còn xã đạt dưới 12 tiêu chí; phấn đấu đến năm 2030 có thêm 85% số xã đạt chuẩn NTM và có thêm 1 huyện đạt chuẩn NTM.

Ông Nguyễn Đức Chính, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị cho biết, xây dựng NTM có điểm khởi đầu nhưng không có điểm kết thúc. Theo ông Chính, xây dựng NTM thời gian tới cần chú trọng chuyển từ lượng sang chất; lấy nông nghiệp, nông dân, nông thôn làm chiến lược; nông thôn mới làm căn bản; tái cơ cấu ngành nông nghiệp làm then chốt và người nông dân làm chủ thể.

Ngọc Vũ