dd/mm/yyyy

Quảng Trị quyết biến đỉnh Sa Mù thành "tiểu Đà Lạt" nhờ nông nghiệp công nghệ cao

Tỉnh Quảng Trị đang kỳ vọng xây dựng đèo Sa Mù, huyện Hướng Hóa thành “tiểu Đà Lạt”, bởi điều kiện đất đai, khí hậu nơi đây được đánh giá rất phù hợp phát triển nhiều sản phẩm nông nghiệp công nghệ cao.

Hiện địa phương đang áp dụng khoa học kỹ thuật để nhân rộng các loại hoa cao cấp như Lily, tulip, các giống cây ăn quả, dược liệu quý hiếm.

Tăng cường liên kết, mở rộng sản xuất

Sẽ ít ai ngờ, giữa đỉnh núi hoang sơ của dãy Trường Sơn lại phù hợp để trồng các loại hoa, dược liệu có giá trị. Nhưng đây là thực tế, sau 1 năm nghiên cứu, thử nghiệm, mô hình trồng hoa Lily, tuilip trong nhà kính, giống nhập từ Hà Lan phát triển tốt trên đèo Sa Mù, huyện Hướng Hóa – nơi có độ cao hơn 1.000m.

Ông Nguyễn Đức Chính – Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị khảo sát mô hình trồng hoa và kỳ vọng xây dựng đèo Sa Mù thành
Ông Nguyễn Đức Chính – Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị khảo sát mô hình trồng hoa và kỳ vọng xây dựng đèo Sa Mù thành "tiểu Đà Lạt"

Trạm nghiên cứu, ứng dụng khoa học công nghệ Bắc Hướng Hóa (thuộc Sở Khoa học và Công nghệ Quảng Trị) đang trồng thành công hơn 17.000 gốc hoa Lily và tulip. Mỗi loài hoa được trồng 6 giống khác nhau, nhập khẩu từ Hà Lan để chọn ra giống thích hợp.

Bên cạnh đó, đơn vị cũng đã thử nghiệm được loại thảo dược Đông trùng hạ thảo quý hiếm.

Thảo dược Đông trùng hạ thảo được thử nghiệm thành công.
Thảo dược Đông trùng hạ thảo được thử nghiệm thành công.

Từ những kết quả tích cực trong việc nghiên cứu, sản xuất các loại hoa, dược liệu của Sở Khoa học và công nghệ, năm 2018 tỉnh Quảng Trị đã có chủ trương triển khai dự án Khu thực nghiệm sản xuất chất lượng cao với tổng số vốn đầu tư trên 10 tỉ đồng.

Dự án chuyên nghiên cứu cây trồng, con nuôi mới phù hợp với khí hậu và thổ nhưỡng của khu vực đèo Sa Mù, xã Hướng Phùng, huyện Hướng Hóa. Từ đó nhân rộng để người dân khu vực này cải thiện cuộc sống, góp phần xóa đói giảm nghèo, thúc đẩy phát triển kinh tế, đồng thời tạo điểm nhấn phục vụ phát triển du lịch.

Hiện nay, dự án đã xây dựng trên diện tích 7 ha, áp dụng thành công khoa học kỹ thuật để nhân rộng các loại hoa cao cấp như: lily, hoa tulip và đang nghiên cứu, nhân rộng các giống cây ăn quả, dược liệu quý hiếm.

Đến khảo sát tại khu thực nghiệm trồng hoa ngoại nhập, ông Nguyễn Đức Chính – Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị cho rằng, đây là mô hình nông nghiệp đầu tiên tại đèo Sa Mù. Nơi đây rất phù hợp để phát triển nông nghiệp công nghệ cao. Đây là cơ sở, tiền đề để các doanh nghiệp nghiên cứu, đầu tư.

Cây dâu phát triển tốt trong điều kiện khí hậu tại đèo Sa Mù.
Cây dâu phát triển tốt trong điều kiện khí hậu tại đèo Sa Mù.

“Để phát triển nông nghiệp hiệu quả hơn trên đèo Sa Mù, không dừng lại ở việc nghiên cứu, thử nghiệm thì trong tương lai gần cần phải kéo doanh nghiệp vào đây để cùng liên doanh, liên kết, biến vùng này trở thành vùng trồng hoa quả, rau sạch để cung cấp cho thị trường. Đây là mô hình trọng điểm trong ứng dụng công nghệ cao của tỉnh. Phải tạo ra những sản phẩm ứng dụng công nghệ cao, bảo đảm an toàn”, ông Chính nói.

Xây dựng “tiểu Đà Lạt” trên đỉnh Sa Mù

Mặc dù đây mới chỉ là kết quả bước đầu, nhưng là tín hiệu vui để tỉnh Quảng Trị có những bước đi phù hợp, tiệm cận với nền sản xuất nông nghiệp hiện đại trong tương lai gần, cũng là cơ sở trong kêu gọi, thu hút đầu tư vào khu vực được xem là rất lý tưởng này.

Nền nhiệt tại đèo Sa Mù được đánh giá tương đồng với Đà Lạt.
Nền nhiệt tại đèo Sa Mù được đánh giá tương đồng với Đà Lạt.

Ông Trần Ngọc Lân – Giám đốc Sở KH-CN đánh giá, sau khi nghiên cứu kỹ lưỡng, khoa học điều kiện khí hậu tại khu vực này, Sở KH-CN đã quyết tâm đầu tư mô hình hoa, cây cảnh và các loại cây dược liệu phù hợp điều kiện khí hậu ôn đới tại Sa Mù.

“Bước đầu mô hình đã thành công, các loài hoa ở xứ lạnh đã phù hợp với khí hậu nơi đây. Vì vậy, năm 2019 đơn vị tiếp tục triển khai và nhân rộng mô hình này nhằm phát triển có hiệu quả, khai thác tiềm năng lợi thế của khu vực này”, ông Lân nói.

Ông Nguyễn Đức Chính – Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị cho rằng, nơi đây có những tiềm năng để phát triển thành “tiểu Đà Lạt” ở Quảng Trị, bởi đây cũng có khí hậu tương đồng với Đà Lạt. Mục tiêu là hướng đến xây dựng khu vực này trở thành trọng điểm ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao, nhằm phát triển sản xuất. Tỉnh đã chỉ đạo cho Sở KH-CN và Sở NN&PTNT huy động nguồn lực của người dân và doanh nghiệp đóng góp để phát triển khu vực này.

Đăng Đức