Quảng Ninh: Chi 1.200 tỷ đồng cho công tác phòng, chống dịch Covid-19

01/04/2020 11:33 GMT+7
Quảng Ninh thống nhất trích 4% trên tổng chi ngân sách và giảm 600 tỷ đồng từ kinh phí sự nghiệp để dự phòng cho công tác phòng, chống dịch.

Tại kỳ họp thứ 16 của HĐND tỉnh Quảng Ninh khóa XIII, nhiệm kỳ 2016-2021 theo hình thức trực tuyến tại 15 điểm cầu trên địa bàn toàn tỉnh đã thảo luận và quyết định một số nội dung liên quan đến nhiệm vụ, giải pháp cấp bách phòng, chống dịch Covid-19, đảm bảo an sinh xã hội và ổn định tình hình kinh tế, tài chính, ngân sách, giá đất, đầu tư các dự án....

Quảng Ninh dự chi khoảng 1.200 tỷ đồng cho công tác phòng, chống dịch Covid-19 - Ảnh 1.

Kỳ họp 16 HĐND tỉnh Quảng Ninh tiến hành trực tuyến và đảm bảo các quy định phòng dịch

Đặc biệt, trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh Covid-19, HĐND tỉnh Quảng Ninh thống nhất rà soát, tiết kiệm các nhiệm vụ chi chưa thực sự cần thiết để dành nguồn lực tối đa cho công tác phòng, chống dịch trong thời kỳ cao điểm, thực hiện nhiệm vụ “kép”: Vừa chống dịch, vừa đảm bảo an sinh xã hội và phát triển kinh tế - xã hội.

Các giải pháp đưa ra đã gắn trách nhiệm của các cấp ủy đảng, chính quyền trong công tác phòng chống dịch. Đảm bảo nguồn lực thực hiện; việc xây dựng nghị quyết lần này không chỉ thể hiện tính nhân văn, trách nhiệm của tỉnh đối với công tác phòng, chống dịch, mà còn góp phần kịp thời động viên, chia sẻ với người lao động thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo có hộ khẩu thường trú trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh bị mất việc làm. Người lao động trong các đơn vị sự nghiệp công lập thuộc tỉnh được giao tự chủ 100% về tài chính phải nghỉ việc không hưởng lương mà nguồn tài chính của đơn vị không còn khả năng để chi trả do ảnh hưởng của dịch Covid-19. 

Cụ thể, các đối tượng người lao động thuộc hộ nghèo, cận nghèo có hộ khẩu thường trú trên địa bàn tỉnh bị mất việc; viên chức, người lao động trong các đơn vị sự nghiệp công lập (được giao tự chủ về tài chính) sẽ được hỗ trợ 1 triệu đồng/người/tháng. Hình thức hỗ trợ bằng tiền trực tiếp trong tối đa 3 tháng, kể từ tháng 4/2020. Các đối tượng là người bị cách ly y tế, lực lượng tham gia, thường trực phòng, chống dịch sẽ được hỗ trợ tiền ăn, vật dụng thiết yếu theo quy định hiện hành. 

Đáng chú ý, HNND tỉnh Quảng Ninh thống nhất trích tối đa 4% trên tổng chi ngân sách cho dự phòng ngân sách các cấp và phương án điều chỉnh giảm 600 tỷ đồng từ kinh phí sự nghiệp có tính chất đầu tư, kinh phí mua sắm tài sản, chi hội nghị, hội thảo, chi đào tạo và công tác nước ngoài… để dự phòng nguồn lực cho công tác phòng, chống dịch Covid-19 trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh. 

Cùng với các giải pháp khác như tiết kiệm 10% trong chi thường xuyên năm 2020, trừ tiền lương và các khoản phụ cấp theo lương, tới nay, tỉnh Quảng Ninh đã dành nguồn lực khoảng 1.200 tỷ đồng cho công tác chống dịch Covid-19.

Bên cạnh đó, HĐND tỉnh Quảng Ninh cũng thông qua một số chính sách an sinh xã hội liên quan đến trẻ em, học sinh làng chài di dân lên bờ; hỗ trợ nhà ở cho người có công với cách mạng. Đồng thời, thảo luận và cho ý kiến đối với một số nội dung khác nhằm tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp, nhất là ngành Than, để đảm bảo duy trì sản xuất và ổn định đời sống công nhân lao động.

Quảng Ninh dự chi khoảng 1.200 tỷ đồng cho công tác phòng, chống dịch Covid-19 - Ảnh 2.

Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Xuân Ký kiểm tra Bệnh viện cách ly số 2 đặt tại Bệnh viện Lao và phổi Quảng Ninh.

Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Quảng Ninh Nguyễn Xuân Ký nhấn mạnh, tình hình dịch bệnh sẽ còn diễn biến phức tạp, do đó, bên cạnh việc khẩn trương triển khai thực hiện có hiệu quả các nghị quyết vừa được HĐND tỉnh thông qua, đề nghị UBND tỉnh, các cấp, các ngành, địa phương phải xác định công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19, bảo vệ an toàn sức khỏe, tính mạng của người dân theo phương châm.

Phát hiện sớm, báo cáo trung thực, cách ly kịp thời, điều trị tích cực, nhanh chóng khoanh vùng, tiêu độc, khử trùng là nhiệm vụ trọng tâm, cấp bách. Bám sát địa bàn, nắm chắc diễn biến tình hình dịch bệnh để chủ động, tích cực có biện pháp đồng bộ, kịp thời để kiểm soát khống chế, ngăn chặn bằng được sự lây lan. Không để bất kỳ trường hợp mắc Covid-19 nào nảy sinh từ địa bàn mà không được kiểm soát.

Nếu địa phương nào để xảy ra do lỗi chủ quan, lơ là, thiếu cảnh giác, thì người đứng đầu cấp ủy và chính quyền phải chịu trách nhiệm. Cơ quan, đơn vị, sở, ngành, phòng, ban chuyên môn nào mà không thực hiện nghiêm các chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ, để xảy ra tình trạng có CBNV, người lao động lây nhiễm dịch do không chấp hành nghiêm theo quy định tại công sở, thì người đứng đầu cơ quan đó phải chịu trách nhiệm trước tỉnh. 



Minh Minh
Cùng chuyên mục