dd/mm/yyyy

Phúc Than ngày càng phát triển nhờ xây dựng nông thôn mới

Với nhiều cách làm hay trong thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới (NTM), từ một xã có thu nhập bình quân chỉ đạt 14 triệu đồng/người/năm thì đến nay, xã Phúc Than (huyện Than Uyên, tỉnh Lai Châu) đã đạt 33 triệu đồng/người/năm. Bộ mặt nông thôn Phúc Than đang từng ngày khởi sắc; đời sống vật chất, tinh thần của người dân đang ngày một nâng lên.

Phúc Than là xã nằm ở phía Đông Bắc của huyện Than Uyên, với tổng diện tích tự nhiên là 6.283,85 ha. Hiện, xã có 24 bản với 4 dân tộc: Thái, Mông, Kinh, Dao cùng chung sống và phát triển.

Nông thôn mới là chủ trương đúng đắn của Đảng và Nhà nước

Trao đổi với Báo điện tử Trang Trại Việt, ông Nguyễn Trọng Hiệp – Chủ tịch UBND xã Phúc Than tâm sự: Phúc Than bước vào xây dựng NTM với xuất phát điểm rất thấp. Năm 2007, xã Phúc Than được tách ra từ xã Mường Than, khi đó thu nhập bình quân đầu người toàn xã chỉ đạt 14 triệu đồng/người/năm, khó khăn chồng chất khó khăn. Để thực hiện có hiệu quả Chương trình xây dựng NTM, xã đã thành lập Ban Chỉ đạo và cử các thành viên phụ trách các tiêu chí của từng thôn, bản để thường xuyên đôn đốc, nắm bắt tình hình thực tế ở cơ sở để giải quyết, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc.

 Từ trồng cây chè, nhiều hộ dân ở xã Phúc Than đã có nguồn thu nhập ổn định. 

Chia sẻ thêm về cách làm NTM ở Phúc Than, Chủ tịch UBND xã Phúc Than cho biết: Cách làm NTM ở Phúc Than là đưa ra cho người dân bàn luận, đóng góp ý kiến về các tiêu chí, chỉ tiêu trong 19 tiêu chí xây dựng NTM. Thôn, bản nào bà con đồng thuận cao, tích cực tham gia làm NTM thì xã cho triển khai thực hiện trước. Cứ như vậy, phong trào xây dựng NTM trở thành phong trào rộng khắp lan ra khắp toàn xã. Bà con người người làm NTM, nhà nhà làm NTM. Bởi vậy, đến cuối tháng 1/2019, xã Phúc Than đã được tỉnh Lai Châu công nhận đạt chuẩn NTM.

Để minh chứng cho những lời chia sẻ của vị lãnh đạo UBND xã Phúc Than, chúng tôi được ông Hiệp dẫn đi tham quan các công trình hạ tầng kỹ thuật; mô hình sản xuất, kinh doanh tiên tiến trên địa bàn xã.

Nhà nước chú trọng đầu tư hạ tầng giao thông để tạo điều kiện thuận lợi cho bà con giao thương phát triển kinh tế.

Trải bước cùng chúng tôi trên con đường bê tông phẳng lì, khang trang, ông Hiệp nói: Chương trình xây dựng NTM thực sự là chủ trương đúng đắn của Đảng và Nhà nước ta. Những năm qua, xã Phúc Than luôn nhận được sự chỉ đạo sâu sát của Huyện ủy, HĐND, UBND huyện Than Uyên. Điều đó được thể hiện bằng các Nghị quyết chuyên đề về xây dựng NTM, các chương trình, kế hoạch trong thực hiện nhiệm vụ lãnh đạo, chỉ đạo điều hành Chương trình NTM một cách thường xuyên, kịp thời.

Chương trình thể hiện sự quan tâm sâu sắc đến việc chăm lo cho phát triển kinh tế, văn hóa – xã hội cho người dân, đặc biệt là các hộ dân là đồng bào người dân tộc thiểu số ở các thôn, bản vùng cao.

 Bộ mặt nông thôn Phúc Than đang từng ngày đổi thay nhờ Chương trình NTM.

Cái gốc vẫn là phát triển sản xuất

Tìm đến Đội 10, xã Phúc Than, chúng tôi được trò chuyện với bà Tô Thị Bắc – một trong những gương nông dân điển hình trong phát triển kinh tế trang trại và tạo việc làm cho người dân địa phương trong việc nâng cao thu nhập.

Bà Bắc chia sẻ: Năm 2014, nhà tôi và các hộ gia đình trong thôn được cán bộ xã, cán bộ huyện xuống tập huấn kiến thức xây dựng các mô hình, trang trại trong phát triển kinh tế để nâng cao thu nhập cho bà con. Gia đình tôi đã đầu tư xây dựng chuồng trại nuôi lợn thịt. Nhờ áp dụng đúng kỹ thuật chăn nuôi đã được tập huấn cộng với kiến thức tự học, hiện nay đàn lợn nhà tôi đã phát triển lên đến 700 con. Mỗi năm, tôi thu lãi khoảng 700 triệu đồng và tạo việc làm cho 3 hộ dân khác với mức thu nhập 4 triệu đồng/người/tháng.

Trang trại chăn nuôi lợn của bà Tô Thị Bắc ở Đội 10, xã Phúc Than tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho các hộ dân khác.

Nhận xét về hộ nông dân Tô Thị Bắc, ông Hiệp chia sẻ: Gia đình ông Hùng là một trong những hộ làm kinh tế tiêu biểu của xã. Không những làm kinh tế giỏi, ông Hùng còn tạo việc làm và nâng cao thu nhập cho nhiều hộ dân khác, góp phần giúp xã Phúc Than hoàn thành tiêu chí thu nhập.

Theo ông Hiệp: Ngoài ra để nâng cao thu nhập cho người dân, xã Phúc Than đang chú trọng phát triển nhiều cây trồng chủ lực phù hợp với thế mạnh của địa phương như cây chè ở vùng thấp và cây thảo quả ở các bản vùng cao. Hiện, xã có 273 ha chè, trong đó 178 ha đã cho thu hoạch và 116 ha thảo quả. Từ trồng chè và thảo quả, mỗi năm các hộ dân trồng chè và thảo quả cũng có nguồn thu từ hàng chục đến hàng trăm triệu đồng. Để xây dựng NTM thành công, cái gốc vẫn là phát triển sản xuất. Đến nay, thu nhập bình quân đầu người trên địa bàn xã đã đạt 33 triệu đồng/người/năm.

 Cấp ủy, chính quyền xã Phúc Than phối hợp với các ngành liên quan để giúp người dân vay vốn, đầu tư phát triển sản xuất. 

Đối với diện tích chè ở xã Phúc Than, hiện nay đang được Công ty TNHH chè Hồng Đức liên kết với các hộ dân trong việc bao tiêu sản phẩm đầu ra.

Cùng với phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập cho người dân, xã Phúc Than đã nhựa hóa, bê tông được 112,28 km đường giao thông nông thôn; các công trình như: Trường học, nhà văn hóa, trạm y tế... được đầu tư xây dựng khang trang, đảm bảo điều kiện tốt nhất để nâng cao chất lượng cuộc sống của bà con.

Trong thời gian tới, cấp ủy, chính quyền xã Phúc Than tiếp tục duy trì và nâng cao chất lượng các tiêu chí đã đạt bằng cách thực hiện đầu tư đồng bộ kết cấu hạ tâng đã được phê duyệt; đẩy mạnh và thực hiện tốt các cơ chế chính sách an sinh xã hội; tiếp tục chuyển đổi diện tích đất kém hiệu quả sang phát triển cây trồng chủ lực để từng bước nâng cao thu nhập, mức sống của người dân.

 

 

Tuệ Linh - Thanh Ngân