dd/mm/yyyy

(Phú Thọ) Quảng Nam: Tập trung nâng cấp để đưa đặc sản khoai chà thành sản phẩm OCOP

Sau gần 10 năm triển khai Chương trình xây dựng nông thôn mới (NTM) đã tạo nên diện mạo mới mẻ và khác biệt trên địa bàn xã Phú Thọ, huyện Quế Sơn (Quảng Nam). Những con đường bê tông sạch đẹp, khang trang; trạm y tế, trường học, nhà văn hóa được đầu tư… ở hầu hết các thôn, xóm được xây dựng mới, nâng cấp, sửa chữa; đời sống người dân được cải thiện đáng kể.

Đòn bẩy từ kinh tế rừng

Ông Võ Văn Khôi – Phó chủ tịch UBND xã Phú Thọ cho biết, xác định tầm quan trọng của việc xây dựng NTM, thời gian đầu, Phú Thọ đã thành lập ban chỉ đạo xây dựng NTM; đồng thời thành lập tổ công tác tiến hành khảo sát, đánh giá thực trạng theo 19 tiêu chí. Mục tiêu chính là để người dân tham gia vào tất cả các công việc theo kế hoạch đề ra và được thụ hưởng các thành quả do chương trình mang lại.

Nhờ NTM mà hạ tầng nông thôn xã Phú Thọ được đầu tư, xây dựng này càng đồng bộ, khang trang.

Qua gần 10 năm thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM, Phú Thọ đã xây dựng được 12km đường giao thông trục xã, liên xã; 28km đường trục thôn, xóm được cứng hoá; 17km đường ngõ, xóm sạch và không lầy lội vào mùa mưa; 2,65km đường trục chính nội đồng được cứng hoá, xe cơ giới đi lại thuận tiện; Ngoài giao thông, thi hàng loạt các công trình khác như trường học, trạm y tế, nhà văn hóa, sân thể thao, điện, kênh mương thủy lợi… được địa phương đầu tư xây dựng, cơ bản đáp ứng được nhu cầu sinh hoạt cho người dân.

Theo ông Khôi, mục đích cuối cùng của việc xây dựng nông thôn mới (NTM) là nâng cao đời sống người dân ở nông thôn. Để hiện thực hóa mục tiêu này, thời gian qua, xã Phú Thọ, huyện Quế Sơn, tỉnh Quảng Nam đã triển khai, xây dựng nhiều mô hình sản xuất nông nghiệp, chú trọng phát triển kinh tế rừng và chăn nuôi, bước đầu đã mang lại hiệu quả và góp phần tích cực trong xóa đói giảm nghèo, tăng thu nhập cho nhiều nông dân.

Trạm y tế nơi khám chữa bệnh ban đầu cho người dân xã Phú Thọ.

Kinh tế chủ lực của xã là trồng rừng, hiện nay toàn xã có trên 1.500ha rừng trồng, với hơn 50% số hộ có rừng. Nhờ phát triển kinh tế rừng mà thu nhập của các hộ tăng đều qua các năm. Mỗi ha rừng trồng (3 - 4 năm) cho thu nhập từ 60 - 70 triệu đồng/ha, tiêu biểu phải kể đến hộ ông Nguyễn Thành Quang, ở thôn An Xuân, trồng trên 15ha;  hay hộ hộ ông Trần Ngọc Thạch, trồng trên 20ha, thu nhập từ trên 200 triệu đồng/hộ/năm…

Nhiều mô hình chăn nuôi, trồng trọt cho thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm.

Bên cạnh mô hình trồng rừng, thì địa phương cũng xây dựng nhiều mô hình kinh tế khác, có hiệu quả kinh tế cao như: Mô hình chăn nuôi bò, nuôi heo, trồng lúa và một số loại cây hoa màu khác như sắn, ngô, khoai lan, rau sạch, ớt. Nhờ tích cực chuyển đổi cơ cầu cây trồng, con vật nuôi, đưa nhiều mô hình kinh tế mới vào sản xuất mà kinh tế địa phương tăng trưởng ổn định. Thu nhập bình quân đầu người của xã năm 2018 đạt 32 triệu đồng/người/năm, hộ nghèo giảm còn 3,8%.

Đến nay, xã Phú Thọ đạt 14/19 tiêu chí NTM, còn 5 tiêu chí chưa đạt gồm: Giao thông, thủy lợi, cơ sở vật chất văn hóa, thu nhập, môi trường và an toàn thực phẩm, địa phương tiếp tục hoàn thành trong thời gian tới. Những thành quả xây dựng NTM mà Phú Thọ đạt được là động lực, bước đệm quan trọng để xã nhà vươn lên đạt những thành quả cao hơn trong tương lai.

Xây dựng “khoai chà” thành sản phẩm OCOP

Ông Khôi cho biết, xã Phú Thọ, huyện Quế Sơn (Quảng Nam) có truyền thống trồng khoai, toàn xã có hơn 150 hộ trồng khoai, mỗi năm cung cấp ra thị trường hằng trăm tấn khoai. Khoai được trồng chủ yếu là khoai Trùi Sa, loại khoai đặc biệt để làm khoai chà.

Địa phương đang xây dựng sản phẩm “khoai chà” thành sản phẩm OCOP, góp phần nâng cao thu nhập cho người dân.

Với mong muốn giữ nghề làm khoai chà truyền thống của người dân địa phương không bị mai một, anh Bùi Khắc Sơn (ở thôn An Phú, xã Phú Thọ) đã chủ động thành lập hợp tác xã nông nghiệp An Xuân Sơn, để thu mua, chế biến sản phẩm từ khoai, nhằm tạo thêm thu nhập cho bà con. Anh Sơn nói, đến Quế Sơn mà chưa thử khoai chà thì tiếc lắm.

Món khoai chà là đặc sản của xã Phú Thọ.

Còn ông Trần Đình Phú, một người đã gắn bó lâu năm với nghề khoai chà, tâm sự: “Trước đây, chủ yếu làm khoai chà để dùng trong gia đình, buôn bán không được bao nhiêu, nhưng từ khi có hợp tác xã khoai chà đã có được đầu ra, thu nhập của bà con cũng ổn định và chúng tôi rất phấn khởi.”

“Món khoai chà sẽ là một trong những sản phẩm tham gia OCOP của tỉnh Quảng Nam, góp phần nâng cao thu nhập cho người dân và bảo tồn các món ăn dân dã những mang giá trị truyền thống tốt đẹp của nông dân xứ Quảng”. – ông Võ Văn Khôi – Phó chủ tịch UBND xã Phú Thọ nói.

Trần Hậu – Gia Bảo