dd/mm/yyyy

Ớt thời… mạt vận

Ớt chín đỏ ngoài đồng không có người mua, thương lái thi nhau ép giá, tưởng ký hợp đồng bao tiêu với doanh nghiệp sẽ ngon ăn nào ngờ doanh nghiệp cũng “bỏ của chạy lấy người”. Đó là tình cảnh của người trồng ớt ở nhiều địa phương hiện nay.

 

Bỏ mặc không hái

Đã nhiều ngày nay, anh Dương Văn Dương, cán bộ Trạm Khuyến nông thị xã Phổ Yên (Thái Nguyên) bỏ mặc ruộng ớt của gia đình mình chín đỏ đồng mà không buồn thu hái vì giá rớt thảm hại. “Cách đây mấy hôm có người đặt mua của tôi 20 tấn nhưng họ chỉ trả với giá 4.000 đồng/kg nên tôi thôi luôn vì giá này chỉ đủ tiền thuê nhân công thu hái thôi”, anh Dương nói.

Cũng theo anh Dương, chi phí đầu tư gồm giống, phân bón,… cho một hecta ớt khoảng 35 triệu đồng, với mức giá như hiện nay, người dân lỗ khoảng 5 triệu đồng/ha.

 ot thoi… “mat van” hinh anh 1

Anh Hưng bỏ mặc cho ớt héo khô không hái.

Anh Dương cho biết, trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên có khoảng 200 – 300ha ớt đang đến thời kỳ thu hoạch. Nếu giá ớt không được cải thiện, nông dân sẽ lỗ nặng.

Còn anh Vũ Văn Hưng ở xã Kim Đính, huyện Kim Thành (Hải Dương) thì bỏ mặc ruộng ớt không chăm sóc, thu hái vì giá quá rẻ, chỉ được 4.000 – 5.000 đồng/kg, trong khi công thu hái cũng đạt đến mức này. “Thấy nhiều địa phương kêu gọi giải cứu ớt nhưng ớt thì giải cứu kiểu gì”, anh Hưng chua chát nói.

 ot thoi… “mat van” hinh anh 2

Ớt bị sâu bệnh cũng mặc kệ.

Tại Lạng Sơn, Quảng Ngãi,… rất nhiều nông dân cũng cho biết, giá ớt đang giảm thảm hại. Ví như trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn, theo thống kê, lượng ớt còn tồn trên cánh đồng chưa có nơi tiêu thụ lên đến vài trăm tấn.

Thêm một “nạn nhân” của Công ty Thiên An

Ký hợp đồng với Công ty CP Đầu tư quốc tế Thiên An (TP.Hải Phòng) trồng 17ha ớt, 191 hộ nông dân ở các xã Cam Thủy, Cam Tuyền, Cam Hiếu và thị trấn Cam Lộ của huyện Cam Lộ (Quảng Trị) tưởng sẽ “chắc cú”, vậy mà đến lúc thu hoạch, không thấy bóng dáng doanh nghiệp đâu, bà con chỉ biết sốt ruột nhìn ớt chín đỏ đồng và héo úa. Ước tính, số lượng ớt còn tồn lên đến 80 tấn.

 ot thoi… “mat van” hinh anh 3

Người dân Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế đã có hợp đồng bao tiêu với doanh nghiệp vẫn nếm "quả đắng".

Cực chẳng đã, UBND huyện Cam Lộ phải ra văn bản kêu gọi, vận động cán bộ, công chức, các ban ngành, đoàn thể giải cứu số lượng ớt này bằng cách mỗi người mua tối thiểu 9kg.  

Với các loại nông sản khác, việc giải cứu còn có vẻ dễ dàng nhưng với trái ớt, mỗi người sẽ làm gì với… 9kg?

Vậy mà danh sách “nạn nhân” của Công ty Thiên An vẫn chưa dừng lại ở đó khi có hàng trăm hộ dân của huyện Phong Điền (Thừa Thiên – Huế) cũng đang đứng ngồi không yên vì trót ký hợp đồng trồng ớt với doanh nghiệp này nhưng đến lúc thu hoạch thì “lặn mất tăm”.

Theo thống kê, đã có 20ha ớt được trồng theo hình thức liên kết trên đất Phong Điền. Công ty Thiên An ký hợp đồng bao tiêu 100% sản phẩm ớt trong 3 năm (có thể điều chỉnh giá theo từng năm) đối với đầu mối các HTX với giá 5.500 đồng/kg ớt tươi. Sau khi có giấy cam kết, người dân đã dành diện tích lớn cho việc trồng ớt. Thế nhưng, doanh nghiệp chỉ vào mua một vài đợt đầu mùa, đến nay thì vắng bóng.

Trồng tự phát, theo phong trào thất bại là một lẽ, giờ đã ký hợp đồng với doanh nghiệp mà vẫn thua thì rõ ràng người nông dân chẳng biết phải làm gì để sản xuất ổn định hơn.

Việc giải cứu, dù có vận động mua đến 9kg ớt thì cũng chỉ là giải pháp tạm thời và rõ ràng là không khả thi vì ớt vốn cay nay càng… cay hơn.

 

Khánh Nguyên