dd/mm/yyyy

Ông chủ cho lợn ăn 15 loại thảo dược sống khỏe giữa “bão” dịch bệnh

Dù dịch tả lợn châu Phi bùng phát ở nhiều địa phương, ảnh hưởng không nhỏ đến thị trường thịt lợn, nhưng trang trại nuôi lợn an toàn sinh học của ông Đinh Văn Chính ở Yên Khánh (Ninh Bình) vẫn không hề bị ảnh hưởng.

Cho lợn ăn 15 loại thảo dược

Để tiếp cận được chủ trang trại đặc biệt này, chúng tôi phải liên hệ và đặt lịch nhiều lần mới được gặp mặt. Hơn nữa, để vào được khu vực chăn nuôi, chúng tôi phải trải qua nhiều vòng xử lý khử trùng, từ tắm vệ sinh, trang phục bảo hộ, thiết bị tác nghiệp trên người cũng được xịt khử trùng.

Nhờ chăn nuôi sinh học, trang trại lợn của gia đình ông Chính vẫn thu lãi đều.
Nhờ chăn nuôi sinh học, trang trại lợn của gia đình ông Chính vẫn thu lãi đều.

“Hiện nay, dịch tả lợn châu Phi đang diễn biến rất phức tạp. Điều duy nhất chúng tôi có thể làm lúc này, chính là đẩy mạnh đầu tư vào chăn nuôi an toàn sinh học và xử lý khâu đầu vào trang trại, vệ sinh các khu vực xung quanh trang trại bằng vôi bột, phun tiêu độc khử trùng” - ông Chính chia sẻ.

Hiện tại, trang trại lợn sinh học của gia đình ông Chính có hơn 100 con lợn nái và hơn 500 con lợn thịt. Mọi quy trình chăn nuôi đều được thực hiện bài bản theo phương pháp riêng.

Ông Chính kể: Thời gian đầu, chăn nuôi theo phương pháp mới, cũng có nhiều người trong làng biết chuyện và lắc đầu cho rằng không khả thi. Nhưng bỏ ngoài tai tất cả, ông Chính vẫn quyết định chuyển hướng và đầu tư mạnh hơn vào các khâu chăn nuôi từ chuồng trại đến thức ăn, các công nghệ mới đều được áp dụng triệt để.

"Để trụ vững và phát triển, người chăn nuôi, nhất là chăn nuôi nông hộ cần phải tự phòng vệ cho mình bằng cách áp dụng các biện pháp chăn nuôi mới như nuôi lợn sinh học, hữu cơ...". Ông Đinh Văn Chính

“Đầu năm 2015, chúng tôi bắt đầu chuyển sang nuôi lợn sinh học. Theo đó, trang trại sử dụng cám riêng, có chứa 15 loại thảo dược nên khi cho lợn ăn, đàn lợn phát triển rất tốt, khoẻ mạnh, phân lợn thải ra không còn hôi thối như cho ăn cám công nghiệp và giảm mùi hôi đến 80%” - ông Chính nói.

Thu lãi trong bão dịch

Ông Chính cho biết thêm, nuôi lợn theo phương pháp sinh học thì không được sử dụng thuốc kháng sinh mà chỉ được dùng kháng sinh tự nhiên như tinh dầu tỏi và thảo dược N04. Hai loại kháng sinh tự nhiên này rất tốt trong chữa và điều trị các bệnh như ho và tiêu chảy ở lợn.

Ngoài việc áp dụng các kĩ thuật chăn nuôi sinh học, trang trại nhà ông Chính cũng thực hiện nghiêm các biện pháp phòng bệnh như cấm 100% người lạ ra vào trang trại. Các phương tiện vận chuyển vật nuôi và thức ăn chăn nuôi, đều được phun xịt tẩy trùng kỹ lưỡng. Thứ 2 và thứ 6 hàng tuần, gia đình ông Chính tiến hành rắc vôi bột xung quanh khu vực chăn nuôi và phun diệt ruồi muỗi định kỳ.

“Điều tôi thấy tâm đắc hơn cả là khi lợn nuôi theo phương pháp mới này không chỉ lớn nhanh mà thịt rất thơm ngon, không tồn dư kháng sinh nên bán ra thị trường rất được giá cao hơn 2 giá so với giá thị trường. Đặc biệt là trang trại chăn nuôi của gia đình đã giải quyết được vấn đề môi trường – vấn đề nan giải đối với nghề chăn nuôi lợn hiện nay” – ông Chính chia sẻ.

Đặc biệt, ông Đinh Văn Chính tiết lộ, trong đợt dịch tả lợn châu Phi lần này, nhiều lò mổ phải dừng hoạt động do tiêu thụ chậm, ế ẩm, nhưng các lò mổ chuyên giết mổ lợn mua của nhà ông Chính thì vẫn hoạt động bình thường, thậm chí có thời điểm còn thiếu hàng bán cho khách.

Ngoài chăn nuôi, gia đình ông Chính còn đầu tư mở rộng thêm khu giết mổ, đóng gói thịt lợn bán ra thị trường. Riêng trong năm 2018 vừa qua, đơn vị của ông đã cung ứng ra thị trường hơn 60 tấn lợn hơi, hàng nghìn con lợn giống, trừ chi phí đầu tư gia đình ông còn lãi trên 300 triệu đồng, giúp 3 lao động tại chỗ có việc làm thường xuyên với mức thu nhập bình quân 4 - 5 triệu đồng/người/tháng.

Phạm Quân