Nuôi ruồi lính đen bán trứng giá "khủng" từ 15-20 triệu đồng/kg, nhưng mùi hôi thối ai cũng sợ

Trần Đáng Thứ bảy, ngày 30/05/2020 13:14 PM (GMT+7)
Trước hấp lực giá “khủng” lên tới 15 - 20 triệu đồng/kg trứng thu được khi nuôi ruồi lính đen, thời gian gần đây, trên địa bàn TP.HCM, một số nông dân đã tự phát xây trại nuôi ruồi lính đen lấy nhộng và trứng bán. Tuy nhiên, do môi trường nuôi ô nhiễm khiến không ít nông dân ngậm quả đắng.
Bình luận 0

Mới đây, UBND huyện Củ Chi (TP.HCM) - địa phương đang có số trại nuôi ruồi lính đen nhiều nhất TP.HCM đã quyết định đóng cửa một cơ sở nuôi ruồi lính đen "triệu đô" của doanh nghiệp nước ngoài vì không xử lý được môi trường.

Loay hoay xử lý môi trường

Theo Phòng Kinh tế huyện Củ Chi, cho đến nay ngành chức năng của huyện chưa có thống kê chính xác con số trại nuôi ruồi lính đen (RLĐ) trên địa bàn. Hầu hết người dân nuôi tự phát chứ chính quyền không cấp phép nuôi RLĐ. Nguyên nhân là môi trường nuôi RLĐ luôn đi kèm với… ô nhiễm.

Xoay xở xử lý môi trường nuôi ruồi  lính đen - Ảnh 1.

Dùng chế phẩm sinh học xử lý mùi bã đậu nành trước khi cho RLĐ ăn tại trại nuôi RLĐ của ông H.H. Ảnh:T.Đ

Một cán bộ Phòng Kinh tế cho biết, hầu hết các trại nuôi RLĐ trên địa bàn đều gây ô nhiễm môi trường, bởi thức ăn cho RLĐ là những phụ phẩm hôi thối. "Người dân sống lân cận trại nuôi RLĐ nhiều lần khiếu kiện với chính quyền vì mùi hôi thối từ trại bốc lên suốt ngày đêm" - vị cán bộ này tiết lộ.

Ông H.H - chủ một trại nuôi RLĐ tại xã Tân Thông Hội (Củ Chi) cho biết, cách đây 5 tháng, ông mở trại nuôi RLĐ với quy mô 2.000m2, ngay cạnh khu dân cư. "Ngay thời gian đầu, người dân sống lân cận trại đã phản ứng vì mùi hôi từ các phụ phẩm hư thối dùng làm thức ăn cho RLĐ. Nếu tôi không có phương pháp khử mùi, chắc giờ dẹp trại luôn rồi" - ông H.H chia sẻ.

"Nông dân ai cũng có khả năng mở trại nuôi được RLĐ, có thể lấy trứng, nhộng bán hoặc dùng nuôi gia súc. Giá trị kinh tế của RLĐ rất cao, nên việc thoát nghèo cho bà con nông dân là trong tầm tay".

Ông H.H

Nếu ông H.H còn giữ được trại nuôi RLĐ đến giờ, thì sau hơn một năm theo nghề này, anh Hồ Ngọc Phương (huyện Hóc Môn) phải di dời trại nuôi RLĐ của mình ra khỏi khu vực dân cư vì môi hôi thối. 

"Trại quy mô chỉ 200m2, nhưng cũng không thể ngăn mùi hôi tỏa ra khu dân cư. Tôi phải dẹp trại vì một phần bà con phản đối mạnh quá, một phần cũng muốn chuyển đi nơi khác để mở rộng. Hiện, tôi có một trại nuôi RLĐ khá quy mô trên địa bàn tỉnh Bình Phước" - anh Phương cho biết.

Hiện phụ phẩm dùng làm thức ăn cho RLĐ chủ yếu là: bã đậu nành, bã hèm, xác mì, nội tạng động vật, thậm chí là phân gia súc, gia cầm… Theo anh Phương, ấu trùng RLĐ rất phàm ăn. Mỗi ngày, một con ăn một lượng thức ăn có trọng lượng bằng chính nó. Tính ra mỗi m2 chuồng nuôi sẽ xử lý 10-20kg thức ăn mỗi ngày. Để giảm chi phí nguồn thức ăn cho RLĐ, anh Phương đang chuyển sang dùng phân gia súc, gia cầm.

"Phân gia súc, gia cầm thường có chứa vi khuẩn, nhưng sau khi được ấu trùng RLĐ xử lý bằng cách ăn phân, phần còn lại hầu như không còn vi khuẩn, trở thành loại phân bón hữu cơ sạch" - anh Phương thông tin.

Tuy nhiên, theo nhiều người nuôi RLĐ, vấn đề "đau đầu" nhất trong mô hình này chính là làm cách nào xử lý mùi hôi, giảm ảnh hưởng đến khu dân cư.

Ông Nguyễn Phú Cường - Phó Chủ tịch Hội Nông dân huyện Củ Chi chia sẻ, mặc dù biết khả năng kinh tế từ nuôi RLĐ rất tốt cho người nuôi, nhưng Hội Nông dân không dám vận động nông dân nhân rộng mô hình vì sợ không quản được ô nhiễm môi trường.

Con thoát nghèo

Chúng tôi đến xem ông H.H xử lý mùi phụ phẩm dùng để nuôi RLĐ. Trước khi đưa hàng tấn bã đậu nành xuống trại nuôi RLĐ, ông H.H phun vào bã đậu nành một một loại chế phẩm sinh học có màu cà phê. Đây là loại dung dịch được ông H.H tự pha chế.

Hiện, nhộng RLĐ có giá dao động từ 40.000 – 50.000 đồng/kg. Hàng ngày, nhộng RLĐ thường được thu hoạch trong các lán nuôi, sau đó bán cho những người nuôi cá, nuôi gia súc gia cầm…

"Từ khi sử dụng chế phẩm này, trại nuôi RLĐ của tôi không còn bị người dân phản đối vì mùi hôi nữa. Chế phẩm này còn mang lại giá trị rất lớn, như: Thúc đẩy ấu trùng RLĐ lớn nhanh, diệt các vi khuẩn có hại giúp hạn chế dịch bệnh. Bên cạnh đó, chế phẩm này cũng có giá thành khá thấp" - ông H.H thổ lộ.

Sau khi đi kiểm tra tình hình chấn chỉnh ô nhiễm môi trường tại trại nuôi RLĐ của ông H.H và thấy ông H.H sử dụng chế phẩm sinh học để xử lý mùi tại trại, ông Nguyễn Hữu Hoài Phú - Chủ tịch UBND huyện Củ Chi đã chỉ đạo Phòng Kinh tế xây dựng quy trình và triển khai nhân rộng mô hình nuôi RLĐ. Ông Phú cũng đánh giá cao giá trị kinh tế từ RLĐ và chỉ đạo Phòng Kinh tế đẩy nhanh việc sản xuất cho người dân.

"Vấn đề nuôi RLĐ hiện nay là xử lý mùi để tránh gây ô nhiễm môi trường. Giờ đã làm được điều này, tôi nghĩ rằng nên phổ biến nghề này cho nông dân. Vì đây là một nghề không cần nhiều tiền để đầu tư. Nông dân ai cũng có khả năng mở trại nuôi được RLĐ, có thể lấy trứng, nhộng bán hoặc dùng nuôi gia súc. Giá trị kinh tế của RLĐ rất cao, nên việc thoát nghèo cho bà con nông dân là trong tầm tay"- ông H.H chia sẻ.n

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem