dd/mm/yyyy

Nuôi ngựa - hướng đi mới của ngành chăn nuôi Bát Xát

Những năm qua, với sự hỗ trợ của các cấp và các ngành, nông dân các địa phương huyện Bát Xát đã phát triển đàn ngựa, góp phần nâng cao thu nhập, cải thiện cuộc sống.


Nuôi ngựa - hướng đi mới của ngành chăn nuôi Bát Xát - Ảnh 1.

Nông dân Bát Xát nuôi ngựa với số lượng lớn.


Ông Vùi Văn Từa là một trong những hộ nuôi ngựa đầu tiên của thôn Ná Rin, xã Mường Vi. Trước đây, ông nghĩ nuôi ngựa khó hơn nuôi trâu, bò nên không đầu tư. Tuy nhiên, sau khi được hướng dẫn kỹ thuật cách chăm sóc ngựa, ông đã bán bớt trâu để chuyển sang nuôi ngựa hàng hóa. Hiện nay, gia đình ông có đàn ngựa 4 con đến kỳ xuất bán, tổng trị giá khoảng 120 triệu đồng. 

Ông Từa cho biết: “Ngoài việc chăn thả hằng ngày, gia đình tôi còn trồng thêm cỏ voi để làm thức ăn cho ngựa. Ngựa là gia súc có thịt ngon, ngọt, mềm nên được thị trường ưa chuộng. Thời gian tới, tôi sẽ xây dựng thêm chuồng, mở rộng diện tích cỏ voi để tăng số lượng ngựa”.Cách đây khoảng chục năm, gia đình ông Trần Văn Nam, ở thôn Lâm Tiến, xã Mường Vi thuộc diện hộ nghèo, dù làm việc quần quật, quanh năm “bán mặt cho đất, bán lưng cho trời” nhưng vẫn không đủ ăn. Khi được cán bộ ngành nông nghiệp hướng dẫn chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, ông Nam nhận thấy ngựa có đặc tính sinh trưởng, phát triển phù hợp với điều kiện tự nhiên của địa phương nên quyết định vay vốn ngân hàng để mua một cặp ngựa về nuôi. 

Ông Nam cho biết: Nuôi ngựa rất đơn giản, hằng ngày thả ra bãi cỏ, tối dắt về. Đồng đất Mường Vi cỏ xanh tốt quanh năm nên nuôi gia súc nói chung và ngựa nói riêng rất nhanh lớn, khỏe mạnh, sinh sản tốt. Đàn ngựa của gia đình tôi đã có hàng chục con lớn, nhỏ, nếu bán đi cũng thu về ngót 300 triệu đồng.

Thời gian qua, Dự án “Phát triển đàn ngựa hàng hóa” được triển khai đã tạo động lực, điều kiện thuận lợi cho người dân trên địa bàn huyện Bát Xát phát triển đàn ngựa. Nhờ sự hỗ trợ lãi suất của dự án, anh Thào A Hừ, ở thôn Làng Mới, xã Sàng Ma Sáo mạnh dạn vay vốn ngân hàng mua 10 con ngựa về nuôi. Sau gần 3 năm chăm sóc, đến nay đàn ngựa của gia đình anh đã tăng thêm 7 con. Nhằm đáp ứng nguồn thức ăn cho đàn ngựa, gia đình anh mở rộng diện tích trồng cỏ voi. Anh Hừ tâm sự: Nhờ có cán bộ ngành nông nghiệp giúp đỡ về kỹ thuật chăm sóc mà đàn ngựa của gia đình tôi phát triển tốt, không mắc các loại dịch bệnh.

Còn gia đình anh Giàng A Mềnh, ở thôn Sơn Hà, xã Cốc Mỳ đầu tư xây dựng chuồng trại, trồng cỏ voi và mua 10 con ngựa giống về nuôi. Những ngày đầu, anh lo ngựa không phù hợp với điều kiện tự nhiên của địa phương sẽ còi cọc, kém phát triển. Tuy nhiên, khi được nghe cán bộ ngành nông nghiệp giới thiệu về đặc tính sinh trưởng, phát triển của con ngựa rất phù hợp nuôi tại xã, anh đã phần nào yên tâm. Anh Mềnh cho biết: Khi biết huyện có dự án hỗ trợ nông dân lãi suất vay vốn trong 3 năm để mua ngựa về nuôi, gia đình tôi đã đăng ký. Hiện đàn ngựa của gia đình tôi đã tăng lên 12 con, tổng trị giá khoảng 250 triệu đồng. Tới đây tôi sẽ bán bớt những con ngựa to để trả tiền vay ngân hàng và chi tiêu trong gia đình.

Nuôi ngựa - hướng đi mới của ngành chăn nuôi Bát Xát - Ảnh 2.

Nuôi ngựa góp phần nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống cho người nông dân Bát Xát.

Được biết, Dự án “Phát triển đàn ngựa hàng hóa” của huyện Bát Xát có kinh phí hỗ trợ hơn 1,4 tỷ đồng. Mỗi hộ tham gia dự án được hỗ trợ vay 170 triệu đồng không lãi suất trong 3 năm để mua 10 con ngựa. Các hộ tham gia dự án còn được huyện hỗ trợ vật liệu xây dựng chuồng nuôi. Dự án đã thu hút hàng chục hộ ở các xã Sàng Ma Sáo, Cốc Mỳ, Ngải Thầu tham gia.

Huyện Bát Xát hiện có đàn ngựa gần 2.000 con, tăng gần gấp đôi so với 3 năm trước. Từ đó có thể khẳng định, con ngựa phù hợp với điều kiện tự nhiên của huyện Bát Xát và mang lại giá trị kinh tế cao cho người nông dân. Ông Sí Trung Kiên, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện cho biết: So với các loại gia súc khác như trâu, bò… thì ngựa có những ưu điểm vượt trội. 

Ngựa không những ăn cỏ mà ăn tinh bột vẫn phát triển rất tốt, phù hợp với điều kiện chăm sóc của người dân địa phương, nhất là vào mùa đông. Hơn nữa, giống ngựa thuần chủng ở Bát Xát rất khỏe, ít bị bệnh, nuôi nhanh lớn, thịt ngon nên được thị trường ưa chuộng. Bước đầu đánh giá việc nuôi ngựa của nông dân Bát Xát đã mang lại hiệu quả kinh tế cao, góp phần nâng cao đời sống người dân. Trong thời gian tới, chúng tôi tiếp tục tuyên truyền, vận động, hướng dẫn người dân cách chăm sóc, mở rộng và phát triển đàn ngựa.

Trung Nguyên