dd/mm/yyyy

NTM ở Quảng Nam: Huyện Hiệp Đức bức phá đi lên

Năm 2011, khi bắt đầu triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (NTM), qua kiểm tra và đánh giá, số tiêu chí của các xã ở huyện Hiệp Đức khá thấp, xã đạt cao nhất mới chỉ 2 tiêu chí. Thế nhưng, qua hơn 8 triển khai xây dựng, bằng nhiều giải pháp, cách làm hiệu quả, Hiệp Đức đã bức phá mạnh mẽ và đã có 4 xã được công nhận đạt chuẩn và năm 2019 này sẽ phấn đấu đưa thêm 2 xã cán đích.

Thu nhập tăng lên

Ông Nguyễn Như Công – Chủ tịch UBND huyện Hiệp Đức chia sẻ, có xuất phát điểm thấp, kinh tế chủ yếu là làm nông nghiệp, hạ tầng còn nhiều hạn chế, thế nhưng Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng NTM đã làm làm trợ lực rất lớn để huyện phát triển triển đi lên.

Giao thông ở Hiệp Đức đi lại khá thuận lợi đã giúp cho kinh tế phát triển, đời sống được nâng lên. Ảnh: H.Đoàn.

Theo ông Công, xác định mục tiêu chính của xây dựng NTM là nâng cao đời sống vật chất và tinh thân của người dân được nâng cao. Chính vì thế, ngoài việc chú trọng đầu tư hạ tầng cơ sở, Hiệp Đức xác định phát triển sản xuất, chăn nuôi và trồng trọt là yếu tố quan trọng  nhằm nâng cao đời sống của nông dân, làm cho bộ mặt nông thôn không ngừng đổi mới.

Nhờ tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng con vật nuôi, nên thu nhập người dân tăng lên đáng kể trong những năm qua.

“Chính vì thế, huyện luôn coi trọng việc xây dựng và thực hiện đề án phát triển sản xuất. Nhờ đó đã xuất hiện nhiều mô hình đem lại hiệu quả kinh tế cao như: mô hình lúa lai Xuyên Hương 178 tại các thôn Phú Cốc Đông, Phú Cốc Tây, An Xá, Mỹ Thạnh... Hay như mô hình cánh đồng mẫu tại xã Bình Lâm, Quế Thọ, Quế Bình… Đến nay, huyện Hiệp Đức đã hỗ trợ chuyển đổi hơn 164,6 ha/196,04 ha diện tích sản xuất lúa không chủ động nước, kém hiệu quả sang cây trồng khác có hiệu quả kinh tế như: ngô, lạc, đậu, rau các loại và trồng cỏ nuôi bò... Để phát triển và bảo tồn một số loại dược liệu của địa phương như: Cây Cà Gai leo, cây Đinh Lăng và cây Hoài Sơn… huyện đã hỗ trợ xây dựng 01 vườn ươm cây Cà Gai leo, cây Đinh Lăng và cây Hoài Sơn… Bên cạnh đó, đã Ban hành Đề án trồng rừng gỗ lớn giai đoạn 2018 – 2020, định hướng đến năm 2025 gắn với khảo sát cấp chứng chỉ rừng FSC. Duy trì diện tích cao su hiện có 1.710 ha...” – Ông Công chia sẻ.

Nhờ nông thôn mới mà huyện Hiệp Đức cơ sở hạ tầng được đầu tư đồng bộ, các làng quê đã thay da đổi thịt nhanh chóng. Ảnh: H.Đoàn.

Còn ông Huỳnh Đức Viên – Trưởng phòng NNPTNT huyện Hiệp Đức cho hay, thực hiền Đề án phát triển kinh tế vườn, kinh tế trang trại trên địa bàn huyện Hiệp Đức, giai đoạn 2016-2020, qua đó, đã tạo điều kiện thuận lợi cho cư dân nông thôn phát triển sản xuất, nâng cao năng suất góp phần nâng cao thu nhập. Giai đoạn 2016-2018, tổng sản lượng lương thực bình quân hằng năm đạt trên 13.300 tấn; Tổng đàn gia súc, gia cầm hằng năm đều tăng, trong đó bò lai đến nay chiếm 87,4 % so với tổng đàn...

Hiệp Đức đã hình thành nhiều mô hình chăn nuôi, trồng trọt hiệu quả đã giúp cho người dân có thu nhập ổn định. Ảnh: CTV.

Kinh tế phát triển ổn định, nhiều mô hình sản xuất, chăn nuôi, trồng trọt hiệu quả, nhất là kinh tế rừng (trồng keo) đã giúp cho thu nhập của người dân Hiệp Đức tăng lên đáng kể và hộ nghèo giảm mạnh. Nếu như năm 2016, toàn huyện có 2.264 hộ nghèo, chiếm tỷ lệ 19,87% thì đến năm 2018, toàn huyện còn 1.563 hộ nghèo, chiếm tỷ lệ 13,3%...

Hạ tầng đầu tư đồng bộ

Ông Nguyễn Như Công cho biết thêm, qua hơn 8 năm xây dựng NTM, bằng nhiều biện pháp, kế hoạch, lộ trình cụ thể, huyện Hiệp Đức đã có nhiều bức phá mạnh mẽ trên nhiều lĩnh vực của kinh tế, đời sống, xã hội…Từ nguồn vốn đầu tư xây dựng NTM của TW, tỉnh, huyện và các nguồn vốn lồng ghép từ các chương trình, dự án khác, thời gian qua huyện Hiệp Đức đã tập trung đầu tư cơ sở hạ tầng, nhất là hạ tầng phục vụ sản xuất, thiết yếu và dân sinh được tập trung xây dựng ngày một khang trang.

Hiệp Đức đã thay đổi diện mạo nhờ NTM.

“Riêng trong giai đoạn 2016-2018, huyện đã huy động 146.622 triệu đồng để tiếp tục đầu tư sở sở hạ tầng , trong đó vốn trực tiếp từ Chương trình từ Ngân sách trung ương, tỉnh là 40.451 triệu đồng; Ngân sách địa phương (huyện, xã) là 7.370 triệu đồng; Vốn lồng ghép từ các chương trình dự án là 93.166 triệu đồng và nhân dân góp 5.635 triệu đồng. Từ nguồn vốn này, huyện đã đầu tư cho thuỷ lợi là 13.819 triệu đồng; giao thông 69.005 triệu đồng; trường học 25.819 triệu đồng, cơ sở vật chất văn hoá 23.385 triệu đồng; cơ sở hạ tầng thương mại, môi trường... Nhờ đó, có 8 xã đạt tiêu chí giao thông; 9 xã đạt tiêu chí Thủy lợi; 11 xã đạt tiêu chí về Điện; 4 xã đạt tiêu chí Trường học; 6 xã đạt tiêu chí Cơ sở vật chất văn hóa...” – Ông Công chia sẻ.

Nhiều mô hình kinh tế mới được xây dựng.

Nhờ có định hướng đúng, cách làm hiệu quả nên các tiêu chí ở các xã tăng lên đáng kể. Đến nay, huyện Hiệp Đức đã có 4 xã là Quế Thọ, Quế Bình, Bình Lâm và Hiệp Thuận được UBND tỉnh công nhận xã đạt chuẩn NTM. Bên cạnh đó, xuất hiện ngày càng nhiều những tấm gương điển hình trong phong trào xây dựng NTM, nhiều hộ gia đình đã tự nguyện đóng góp tiền của, hiến đất, vật kiến trúc, hoa màu… để đầu tư xây dựng các công trình thiết yếu và dân sinh. Từ đó đã tạo nên một diện mạo mới, sức sống mới ở khắp các làng quê của Hiệp Đức.

“Mục tiêu đến năm 2020 phấn đấu đưa thêm 2 xã Bình Sơn và Hiệp Hòa đạt chuẩn NTM, đồng thời tiếp tục duy trì, nâng cao chất lượng các tiêu chí xã đã đạt chuẩn NTM. Nhất là tập trung các nguồn lực để đầu tư cho các xã chưa đạt chuẩn; Chú trọng phát triển sản xuất, chăn nuôi, xây dựng nhiều mô hình kinh tế, phát triển kinh tế rừng, nhất là mở rộng diện tích trồng gỗ lớn...” – Ông Công khẳng định.

Đ.H –T.H