dd/mm/yyyy

Nông thôn mới Sơn La nở hoa trăm sắc

Năm 2018, Sơn La đã có thêm 10 xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới, nâng tổng số xã đạt chuẩn trong tỉnh sau 7 năm thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM lên 26 xã; đạt và vượt chỉ tiêu của cả giai đoạn 2015-2020.

Theo ông Phạm Anh Hữu, Phó Chánh văn phòng điều phối NTM tỉnh Sơn La, để có được kết quả như trên, Sơn La đã phải có những cố gắng vượt bậc trên nhiều phương diện. Nếu nhìn lại những ngày đầu “khởi sự” NTM sẽ thấy rõ sự nỗ lực của Sơn La lớn đến nhường nào.

Người dân tham quan dây chuyền chề biến nông sản.
Người dân tham quan dây chuyền chề biến nông sản.

Những năm 2010-2011, các xã vùng nông thôn của Sơn La khi áp vào các tiêu chí NTM thì hầu như tất cả đạt dưới 5 tiêu chí. Đó là một khoảng cách rất lớn so với một tỉnh nhiều khó khăn lại vừa hoàn thành di dân tái định cư thủy điện Sơn La. Cuộc đại di dân tái định cư này không chỉ làm xáo trộn đời sống – sinh hoạt và sản xuất của hơn 30.000 hộ dân sở tại và dân chuyển đến mà còn lấy đi “điểm tựa lớn nhất” của nông dân – những vùng đất sản xuất thuận lợi nhất trong bao đời qua. Thậm chí, không ít địa bàn ở Mường La, Quỳnh Nhai, Thuận Châu… người nông dân phải lội ngược dòng, thay đổi hoàn toàn nếp sống và sản xuất: Từ canh tác trên cạn chuyển sang canh tác trên mặt nước; từ quen làm lúa ruộng chuyển sang làm đất nương; từ trồng cây lương thực ngắn ngày sang canh tác cây lâu năm; từ sản xuất quảng canh, tự túc sang thâm canh, sản xuất hàng hóa… Những khó khăn đó thật sự là những thách thức đâu phái một sớm, một chiều mà giải quyết xong.

Vậy nhưng Sơn La đã bắt tay vào xây dựng NTM một cách bình tĩnh, bài bản, hiệu quả và khá bền vững. Năm 2014, sau nửa thập kỷ xây dựng NTM, so với các địa phương khác trong cả nước, Sơn La vẫn ở hàng “đội sổ” vì chưa có xã nào cán đích NTM. Nhớ lại thời điểm đó ở thành phố Sơn La, khi ấy ông Nguyễn Quốc Khánh (hiện nay là Phó Chủ tịch UBND tỉnh Sơn La) là Bí thư Thành ủy nhưng luôn có mặt ở hầu hết những xã, bản đang xây dựng NTM của thành phố. Sự hiện diện của ông Khánh ở đâu là khó khăn ở đó được tháo gỡ một cách bài bản, từ công tác tuyên truyền, vận động, giải thích tới hành động, đổ vốn đầu tư… Một khi hệ tư tưởng cũ, lạc hậu bị phá vỡ, thay vào đó là những nhận thức mới, đầy đủ hơn, ưu việt hơn thì những hành động cũng tiến bộ hơn.

“Lúc đầu nói đến xây dựng NTM thì ai cũng thấy lo, thậm chí không ít người bàn lùi. Thế nhưng khi hiểu được vấn đề, biết được cách làm, biết làm NTM cho ai, vì ai thì bà con đồng thuận cao lắm. Nhiều hộ hiến đất, hiến công, hiến vật liệu và đóng góp ý kiến để làm NTM. Nhờ thế, cuối năm 2015 chúng tôi đã là xã cán đích NTM đầu tiên trong tỉnh” – ông Quàng Văn Hải, nông dân bản Tông, xã Chiềng Xôm, thành phố Sơn La, nói.

Lấy thực tiễn để chỉ đạo thực tiễn, sau Chiềng Xôm cán đích NTM, ở Sơn La, hàng loạt xã khác trong tỉnh rầm rộ bứt phá và cán đích NTM. Ông Nguyễn Đức Thành, Chủ tịch UBND huyện Mường La, tâm sự: Khi Chiềng Xôm xây dựng NTM, tôi đang là Phó Chủ tịch thành phố và đã rút ra rất nhiều kinh nghiệm tháo gỡ khó khăn trong thực tiễn. Nhờ thế, khi về làm Chủ tịch huyện Mường La – huyện nghèo của cả nước, tôi đã vận dụng nhiều kinh nghiệm vào địa bàn mới và đã hoàn thành việc xây dựng NTM ở 2 xã: Mường Bú và Mường Chùm dù địa bàn này có không ít thách thức. Điều lớn nhất chúng tôi rút ra từ xây dựng NTM ở miền núi là phải tạo được sự đồng thuận cao của người dân và phải tháo nút thắt đầu tiên: Nâng cao thu nhập ổn định cho chủ thể NTM. Từ những vấn đề then chốt đó, NTM sẽ lan tỏa sức mạnh và hiệu quả rất nhanh.

Để những người dân ở vùng NTM của Sơn La có mức thu nhập bình quân hơn 30 triệu đồng/năm là khó khăn không nhỏ nếu như không muốn nói là thác thức lớn. Nhưng Sơn la đã vượt qua rất ngoạn mục “tiêu chí số 1” này. Đến với những xã đã và đang sắp cán đích NTM ở Sơn La, thấy rõ những tiềm năng hàng hóa đang được đánh thức một cách hiệu quả.

PV