dd/mm/yyyy

Nông nghiệp hữu cơ Quảng Trị- cho đất nở hoa: DN đồng hành cùng nông dân

Theo ông Võ Văn Hưng (nguyên Giám đốc Sở NNPTNT Quảng Trị) thì phát triển nông nghiệp theo hướng bền vững là phải giải quyết được bài toán đầu ra cho sản phẩm nông nghiệp…

Giám đốc Sở NNPTNT 3 lần đi mời doanh nghiệp về đầu tư

Nhiều năm qua, nông nghiệp Quảng Trị vẫn bị ảnh hưởng lớn bởiđiệp khúc “được mùa mất giá”. Chìa khóa giải bài toán chính là phải có doanh nghiệp đồng hành. Vì vậy, lúc đang là “Tư lệnh” nghành nông nghiệp tỉnh, ông Võ Văn Hưng đã 3 lần trực tiếp vào mời chào Công ty Đại Nam về đầu tư.

Doanh nghiệp liên kết với Quảng Trị sản xuất gạo hữu cơ là Công ty Cổ phần Nông sản Hữu cơ Quảng Trị (QTOrganic), đơn vị thành viên của Công ty TNHH Sản xuất và Thương mại Đại Nam (công ty Đại Nam, có địa chỉ tại Bà Rịa - Vũng Tàu).

Cũng ít có doanh nghiệp nào khi được lãnh đạo tỉnh Quảng Trị mời gọi lại sẵn sàng chia sẻ những khó khăn, vất vả với nông dân như Công ty Đại Nam.

Nông nghiệp hữu cơ Quảng Trị- cho đất nở hoa: DN đồng hành cùng nông dân - Ảnh 1.

Gạo hữu cơ Quảng Trị hiện đã được bày bán tại các siêu thị trên toàn quốc. ảnh D.L

Để “có đi có lại”, đại diện công ty đã đàm phán với nông dân với những “điều khoản” bắt buộc. Đó là: nông dân phải dùng phân bón Ong Biển do công ty sản xuất; tuyệt đối không dùng phân hóa học, thuốc trừ sâu trong quá trình canh tác. Ngoài ra, nông dân phải tuân thủ kỹ thuật thâm canh đúng với cán bộ kỹ thuật của công ty, của Sở NNPTNT hướng dẫn..

Đổi lại, công ty tuyên bố bao tiêu sản phẩm, cam kết mua thóc tươi, trả tiền ngay tại ruộng. “Nếu đến kỳ thu hoạch, diện tích nào có sản lượng dưới 2,5 tạ/sào (50 tạ/ha), công ty sẽ bù phần lỗ mất mùa đó cho bà con”- đại diện công ty “chốt” như vậy. Ngoài ra, Công ty Đại Nam cũng cam kết trả tiền tươi 7.000 đồng/kg và “bao cấp” từ cái bao đựng lúa cho đến phân bón và nhận sản phẩm ngay tại ruộng, khi bà con vừa thu hoạch xong.

Theo ông Trần Đại Nam, Tổng Giám đốc Công ty Đại Nam, bao đời nay, người nông dân lam lũ với nghề nông và cũng khó “cất mặt” lên được. Việc trồng lúa chỉ đủ ăn hay có dư thì cũng được chút ít làm người nông dân khó thoát ra được tư duy đó. Nhưng nếu đưa gạo hữu cơ chế biến ra các sản phẩm khác thì giá trị từ hạt gạo sẽ tăng lên gấp nhiều lần. Theo đó, giá thu mua lúa cho nông dân sẽ được tăng lên, thị trường cũng được mở rộng. Khi đó, người nông dân sẽ không chỉ đủ ăn, đủ mặc mà có thể làm giàu trên đồng ruộng của mình.

Nông nghiệp hữu cơ Quảng Trị- cho đất nở hoa: DN đồng hành cùng nông dân - Ảnh 2.

QTOrganic thu mua và trả tiền tươi tại ruộng cho nông dân Quảng Trị. ảnh D.L

Luôn sát cánh, hỗ trợ nông dân trong việc phát triển bền vững sản xuất nông nghiệp hữu cơ, Công ty đã đầu tư xây dựng nhà máy chế biến nông sản hữu cơ tại Quảng Trị với nguồn vốn đầu tư 100 tỷ đồng. “Khi đi vào hoạt động, đây sẽ là một khu phức hợp các công trình chế biến nông sản hữu cơ như gạo, cà phê, lạc, ngô…Quy trình sản xuất được khép kín từ khâu gieo trồng, thu hoạch đến khâu chế biến, đóng gói, thu hồi phụ phẩm…Người nông dân sẽ không còn lo lắng đầu ra nông sản mà chỉ cần làm cho thật tốt”- ông Nam chia sẻ.

Chỉ sau 5 vụ lúa kể từ khi thực hiện mô hình đầu tiên ở huyện Gio Linh, thương hiệu gạo hữu cơ “Gạo Quảng Trị” không chỉ trong nước mà còn ở nước ngoài biết đến.

Cho những mùa vàng

Chúng tôi về xã Vĩnh Thuỷ (huyện Vĩnh Linh- Quảng Trị), khi cánh đồng đang vào vụ gặt. Lúa chín vàng trải đều rập rờn trong tiếng máy gặt chạy lúc xa, lúc gần.

Ông Trần Văn Hải - Giám đốc HTX Đức Xá (xã Vĩnh Thủy) nói như khoe: “Đây đã là vụ thứ 6 bà con nông dân làm lúa hữu cơ. 5 vụ trước đều thành công hơn mong đợi, lúa năng suất cao, giá thu mua ổn định, thu hoạch xong bà con lãi lớn”.

Ở HTX Đức Xá có 5 tổ đội tương ứng với 5 cánh đồng. Bây giờ đã có đến 4 đội làm lúa gạo hữu cơ. Những cánh đồng trước đây dù có bỏ bao công sức cũng chỉ bén năng suất cao nhất tầm 60 tạ/ha. “Bây giờ, nhiều vụ liên tiếp khi làm lúa hữu cơ, nông dân vác cuốc ra thăm đồng trước khi gặt là đã biết chắc trong tay có được năng suất trên 70 tạ/ha rồi”- ông Hải hồ hởi chuyện trò.

Khi trao đổi với ông Cao Đình Lập, một xã viên tham gia mô hình làm lúa hữu cơ tại xã Vĩnh Thuỷ (huyện Vĩnh Linh) thì ông nói chắc: “Chơi kiểu gì cũng có…lãi”. Vì theo ông Hải, sau 5 vụ thu hoạch, chưa vụ nào gia đình ông bị mất mùa. Các vụ sau cho năng suất luôn cao hơn vụ trước bởi càng làm càng có nhiều kinh nghiệm. “Hai vụ đầu tiên, gia đình chỉ làm hơn mẫu ruộng thôi. Khi thu hoạch, “tiền tươi thóc thật” trên bờ ruộng, trừ tiền phân, giống, ông lãi khoảng 40 triệu đồng. Vụ vừa nhà làm lên 3 mẫu, lãi hơn 100 triệu đồng giữa ruộng”- ông Lập vỗ hai bàn tay đánh “bộp” một phát to tướng để kết thúc câu chuyện.

Chúng tôi cũng đã trở lại xã Gio Mỹ (huyện Gio Linh) để nghe bà con nông dân nói chuyện mùa vàng. Anh Nguyễn Giang, Giám đốc HTX dịch vụ nông nghiệp Phước Thị (HTX Phước Thị), bảo trước đây vận động mãi mới được, bây giờ thì bà con tự nguyện lắm rồi. “Từ ban đầu mới gần 20 ha diện tích. Bây giờ, chúng tôi đã có gần 50ha làm lúa gạo hữu cơ. “Chúng tôi có tăng diện tích nhưng cũng phải căn cơ làm đúng lộ trình chứ không thể vội vàng tăng đột ngột được”- anh Nguyễn Giang bộc bạch.

Nông nghiệp hữu cơ Quảng Trị- cho đất nở hoa: DN đồng hành cùng nông dân - Ảnh 3.

Nông dân có thêm nguồn lợi từthu hoạch cá trên cánh đồng lúa hữu cơ

Các nông dân Nguyễn Tài Xử, Nguyễn Văn Nhất (ở Gio Mỹ) cũng đều có hơn 2 mẫu ruộng (hơn 1ha) làm lúa hữu cơ. Mấy niên vụ liền được mùa, được giá, thóc đưa tiền nhận tại ruộng nên phấn khởi lắm. Ông Xử không giấu được niềm vui: “Đến bữa chừ mới thấy được làm nông có sướng. Trước thì mùa vụ bấp bênh, ruộng khô cằn nên có cố cũng không khá lên được. Nay thì khác, mùa màng cứ bội thu. Xong gặt là tiền dằn túi biết ngay lãi được “mấy trự” (mấy đồng). Mong làm sao có nhiều doanh nghiệp đến với nông dân như vậy”.

Tại huyện Hải Lăng, lúa hữu cơ cũng được đứng vững và mang nhiều niềm vui đến cho nông dân. Ông Nguyễn Trung Trực Giám đốc HTX Đại An Khê (xã Hải Thượng)cho biết dù địa thế vùng bán sơn địa, nhưng từ khi làm lúa hữu cơ, thu nhập của bà con xã viên luôn cao và ổn định. “Cứ cấy 1ha lúa,người dân lãi năm, bảy chục triệu đồng, nhà nào càng cấy nhiều lãi càng lớn.Trải qua 5 vụ, đến nay có thể khẳng định trồng lúa hữu cơ ở đây rất thành công”- ông Trực định như vậy.

Nói về những cam kết và hỗ trợ cho nông dân của QTOrganic, ông Võ Văn Hưng nhấn mạnh: “Cái hay của quá trình sản xuất gạo hữu cơ là Cty cam kết thu mua hết sản phẩm (lúa tươi) và thanh toán tiền tại đồng ruộng với giá cao hơn thị trường khoảng 30%. Liên kết này mang lại hiệu quả về kinh tế cho người nông dân, đưa lại sản phẩm an toàn cho người sản xuất và tiêu dùng, tạo được sự bảo vệ bền vững cho môi trường”.

Tâm Nguyễn