dd/mm/yyyy

Nông dân Quảng Trị đưa chanh leo vi vu đất Pháp

Lô chanh leo đầu tiên thu hoạch từ mô hình liên kết giữa doanh nghiệp và nông dân ở tỉnh Quảng Trị đã xuất khẩu đi Pháp thành công. Người nông dân nhờ đó cũng thu hàng trăm triệu sau mấy tháng chuyển đổi cây trồng – điều mà ít ai dám mơ tới ở vùng quê nghèo này.

Bội thu mùa chanh leo trên núi

Cuối tháng 5/2019, có mặt tại những vườn chanh leo sai trĩu ở huyện nghèo miền núi Hướng Hóa (Quảng Trị) sẽ thấy nụ cười của người nông dân nơi đây. Bởi, chanh leo được mùa được cả giá.
Dẫn chúng tôi ra vườn chanh leo đang độ cho thu hoạch, ông Lê Đình Tường – một hộ dân trồng chanh leo tại xã Tân Liên (Hướng Hóa) cười nói: “Đây là đợt bói quả đầu tiên mà thắng lớn rồi cô chú ạ”.

Chanh leo Quảng Trị đã có mặt ở thị trường Pháp.
Chanh leo Quảng Trị đã có mặt ở thị trường Pháp.

Chỉ vào những thùng chanh vừa được thu hái trong vườn nhà chuẩn bị đem đi cân bán cho công ty liên kết, ông Tường khoe, giá chanh leo loại 1 đạt 26.000 đồng/kg, loại 2 và 3 bán được 21.000 đồng/kg. Vườn nhà ông do chăm sóc tốt, đúng kỹ thuật nên đa phần là chanh loại 1. Theo đó, với diện tích 0,7ha, sản lượng chanh dự kiến cho thu hoạch 10 tấn trong đợt này. “Chỉ cần bán với giá trung bình khoảng 20.000 đồng/kg thì đợt đầu tiên này tôi thu khoảng 200 triệu đồng” - ông Tường nói và cho biết, chanh leo thu làm nhiều đợt, đợt bói đầu quả ít, từ đợt thứ 2 trở đi năng suất sẽ tăng cao, gấp đôi gấp ba đợt đầu tiên.

Ông Tường tâm sự, trước kia toàn bộ khu vườn nhà ông chỉ để trồng chuối. Năm nào được mùa gia đình ông đút túi khoảng 10-12 triệu đồng, đủ sống tạm bợ qua ngày. Còn những năm chuối mất giá, mưa bão gãy đổ thì trắng tay, không thu được đồng nào. Thế nên, bao năm nay cái nghèo đói vẫn đeo bám gia đình ông.

Theo Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Quảng Trị, ước tính mỗi héc ta chanh leo sẽ cho khoảng 15 tấn quả tươi (có vườn đạt 20 tấn quả tươi/ha). Với giá thu mua từ 10.000-25.000 đồng/kg, trừ chi phí, nông dân lãi ít nhất 100 triệu đồng/ha.

Song bây giờ thì khác. Mới trồng chanh leo mấy tháng, gia đình ông đã lãi khoảng 50 triệu đồng từ đợt thu hoạch đầu tiên. Từ nay đến Tết còn thu 2 đợt nữa và dự kiến sẽ lãi nhiều hơn vì chi phí bỏ ra ít hơn đợt đầu, trong khi năng suất lại tăng cao.

Ông Lâm Hùng, một hộ trồng chanh leo khác ở xã Tân Lập cũng thừa nhận, cây chanh leo đang đem lại hiệu quả kinh tế cao. Gia đình ông trồng thử 0,3ha, đợt này cũng thu được mấy chục triệu đồng.

Chỉ về phía vườn cà phê bỏ hoang, cỏ dại mọc đầy phía trước mặt, ông Hùng nói: “Vụ tới tôi sẽ phá bỏ toàn bộ cà phê để chuyển sang trồng chanh leo. Bởi để cà phê như mấy năm nay cũng không thu được đồng nào. Trồng chanh giá như hiện nay, đầu ra được đảm bảo thì có cơ hội đổi đời”. Theo Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Quảng Trị, ước tính mỗi héc ta chanh leo sẽ cho khoảng 15 tấn quả tươi (có vườn đạt 20 tấn quả tươi/ha). Với giá thu mua từ 10.000-25.000 đồng/kg, trừ chi phí, nông dân lãi ít nhất 100 triệu đồng/ha.

Phó chủ tịch xã trồng chanh leo làm gương

Gần 11 giờ trưa, ông Trần Minh Tuấn, Phó Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Quảng Trị dẫn chúng tôi thăm quan quanh vườn chanh leo rộng bạt ngàn rồi chỉ vào người đàn ông đầu đội mũ, khăn bông vắt trên vai, tay cầm cuốc đang vun đất cho những gốc chanh leo trong vườn giữa trời nắng chang chang và nói: “Ông Phạm Lự - Phó Chủ tịch UBND xã Tân Lập đấy. Xung phong trồng chanh leo để làm mô hình mẫu, làm gương cho bà con học tập”.

Ông Tuấn cho biết, tỉnh có chủ trương tìm kiếm loại cây trồng mới giúp bà con huyện Hướng Hóa chuyển đổi cơ cấu cây trồng, phát triển kinh tế. Theo đó, sau khi thăm quan nhiều mô hình ở các địa phương, lãnh đạo tỉnh quyết định thử nghiệm với cây chanh leo vì thấy hợp khí hậu và thổ nhưỡng ở vùng này.

Tháng 5/2018, Sở NNPTNT tỉnh Quảng Trị ký biên bản hợp tác trồng và thu mua chanh leo với UBND huyện Hướng Hóa và Công ty CP Nafoods Tây Bắc. Đến tháng 6/2018, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Quảng Trị triển khai dự án phát triển chanh leo với quy mô 12 ha tại 3 xã Hướng Phùng, Tân Liên, Tân Lập.

Lúc mới lên khu vực Hướng Hóa khảo sát, thấy vườn đồi hoang tàn, anh em cán bộ khá lo lắng vì sợ không thành công. Tổ chức tập huấn cho bà con trồng chanh leo nhiều người ngại, từ chối không tham gia. Bởi, từ trước nay họ chỉ quen với cây cà phê, hồ tiêu, chuối, còn nói đến chanh leo có người không biết. Họ sợ thất bại!

Ông Phạm Lự - Phó Chủ tịch UBND xã Tân Lập (Hướng Hóa) trồng chanh leo làm gương cho bà con học tập.
Ông Phạm Lự - Phó Chủ tịch UBND xã Tân Lập (Hướng Hóa) trồng chanh leo làm gương cho bà con học tập.

Ông Lự thừa nhận, hồi cán bộ nông nghiệp tỉnh, huyện về mở lớp tập huấn trồng chanh leo ở xã, nông dân nghe thấy lạ quá nên không ai tham gia. Đi thuyết phục mãi họ vẫn cứ lắc đầu từ chối, thành ra xã quyết định dân không làm thì cán bộ làm gương, đi đầu trong phong trào trồng chanh leo. “Thế là tôi nhận trồng 1ha, cán bộ địa chính xã phải trồng 0,5ha” - ông Lự nói. Cầm mấy quả chanh leo rồi lấy tay tách đôi mời mọi người ăn thử, ông Lự khoe: “Là chanh nhưng rất ngọt, không hề chua đâu, thơm ngon vô cùng”.

Chanh leo đi Pháp

Sau 7 tháng trồng, ông Lê Hoài Hưng - Giám đốc Công ty CP Nafoods Tây Bắc cho biết, phía công ty đang tích cực thu mua chanh leo của bà con nông dân trong mô hình liên kết tại huyện Hướng Hoá và đưa về nhà máy chế biến thành sản phẩm. “Một phần chanh leo thu mua đã được xuất khẩu qua Pháp” - ông Lê Hoài Hưng báo tin vui.

Ông Hà Sĩ Đồng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị, cho rằng hiệu quả ban đầu của mô hình cho thấy khí hậu thổ nhưỡng tại huyện Hướng Hóa thích nghi tốt với cây chanh leo. Ông Đồng cũng cho biết, Quảng Trị đã thành công với mô hình liên kết sản xuất lúa hữu cơ, nông dân tham gia chuỗi sản xuất được bao tiêu đầu ra với giá cả ổn định. Nhờ đó, thu nhập của người nông dân tăng đáng kể, cuộc sống ổn định hơn trước. Gạo hữu cơ Quảng Trị cũng đã có thương hiệu, xuất hiện tại nhiều hệ thống siêu thị lớn trên cả nước.

Từ kinh nghiệm của mô hình trồng lúa hữu cơ, theo ông Đồng, chỉ cần nông dân phối hợp tốt với ngành nông nghiệp, doanh nghiệp thu mua để trồng chanh leo đạt chất lượng xuất khẩu thì không còn lo về đầu ra.

Tỉnh Quảng Trị đang bàn với Công ty CP Nafoods Tây Bắc khảo sát, mở rộng diện tích trồng chanh leo ở Hướng Hóa lên khoảng 500ha vào năm 2025, tạo thành vùng chuyên canh. Đồng thời cho xây dựng nhà máy chế biến ngay tại địa phương để nâng cao giá trị kinh tế cây chanh leo. Còn trước mắt trong năm nay sẽ mở rộng diện tích lên khoảng 120ha.

Bảo Phương – Trần Thường