dd/mm/yyyy

Nỗi trăn trở và niềm mơ ước của "Vua lợn organic"

Điện thoại reo, "Vua lợn organic" Tô Hiến Thành dừng câu chuyện. Sau chừng 5 phút tư vấn cho một kỹ thuật viên ở trại lợn trong HTX, ông quay trở lại bàn.
Chiếc áo bảo hộ lao động cũ mèm, chiếc giường đêm đêm ngả lưng cùng người bạn đời của mình cũng “tạm bợ”, cái áo com lê cùng chiếc cà vạt đỏ (mà chắc là chỉ dùng mỗi khi đi dự hội nghị và lên bục nhận bằng khen) được treo lên chiếc dây thừng giăng ở góc phòng ngủ lẫn lộn giữa các bộ quần áo của cả gia đình. Tâm trí, sức lực, đam mê và cả tình yêu của ông đều dành hết cho đàn lợn của mình.

Nhấp một ngụm trà, ông Tô Hiến Thành kể tiếp: “Mặc dù Tỉnh đã ký hợp đồng, nhưng rồi chả biết kiện ai bây giờ. Họ nói không mua nữa thì chúng tôi chỉ còn biết ngậm bồ hòn làm ngọt. Tôi lại vay tiền ngân hàng, quay sang nuôi gà, vịt”.

Thịt lợn tại HTX Trường Thành được đóng gói hút chân không làm giảm tối đa nhiễm vi sinh vật trong quá trình bảo quản và kinh doanh, góp phần bảo đảm chất lượng thịt và an toàn thực phẩm.
Thịt lợn tại HTX Trường Thành được đóng gói hút chân không làm giảm tối đa nhiễm vi sinh vật trong quá trình bảo quản và kinh doanh, góp phần bảo đảm chất lượng thịt và an toàn thực phẩm.

“Sau hơn một năm trời mất ăn, mất ngủ, cặm cụi chăm sóc, 28 tết, nhìn cái cảnh phải đem 3.750 con gà, vịt đi chôn vì H5N1 mà tôi đau như cắt từng thớ thịt” - mắt rớm lệ, ông Thành đứng lên đi ra đầu bờ ao trước nhà. 5 phút sau ông quay lại. Dường như hơi nước ở mặt ao được làn gió đầu thu quyện lên khiến không khí trở nên mát dịu làm ông vơi đi nỗi buồn đau của quá khứ.

“Tết đến. Chưa bao giờ có một cái tết buồn đến thế. Tôi lại trăn trở: Phải làm gì đây? Có người bạn cùng đơn vị bộ đội cũ khuyên tôi nên làm nấm. Làm nấm cần rất ít vốn, vòng thu hoạch lại nhanh. Thế là lại đi học làm nấm. Năm đầu làm đến đâu bán hết đến đấy. Thấy tôi làm bán được, người ta đua nhau làm. Thị trường nấm trở nên bão hòa. Mấy ông bạn ở Viện Di truyền nông nghiệp khuyên nên chuyển sang làm nấm khô. Tôi đầu tư làm nhà xưởng, xây lò sấy. Ai ngờ nửa đêm chập điện cháy sạch trụi cả nấm, cả nhà xưởng. Sáng ra nhìn đống tro tàn chỉ còn biết ngửa mặt lên trời: Sao cái số mình khổ thế này!”, “Vua lợn Organic” kể.

Trầm ngâm một lúc, ông bảo: “Lúc này tôi như đứng bên bờ vực thẳm. Tay trắng: Tiền mất, nhà cửa không còn. Tôi lang thang và cuối cùng lưu lạc vào Bình Dương đi làm thuê. Vừa làm thuê để mưu sinh, vừa đi học mót nghề chăn nuôi lợn siêu nạc. Tôi quay về quê thuyết phục cậu em trai thế chấp nhà của vợ chồng cậu ấy cho ngân hàng để vay vốn nuôi lợn siêu nạc”. “Làm sao mà em trai ông lại bị thuyết phục bởi một người đã năm lần bảy lượt thất bại?”, anh bạn đồng nghiệp của tôi hỏi. Ông tủm tỉm cười, bảo: “Sáng tới, trưa tới, tối lại tới nhà nói: “Em không giúp anh thì anh chỉ còn nước chết!”. Vợ chồng cậu em xiêu lòng”.

HTX còn thiết kế và xây dựng khu giết mổ đảm bảo vệ sinh và tính nhân đạo với động vật khi sử dụng hệ thống cáp treo di chuyển lợn và áp dụng máy trích sốc gây ngất lợn trước khi giết mổ.
HTX còn thiết kế và xây dựng khu giết mổ đảm bảo vệ sinh và tính nhân đạo với động vật khi sử dụng hệ thống cáp treo di chuyển lợn và áp dụng máy trích sốc gây ngất lợn trước khi giết mổ.

Có dịp tận mắt chứng kiến những trại lợn của HTX Trường Thành và nhất là qua những câu chuyện thấm đẫm mồ hôi và nước mắt của ông chủ Trường Thành, tôi mới càng thấu hiểu cái câu nói mà đầu buổi sáng khi tiếp chúng tôi của ông: “Tất cả vì lợn. Tất cả dành cho lợn!”. Dường như người đàn ông từng trải này không hề, hay nói đúng hơn là, không còn thời gian và tâm trí để lo cho cuộc sống cá nhân.

>> Kỳ 1: Những lần vượt ... ải tử của "Vua lợn organic"

Mặt trời đã đứng bóng, câu chuyện thì vẫn cứ kéo dài. Chúng tôi đứng lên. Ông nhất định giữ lại bằng được để “mời các anh nhà báo thưởng thức các sản phẩm từ lợn của Trường Thành”. Bữa ăn trưa khá thịnh soạn. Thịt lợn chế biến đủ loại, giò, chả, nem… Thì ra cung cấp cho người tiêu dùng hiện nay, Trường Thành không chỉ có thịt lợn mà còn có các loại thành phẩm khác từ lợn như giò, chả, nem, thịt lợn xấy khô. “Thịt lợn khô ngon hơn thịt bò khô nhiều”, “Vua lợn Organic” nói.

“Cạch!”. Sau cái chạm ly ấy, ông Thành đưa chén lên môi, không uống ngay mà hít nhè nhẹ, dường như để thưởng thức cho hết cái mùi thơm của thứ “nước tinh khiết” được chiết ra từ loại nếp nương vàng vùng núi cao (mà theo ông chỉ có loại nếp nương này mới cho ra loại rượu tuyệt hảo như vậy). Uống xong, đặt chiếc ly xuống bàn, ông cầm chiếc điếu, châm lửa, rít một hơi dài...

Ông bảo, ngoài việc tiếp tục đẩy mạnh chăn nuôi lợn - mặt hàng chính yếu, đang rất có uy tín với thị trường, Trường Thành đang chú trọng đầu tư để nuôi vịt cỏ, cá. “Tuy nhiên dự định của tôi là sẽ đầu tư mạnh cho các loại quả sạch. Hoa quả nước mình nhiều loại ngon lắm. Đã đến lúc người Việt Nam phải được ăn hoa quả Việt Nam mà không còn phải lo có chất độc hại”.

Ông Lại Xuân Môn - Ủy viên T.Ư Đảng, Chủ tịch T.Ư Hội NDVN trao giải Nhất trị giá 40 triệu đồng cho nhà báo Lê Thọ Bình với tác phẩm “Đường làm giàu truân chuyên của vua lợn organic”.
Ông Lại Xuân Môn - Ủy viên T.Ư Đảng, Chủ tịch T.Ư Hội NDVN trao giải Nhất trị giá 40 triệu đồng cho nhà báo Lê Thọ Bình với tác phẩm “Đường làm giàu truân chuyên của vua lợn organic”.

“Ông có nghĩ đến một ngày nào đó làm các mặt hàng xuất khẩu không?”- anh bạn đồng nghiệp của tôi hỏi. Nâng ly. Cạch! Nhấp một ngụm, đặt nhẹ cái ly xuống bàn, nét mặt ông trở nên nghiêm trang: “Ước muốn của tôi là người Việt Nam, mà nhất là trẻ em, phải được ăn thực phẩm sạch. Tôi muốn được góp phần nhỏ bé của mình vào việc bảo vệ nòi giống của dân tộc. Đó cũng là thị trường của chúng tôi”, “Vua lợn Organic” nói.

“Vậy khó khăn nhất của ông hiện nay là gì?”- anh bạn đồng nghiệp cùng đi nâng ly cụng riêng với “Vua lợn Organic” và hỏi. Ông ngồi thừ ra, nét mặt trở nên đăm chiêu. Ông không nói gì. Lại cầm chiếc điếu lên, với cái lông gà ngoáy nỏ điếu cẩn thận. Cấu một vê thuốc lào to hơn những lần trước đó, rít một hơi dài, phả khói mù mịt xuống đất, chậm rãi nói như cho chính mình nghe: “Khó khăn nhất là vốn. Chính quyền địa phương cho mình thuê đất dài hạn, nhưng lại không cấp quyền sử dụng đất, nên không thể thế chấp ngân hàng để vay tiền được”.

Lại thêm một hơi thuốc lào nữa. Thực tình tôi ái ngại cho ông vì ông rít thuốc lào liên tục. Ông bảo, đời ông có hai thứ mà nếu thiếu đi thì không chịu được. Đó là “không khổ là không chịu được và thuốc lào - không có cũng không chịu được”. Nói rồi ông nhìn chúng tôi dò hỏi: “Làm thế nào mà tháo gỡ được nút thắt này nhỉ?”. Vâng, làm thế nào mà tháo gỡ được nút thắt này để ông Thành có thể thế chấp vay vốn? Đây là câu hỏi mà chúng tôi - những “nhà báo chính thống” (ông Thành gọi chúng tôi như thế) muốn thay mặt “vua lợn, người đầu tiên của tỉnh Bắc Giang nuôi lợn Oganic chuyển đến các cơ quan có thẩm quyền.

Bài và ảnh: Lê Thọ Bình