dd/mm/yyyy

Những tiểu trang trại ở vùng biên Đắc Lắc

Đắc Lắc có đường biên giới dài hơn 73km, tiếp giáp với tỉnh Mondulkiri (Vương quốc Campuchia). Địa bàn biên giới Đắc Lắc khí hậu khắc nghiệt, mùa khô hạn hán, mùa mưa ngập lụt, nhưng những năm gần đây, Bộ đội Biên phòng (BĐBP) tỉnh Đắc Lắc đã biến vùng đất cằn cỗi thành các tiểu trang trại xanh tốt, chủ động cung cấp nguồn thực phẩm sạch tại chỗ.

Đồn Biên phòng Cửa khẩu Đắc Ruê là một trong những đơn vị tiên phong trong ứng dụng mô hình tiểu trang trại cấp đồn của BĐBP tỉnh Đắc Lắc phù hợp với điều kiện thực tế. Từ quỹ đất đơn vị được giao quản lý cách đồn gần 2km, gần nguồn nước từ hồ thủy lợi 739, đơn vị đã quy hoạch, xây dựng khu trồng rau xanh, khu chăn thả gia súc như lợn, trâu, bò và gia cầm với khoảng 500 con vịt các loại. Thiếu tá Đỗ Thế Cường, Đồn trưởng Đồn Biên phòng Cửa khẩu Đắc Ruê cho biết: "Mô hình tiểu trang trại cấp đồn được đơn vị triển khai cách đây 2 năm. Theo đó, đơn vị đã lựa chọn các khu vực gần sông, suối, ao, hồ tổ chức trồng trọt, chăn nuôi. Kết quả, đồn đã hình thành tiểu trang trại có diện tích gần 15ha, gồm hơn 10ha lúa nước, 4,6ha trồng cỏ chăn nuôi gia súc, 2 sào trồng rau xanh và diện tích ao cá hơn 2 sào".

Nuôi vịt trời tại mô hình tiểu trang trại của Đồn Biên phòng Cửa khẩu Đắc Ruê.
Nuôi vịt trời tại mô hình tiểu trang trại của Đồn Biên phòng Cửa khẩu Đắc Ruê.

Cũng với mô hình tiểu trang trại, tại Đồn Biên phòng Sê Rê Pốc, ngoài phát triển đàn gia súc, đơn vị nuôi hơn 100 con gà siêu trứng, bước đầu bảo đảm lượng trứng nhập vào bếp ăn và cung cấp cho các đồn trên cùng tuyến. Nói về những kinh nghiệm trong triển khai mô hình, Trung tá Lê Hải Thanh, Chính trị viên đồn chia sẻ: "Muốn thực hiện được mô hình tiểu trang trại cấp đồn, trước hết phải xây dựng con người “giỏi một việc, biết nhiều việc”. Bởi thực tế, mô hình này đòi hỏi đầu tư lớn cả về vốn và kỹ thuật, vì vậy cần lựa chọn những cán bộ, chiến sĩ tâm huyết, có trình độ nhất định trong áp dụng khoa học kỹ thuật vào tăng gia sản xuất. Bên cạnh đó, mô hình cũng là hướng đi nhằm giải phóng sức lao động của bộ đội bằng việc áp dụng khoa học kỹ thuật hiện đại và cơ giới hóa. Đơn cử như hệ thống mái che và vòi phun tự động cho phép đơn vị có thể trồng rau xanh quanh năm, mùa khô phun tưới tự động, mùa mưa có bạt che phủ".

Đánh giá chung toàn lực lượng BĐBP tỉnh Đắc Lắc, từ việc triển khai mô hình tiểu trang trại cấp đồn, công tác tăng gia sản xuất đã mang lại hiệu quả tích cực. Đến nay, ngoài Đồn Biên phòng Cửa khẩu Đắc Ruê, Đồn Biên phòng Sê Rê Pốc và Tiểu đoàn Huấn luyện cơ động 19 đã xây dựng mô hình ổn định thì 5 đồn biên phòng còn lại trên tuyến biên giới Đắc Lắc đang triển khai theo hướng phù hợp thực tế địa bàn. Năm 2017 và 2018, 100% các đơn vị chủ động hoàn toàn nhu cầu rau xanh; bảo đảm 70-80% nhu cầu thịt, cá, trứng tại chỗ. Từ vườn tăng gia, trại chăn nuôi trên biên giới, mùa nào thức nấy, bếp ăn của các đồn biên phòng luôn đa dạng các loại thực phẩm sạch.

Thượng tá Nguyễn Minh Tuyên, Phó chỉ huy trưởng Bộ chỉ huy BĐBP Đắc Lắc khẳng định: "Phát triển mô hình tăng gia tiểu trang trại cấp đồn là hướng đi đúng, là sự vượt khó của BĐBP tỉnh những năm gần đây. Nhờ mô hình này, tỷ lệ quân số khỏe của BĐBP tỉnh Đắc Lắc thường xuyên đạt hơn 98,5%. Đời sống vật chất của bộ đội được cải thiện, thêm yên tâm, gắn bó với đơn vị, nỗ lực hoàn thành nhiệm vụ được giao. Hơn thế, từ mô hình tiểu trang trại đã hình thành những mô hình kinh tế để bà con các xã biên giới học tập, nhân rộng trong phát triền kinh tế hộ".

Bài và ảnh: Ngọc Lân-Bình Định