dd/mm/yyyy

Nhà vườn học cách đưa thanh long sang Úc

Thông tin cơ quan chức năng Australia cho phép nhập khẩu thanh long tươi từ Việt Nam là một tín hiệu đáng mừng, nhưng theo nhiều nhà vườn, để xuất được trái thanh long sang thị trường này không hề đơn giản. Theo yêu cầu của bạn, nhà vườn sẽ phải thay đổi thói quen canh tác, đảm bảo các tiêu chuẩn kỹ thuật do Australia yêu cầu...

Mới xuất khẩu kiểu “làm quen”

Bộ Nông nghiệp và Nguồn nước Australia vừa công bố bản báo cáo cuối cùng phục vụ việc đánh giá các yêu cầu an toàn sinh học đối với việc nhập khẩu thanh long tươi từ Việt Nam. Bản báo cáo khuyến nghị Australia cho phép nhập khẩu thanh long tươi từ tất cả các vùng sản xuất thanh long thương mại của Việt Nam.

Tại vùng ĐBSCL, huyện Chợ Gạo (Tiền Giang) hiện có hơn 5.000ha và Châu Thành (Long An) có hơn 7.000ha thanh long, với tổng sản lượng hơn 250.000 tấn. Thông tin Australia đồng ý nhập khẩu thanh long Việt Nam được cho là tín hiệu đáng mừng đối với nhà vườn 2 tỉnh này. Ông Phạm Minh Hùng – Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Long An cho biết, hiện nay thanh long Long An chủ yếu xuất khẩu sang thị trường dễ tính là Trung Quốc. Đối với thị trường khó tính thì người trồng thanh long chưa thực sự quan tâm vì phải thực hiện sản xuất theo quy trình sạch, đồng nghĩa với việc phải đầu tư cao. Đầu tư cao, đương nhiên giá bán cũng phải cao nên đầu ra cho loại sản phẩm chất lượng cao này không nhiều.

Nhà vườn thu hoạch thanh long ở Châu Thành, Long An. Ảnh: Hồng Anh

“Để tạo thuận lợi cho trái thanh long Việt Nam thâm nhập vào thị trường khó tính như châu Âu nói chung, Australia nói riêng hay các đối tác khác, thì phải hướng dẫn cho bà con nông dân chuyển đổi công nghệ, tiếp cận quy trình sản xuất hiện đại, theo yêu cầu của khách hàng như VietGAP, GlobalGAP. Song song đó phải ký cam kết đảm bảo giá thu mua cho bà con nông dân. Trong năm 2016, tỉnh Long An cũng đã vận động bà con trồng được 2.000ha thanh long theo mô hình chất lượng cao để đưa đi các thị trường tiêu thụ khó tính. Vì thế, khi chúng tôi nghe tin Australia bắt đầu quá trình xem xét việc nhập khẩu thanh long tươi của Việt Nam thì đây quả là một tín hiệu mừng” – ông Hùng nói.

Phó Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Long An, ông Nguyễn Xuân Hồng cho biết thêm: “Diện tích trồng thanh long của tỉnh Long An đứng thứ hai cả nước sau Bình Thuận, với tổng diện tích hơn 7.377ha, diện tích đang cho trái khoảng 6.200ha, sản lượng đạt khoảng 158.000 tấn. Trái thanh long được xuất khẩu sang châu Âu chiếm khoảng 5% sản lượng (theo đường chính ngạch), xuất khẩu sang Trung Quốc chiếm 80% sản lượng, còn lại 15% tiêu thụ nội địa. Năm 2016, kim ngạch xuất khẩu thanh long đạt khoảng 129 triệu USD. Như vậy, đối với thị trường “khó tính” thì thanh long Long An vẫn chỉ xuất khẩu ở mức độ “làm quen” chứ không phải là thị trường chủ lực.

Chỉ mới là tín hiệu mừng

Trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Thân Ái - Giám đốc Công ty Hương Vị Trái Cây Việt (huyện Châu Thành, Long An) nói: “Nếu xuất được thanh long qua Australia thì giá cao đương nhiên là doanh nghiệp có lợi. Nhưng qua được Australia, hay các thị trường khó tính khác như châu Âu thì trước mắt phải làm thanh long sạch, chất lượng mới xuất đi được. Trong khi để có thanh long sạch đạt chuẩn, cần phải có thời gian, bởi theo tôi thấy, hiện nay phần lớn thanh long sản xuất chưa đạt chất lượng sạch theo yêu cầu của các đối tác khó tính. Chỉ một số ít doanh nghiệp quan tâm mô hình này, vì rất tốn thời gian và chi phí. Doanh nghiệp tôi cũng đang triển khai sản xuất và chào hàng với số lượng lớn cho các thị trường khó tính, vì thế chúng tôi cũng rất quan tâm thị trường Australia, bởi đây là thị trường có nhiều tiềm năng”.

Ông Nguyễn Văn Bé Em (xã Mỹ Tịnh An, huyện Chợ Gạo) cho rằng, lâu nay nhà vườn trồng thanh long vẫn trồng theo cách thông thường chứ ít quan tâm đến các yêu cầu nghiêm ngặt về kỹ thuật. “Khi hút hàng, thương lái Trung Quốc ồ ạt tranh mua mà không đòi hỏi tiêu chuẩn gì nên nhà vườn chăm sóc khá thoải mái, trồng kiểu gì cũng bán được. Lâu nay nông dân chúng tôi chỉ trồng theo “đặt hàng” của thương lái, nếu doanh nghiệp đòi hỏi tiêu chuẩn cao để xuất đi Australia thì giá mua phải cao hơn, và phải có hỗ trợ kỹ thuật. Nếu không được hỗ trợ, nhà vườn sẽ tiếp tục trồng theo kiểu cũ và mãi chỉ xuất sang Trung Quốc”.

Theo Sở NNPTNT tỉnh Bình Thuận, đến nay đã có 11 quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới đồng ý bảo hộ chỉ dẫn địa lý trái thanh long Bình Thuận, gồm Mỹ, Nhật Bản, Anh, Đức, Pháp, Malaysia, Indonesia, Thái Lan, Hà Lan, Hàn Quốc... Ngoài ra, Singapore và Hongkong (Trung Quốc) đang trong quá trình thẩm định. Việc nhiều quốc gia, vùng lãnh thổ nhập khẩu trái thanh long tươi Bình Thuận cũng như ở các vùng trồng thương mại khác của Việt Nam không chỉ mở ra nhiều thuận lợi để người dân tăng diện tích, mà còn là cơ hội lớn để tăng giá trị sản phẩm, hướng đến làm ăn bền vững, chuyên nghiệp.

 

Nhật Bản đồng ý cấp phép nhập thanh long Việt

Tin mừng là mới đây, thanh long tiếp tục là loại quả thứ 2 của Việt Nam được phía Nhật Bản cấp phép nhập khẩu, sau xoài. Theo Hiệp hội Rau quả Việt Nam, cũng như quả xoài tươi, thanh long phải được xử lý hơi nước nóng trước khi xuất khẩu. Ngoài ra, thanh long nguyên liệu phải được thu mua từ vùng trồng tuân thủ sản xuất nông nghiệp tốt và được Cục Bảo vệ thực vật cấp mã số quản lý. Trước khi Australia và Việt Nam có thể tiến hành việc xuất nhập khẩu thanh long, Chính phủ 2 nước cần hoàn tất một số bước đi cuối cùng, trong đó có việc thiết lập các quy trình hoạt động tiêu chuẩn cho các cơ sở xử lý thanh long bằng hơi nước và hoàn tất các điều kiện nhập khẩu đối với trái thanh long của Việt Nam.

Thanh Ca