dd/mm/yyyy

Nguy hiểm bệnh cúm A H5N6, cần làm tốt “5 không”

Trong khi cả nước đang phải căng mình đối phó với bệnh Dịch tả heo châu Phi thì các cơ quan chức năng và người chăn nuôi trên địa bàn tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu lại phải tiếp tục triển khai các biện pháp ngăn chặn sự bùng phát và lây lan của bệnh cúm gia cầm A/H5N6.

Ổ dịch được phát hiện tại trại chăn nuôi gà của ông Trần Ngọc Thọ, xã Phước Thuận, huyện Xuyên Mộc (thông báo kết quả xét nghiệm số 6475/TYV6-TH ngày 03/8/2019 của Chi cục Thú y vùng VI). Đây là ổ dịch cúm gia cầm chủng mới do vi rút cúm A/H5N6, lần đầu tiên được phát hiện trên địa bàn tỉnh.

Cần tiêu độc khử trùng để phòng ngừa dịch bệnh trên đàn gia cầm.
Cần tiêu độc khử trùng để phòng ngừa dịch bệnh trên đàn gia cầm.

Theo Cục Thú ý, bệnh cúm gia cầm A/H5N6 là bệnh truyền nhiễm nguy hiểm, do vi rút cúm type A, subtype H5N6 gây ra. Bệnh có tốc độ lây lan rất nhanh làm chết hàng loạt gia cầm ở nhiều loài khác nhau như gà, vịt, ngan, bồ câu, chim cút… gây thiệt hại kinh tế nghiêm trọng cho người chăn nuôi. Đặc biệt bệnh cúm gia cầm H5N6 có thể lây sang người gây tử vong.

Bệnh có thể lây trực tiếp do gia cầm mẫn cảm tiếp xúc với gia cầm mắc bệnh cúm, từ đó vi rút cúm xâm nhập vào cơ thể qua thức ăn, nước uống bị nhiễm vi rút cúm. Lây gián tiếp qua những dụng cụ chăn nuôi, thức ăn, nước uống, lồng nhốt, quần áo, phương tiện vận chuyển,... bị nhiễm vi rút cúm.

Để phòng chống bệnh cúm gia cầm A/H5N6 đạt hiệu quả, cần phải thực hiện tốt “5 Không”: Không nuôi thả rông gia cầm; Không buôn bán, vận chuyển gia cầm ốm, chết; Không ăn thịt gia cầm ốm, chết; Không được giấu dịch; Không vứt xác gia cầm bừa bãi ra ngoài môi trường. Thực hiện nghiêm túc việc tiêu hủy đàn gia cầm bệnh, vệ sinh tiêu độc sát trùng ổ dịch theo hướng dẫn của ngành chức năng.

Để phòng tránh bệnh cúm gia cầm A/H5N6 truyền lây sang người, mọi người cần hạn chế tiếp xúc với gia cầm nhất là khi gia cầm bệnh. Khi tiếp xúc cần có trang bị phòng hộ như khẩu trang, găng tay, quần áo bảo hộ. Rửa sạch tay chân bằng xà phòng sau khi tiếp xúc gia cầm, sản phẩm gia cầm.

Đối với trẻ em, người già, phụ nữ có thai không nên tiếp xúc với gia cầm. Những người đang bị bệnh, đặc biệt bị bệnh cúm tuyệt đối không được tiếp xúc với gia cầm bệnh.

Người tiêu dùng chỉ nên mua gia cầm và sản phẩm gia cầm biết rõ nguồn gốc, đã được cơ quan Thú y kiểm dịch; Chỉ ăn thịt, trứng gia cầm đã được nấu chín; Không ăn tiết canh vịt, ngan; Không làm thịt và ăn các loại gia cầm bệnh và chết để tránh nguy cơ bị lây nhiễm bệnh.

Khánh Nguyên