dd/mm/yyyy

Người phụ nữ điển hình trồng rừng và nuôi heo ở Trường Sơn xứ Quảng

Nhờ phát triển mô hình kinh tế vườn rừng và chăn nuôi heo rừng (lợn), gà mà hộ bà Hồ Thị Nhé (56 tuổi), người Bhnoong (dân tộc Giẻ-triêng) ở thôn 1, xã Phước Đức, Phước Sơn (Quảng Nam) đã khá giả hẳn lên, mỗi năm lãi hơn 150 triệu đồng và bà trở thành người phụ nữ điển hình ở núi rừng Trường Sơn xứ Quảng.

Biến rừng núi thành cơ ngơi bề thế

Trò chuyện với Trang Trại Việt, bà Hồ Thị Nhé cho biết, trước đây gia đình bà thuộc diện hộ nghèo, đời sống khá khó khăn, chủ yếu dựa vào mấy sào ruộng, ngoài ra ai thuê gì làm đó, thu nhập khá bấp bênh. Trong lúc các con thì trong tuổi ăn, tuổi học. Đặc biệt hơn, gia đình bà là người đồng bào, ở nơi miền núi xa xôi, hiểm trở, thu nhập từ hàng hóa nông sản làm ra bán với giá rất thấp.

Người phụ nữ điển hình trồng rừng và nuôi heo ở Trường Sơn xứ Quảng - Ảnh 1.

Mô hình kinh tế vườn rừng, kết hợp chăn nuôi heo đã giúp gia đình bà Hồ Thị Nhé, người Bhnoong (dân tộc Giẻ-triêng) ở thôn 1, xã Phước Đức, Phước Sơn - Quảng Nam, bình quân mỗi năm lãi hơn 150 triệu đồng.

Theo bà Nhé, huyện miền núi Phước Sơn là một vùng "đất cằn", hiểm trở, đại đa số nông dân ở đây làm nông, nhưng trồng lúa và hoa màu thì năng suất không cao, nhiều nông dân phải rời quê đi làm thuê làm mướn để kiếm sống. Riêng gia đình bà luôn suy nghĩ phải làm cách nào để "bám đất" và làm giàu trên chính nơi mình sinh ra.

Những năm gần đây, hạ tầng giao thông ở huyện miền núi Phước Sơn được đầu tư xây dựng, việc làm ra hàng hóa vận chuyển của người đồng bào được thuận lợi, sản phẩm làm ra bán có giá, nên đời sống người dân ở đây đỡ khó khăn hơn.

Người phụ nữ điển hình trồng rừng và nuôi heo ở Trường Sơn xứ Quảng - Ảnh 2.

Năm 2012 gia đình bà Nhé bắt đầu xây dựng mô hình kinh tế vườn rừng, với cây trồng chủ lực là cây keo, cùng với đó là chăn nuôi bò, heo rừng, gà ta thả vườn. Ban đầu do vốn ít nên bà chỉ đầu tư 5-7ha trồng keo, lấy ngắn nuôi dài bà tập trung cho chăn nuôi bò, gà, heo rừng, hàng năm lấy số tiền lãi thu được bà tiếp tục đầu tư mở rông diện tích trồng keo.

"Đến nay, cơ ngơi của gia đình tôi gồm có gần 30ha rừng trồng keo, hơn 1ha trồng sắn, 60 con heo rừng, 40 con bò, cùng đàn gà ta thả vườn gần 1.000 con. Hàng năm trang trại mang lại doanh thu hơn 300 triệu đồng, trừ các khoảng chi phí, gia đình tôi lãi gần 150 triệu đồng. Nhờ làm ăn hiệu quả, gia đình tôi vươn lên thoát nghèo, ổn định cuộc sống…" bà Nhé phấn khởi nói.

Thu lãi 150 triệu đồng/năm

Chia sẻ về khó khăn trong những ngày đầu khởi nghiệp, bà Nhé cho biết, là người đồng bào miền núi, nên vấn đề chọn hướng đi khởi nghiệp, cùng với đó là kỹ thuật trong chăn nuôi, trồng trọt là điều nan giải của nhiều hộ dân ở đây. Ban đầu chỉ là con số không tròn trĩnh, vừa làm, vừa học hỏi kinh nghiệm, nhờ chịu khó tìm tòi, học hỏi mà mô hình kinh tế vườn rừng của bà đã đi đúng hướng và phát huy hiệu quả.

Người phụ nữ điển hình trồng rừng và nuôi heo ở Trường Sơn xứ Quảng - Ảnh 3.

Bà bà Hồ Thị Nhé trở thành người phụ nữ tiêu biểu của đồng bào Bhnoong (dân tộc Giẻ-triêng) ở núi rừng Trường Sơn của xứ Quảng.

Nói về mô hình kinh tế vườn rừng, bà Nhé cho hay, đây là mô hình không quá khó, nhưng cũng không phải dễ nếu muốn làm giàu từ mô hình này. Vì quá trình thu hoạch keo kéo dài, từ khi trồng đến lúc khai thác phải từ 4-5 năm/lứa. Khoảng thời gian 4-5 năm đó phải bỏ công chăm sóc, phân bón, thuê nhân công chăm sóc nhưng lại chưa có thu nhập, nên gia đình tôi chọn cách chăn nuôi để có thêm nguồn thu nhập.

Cây keo rất dễ trồng, sau khi trồng xong thì mỗi năm chăm sóc khoảng 2 lần, làm sạch cỏ, bón phân, phát sạch dây leo bụi rậm, chỉnh sửa cây làm cỏ vun gốc, trợ lực cho những cây sinh trưởng chậm. Nếu cây có nhiều cành nhánh, cần tỉa bớt những cành thấp, tốt nhất là tỉa cành khi mới nhú. Dùng dao, kéo sắc để cắt sát gốc cành tỉa. Cứ như thế đến năm thứ 4 hoặc năm thứ 5 thì khai thác.

"Hiện mỗi năm từ việc bán gỗ keo, và chăn nuôi bò, heo rừng, gà ta thả vườn, trồng sắn gia đình tôi thu lãi đều đặn hơn 150 triệu đồng/năm, nhờ đó mà tôi xây được ngôi nhà khang trang, nuôi 4 đứa con ăn học…" - bà Nhé vui mừng nói.

Đến nay, cơ ngơi của gia đình bà Nhé gồm có gần 30ha rừng trồng keo, hơn 1ha trồng sắn, 60 con heo rừng, 40 con bò, cùng đàn gà ta thả vườn gần 1.000 con. Hàng năm trang trại mang lại doanh thu hơn 300 triệu đồng, trừ các khoảng chi phí, gia đình tôi lãi gần 150 triệu đồng.
Trần Hậu – Đoàn Hồng